Trong 3 năm qua ngành y tế đã phải đối mặt với vô vàn thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó với sự sáng suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 từ đó giúp cho ngành y tế giải quyết những vấn đề phát sinh cả trong và sau đại dịch. Nhìn lại quá trình trong một năm rưỡi được áp dụng Nghị quyết 30 của Quốc hội, đối với Bộ Y tế, đó là những giá trị thực tiễn vô cùng quan trọng không thể phủ nhận.
Ngoài ra cùng với việc Quốc hội thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi trong những ngày đầu tiên của năm 2023, sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp ngành y tế giải quyết những vướng mắc, khó khăn bấy lâu nay; để có thể làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ cho nhân dân. Mời quý vị cùng lắng nghe những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh với Truyền hình Quốc hội Việt Nam xung quanh các quyết sách quan trọng này của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội Việt Nam
Phóng viên: Thưa bộ trưởng, Nghị quyết 30 của Quốc hội là một sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ, tạo điều kiện cho Chính phủ chủ động, linh hoạt trong điều hành phòng chống dịch. Vậy đối với Bộ Y tế, Nghị quyết 30 của Quốc hội đã có ý nghĩa quan trọng như thế nào? Bà đánh giá gì về quyết định lịch sử này của Quốc hội?
Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế: Nghị quyết số 30 được Quốc hội ban hành trong bối cảnh, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở trong nước và thế giới. Mặc dù Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để tăng cường công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, thực tiễn đã phát sinh các tình huống khó khăn, vướng mắc mà các cơ chế chính sách hiện hành chưa bao phủ hết. Đây là đại dịch chưa có trong tiền lệ nên cũng cần các biện pháp đặc biệt để kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Trước bối cảnh đó, Nghị quyết số 30 được Quốc hội ban hành đã trao quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được chủ động, linh hoạt quyết định triển khai các giải pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch COVID-19. Với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về y tế và là thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 nên đối với Bộ Y tế, Nghị quyết 30 của Quốc hội có giá trị vô cùng quan trọng, là cơ sở pháp lý vững chắc để Bộ Y tế tham mưu cho CP, TTCP, BCĐQG cũng như giúp BYT trực tiếp chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn tổ chức triển khai các biện phòng chống dịch chủ động, thuận lợi, linh hoạt, kịp thời, đạt hiệu quả trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến nguy hiểm, phức tạp, chưa có tiền lệ mà các quy định của pháp luật hiện hành còn bất cập, chưa dự liệu hết các tình huống thực tiễn có thể pháp sinh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hòng Lan
Nghị quyết 30 cho phép áp dụng các biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách, khác với quy định của luật hoặc chưa có trong luật hiện hành. Từ đó, Bộ Y tế có thể chủ động trong mua thuốc, vắc xin, sinh phẩm, hóa chất, trang thiết bị y tế theo các thủ tục rút gọn, đặc biệt của Luật đấu thầu trong điều kiện cấp bách. Bên cạnh đó, BYT có thể ban hành các thông tư theo các quy trình thủ tục rút gọn và cả các văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật mà trong điều kiện bình thường phải ban hành Nghị định, Thông tư nhưng trong điều kiện có dịch thì văn bản phải được ban hành ngay, khẩn cấp tính theo từng giờ, từng ngày. Nhờ đó Bộ Y tế đã kịp thời ban hành kịp thời, nhanh chóng một khối lượng lớn thông tư, văn bản hướng dẫn, quy định chuyên môn để chỉ đạo, điều hành các biện pháp phòng chống dịch một cách linh hoạt và kịp thời theo từng diễn biến tình hình dịch bệnh.
Bộ Y tế, các bộ ngành, đặc biệt là các địa phương có thể mua sắm cao hơn các định mức tiêu chuẩn để kịp thời dự phòng các trường hợp diễn biến phát sinh của dịch bệnh ở những cấp độ cao hơn theo các kịch bản phòng chống dịch. Điều này giúp chúng ta giải quyết được các bất cập trong quy định về mua sắm, đấu thầu, chủ động được trong mua sắm và sẵn sàng cho các nguồn lực về phòng chống dịch.
Cũng nhờ có Nghị quyết 30 mà chính phủ có thể huy động được tổng lực các lực lượng quan trọng của công an, quân đội và huy động từ các địa phương để chi viện cho các điểm nóng, cho những nơi mà dịch bệnh bùng phát mạnh ví dụ như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong đợt dịch thứ tư. Nhờ đó, chúng ta mới có đủ các lực lượng để có thể vừa bảo đảm an sinh xã hội vừa giữ vững ổn định trật tự xã hội, bảo đảm duy trì được sản xuất, lưu thông hàng hóa nhưng đồng thời cũng thực hiện được mục tiêu kép là bảo đảm được sức khỏe của người dân. Nếu như không có sự huy động của nghị quyết 30 cho phép thì chúng ta không thể nào tổ chức được một lực lượng chống dịch đa dạng mạnh mẽ và từ nhiều các bộ ngành địa phương khác khác nhau như vậy. Nếu chỉ ngành y tế thì không thể làm nổi. Có thể nói đây cũng là một cái bước đột phá và trước đây chúng ta cũng chưa có tiền lệ trong các công tác phòng chống dịch.
Nghị quyết 30 cũng dành cho công tác phòng, chống dịch một nguồn lực kinh phí từ ngân sách rất đầy đủ, được chuyển nguồn linh hoạt và huy động được sự đóng góp, chung tay của toàn dân, doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế. Nhờ đó ta có đủ nguồn lực để phòng, chống dịch.
Bộ Y tế rất trân trọng sự thấu hiểu, sẻ chia và ban hành những quyết sách kịp thời của Quốc hội. Nhờ đó đã giúp ngành y tế có thể tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch một cách hiệu quả kịp thời và linh hoạt nhất và từ đó thì cũng giúp cho chúng ta vượt qua được đại dịch covid-19 vô cùng là phức tạp nguy hiểm, khó khăn và đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, góp phần ổn định củng cố và ổn định chính trị an ninh trật tự xã hội, phát triển kinh tế, duy trì được tan sinh xã hội trong điều kiện có dịch và sau dịch, được các kế tổ chức quốc tế đánh giá rất cao và được người dân rất chia sẻ, ủng hộ các nỗ lực Chính phủ, của Bộ Y tế.
Một lần nữa, có thể nói, Nghị quyết số 30 là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Quốc hội đã phát huy vai trò là người đại diện của Nhân dân, tích cực, chủ động đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt thể chế, cùng Chính phủ triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách phòng, chống dịch. Đây là quyết định đúng đắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân, chăm lo, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, Bộ Y tế là cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Lẽ ra theo kế hoạch dự án Luật này thông qua tại Kỳ họp thứ Tư (tháng 10/2022) nhưng vì còn nhiều ý kiến khác nhau và để đảm bảo cao nhất chất lượng luật nên Quốc hội lùi thời điểm thông qua tại kỳ họp bất thường (tháng 1/2023). Bà đánh giá như thế nào về sự thận trọng, chặt chẽ này của Quốc hội?
Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế: Đây là một sự án luật rất rất quan trọng đối với ngành, nó có tác động rất lớn đến toàn bộ người dân người Việt Nam và trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng luật đây là một lĩnh vực rất là chuyên sâu chính vì vậy trong kế hoạch sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa XV.
Tuy nhiên rất là nhiều nội dung quan trọng liên quan tới dự án luật và với sự chỉ đạo rất là sáng suốt của Quốc hội để đảm bảo giải quyết được những vấn đề mà vướng mắc trong thực tiễn đang đòi hỏi đối với luật khám chữa bệnh đồng thời làm sao đó cũng đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế thì Quốc hội đã quyết định lui thời gian trình thông qua dự án luật vào kỳ họp bất thường tháng 01/ 2023 để Chính phủ có đủ thời gian phối hợp cùng với cơ quan thẩm tra của Quốc hội là Ủy ban Xã hội tiếp tục nghiên cứu bổ sung làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu và để giải quyết được triệt để những vấn đề trong thực tiễn đòi hỏi. Với thời gian từ giữa kỳ họp thứ tư đến đến kỳ họp bất thường thì có thể nói là cơ quan của Chính phủ đã phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội các ủy ban của Quốc hội là Ủy ban Xã hội Ủy ban Pháp luật và các ủy ban khác để tiếp tục tiếp thu giải trình giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan tới dự án luật và trong thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã tập trung tổ chức các hội nghị hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học các chuyên gia; đặc biệt lấy ý kiến của các bệnh viện nơi là đối tượng trực tiếp chịu tác động của ảnh hưởng để mà giải trình tiếp thu có ý kiến qua đó hoàn thiện hơn dự án luật.
Với hàng loạt các giải pháp để triển khai trong thời gian từ kỳ họp thứ tư tới kỳ họp bất thường thì dự án luật đã có những cái thay đổi rất là quan trọng và các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội đánh giá thì cơ bản dựa án luât đã giải quyết được những vấn đề mà ngành y tế rất đang mong mỏi ví dụ liên quan đến nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh đảm bảo mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm, liên quan đến sự phát triển bền vững của ngành y tế, các cơ sở khám chữa bệnh, liên quan tới cơ chế tự chủ, xã hội hóa y tế, giá dịch vụ khám chữa bệnh rồi các nội dung quy định về cấp chuyên môn kĩ thuật để đánh giá cấp phép hoạt động… cũng đã được đề cập rất rõ…Chúng tôi thấy rằng việc lùi thông qua tại kỳ họp bất thường nó thể hiện sự cẩn trọng, thể hiện tinh thần chỉ đạo của Quốc Hội làm luật để làm sao phục vụ cuộc sống, đưa luật vào cuộc sống một cách nhanh chóng nhất.
Phóng viên: Trong quá trình xây dựng luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, các cơ quan của Chính phủ đã phối hợp với cơ quan của Quốc hội như thế nào? bà đánh giá sao về sự phối hợp này?
Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế: Chúng tôi thay mặt cơ quan chủ trì của chính phủ là cơ quan trực tiếp chủ trì soạn thảo luật khám chữa bệnh sửa đổi rất là trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sự phối hợp của các cơ quan của Quốc hội đặc biệt là Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng dự án Luật Khám chữa bệnh sửa đổi chúng tôi luôn luôn nhận được sự phối hợp rất là chặt chẽ, sát sao và đồng hành thường xuyên cùng với cơ quan soạn thảo trong việc hoàn thiện nội dung liên quan tới luật khám chữa bệnh.
Điều đó cũng thể hiện trong kết quả những cái nội dung khó, những nội dung vướng mắc của luật được các đại biểu đưa ra đều được cơ quan của Chính phủ cùng với các cơ quan của Quốc hội đã tiếp thu giải trình đầy đủ và báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội và đã được thông qua tại kỳ họp này.
Chúng tôi nghĩ rằng sự phối hợp này hết sức có ý nghĩa trong quá trình xây dựng luật của ngành y tế lần này cũng như là các lần tiếp theo.
Phóng viên: Thưa bộ trưởng Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi đã được Quốc hội thông qua. Vậy những vướng mắc lâu nay của Bộ Y tế liên quan tới vấn đề tự chủ bệnh viện, xã hội hoá y tế liệu có được giải quyết?
Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế: Luật Khám chữa bệnh sửa đổi thì cũng có đề cập đến các vấn đề tạo điều kiện cho công tác khám chữa bệnh được đảm bảo ví dụ như liên quan vấn đề tự chủ, xã hội hoá, tài chính cho công tác khám chữa bệnh.
Tuy nhiên để giải quyết triệt để vấn đề này thì chúng tôi thấy hiện nay Chính phủ cũng đang trình nhiều dự án luật liên quan như sẽ trình Luật đấu thầu sửa đổi, Luật giá sửa đổi.
Để giải quyết triệt đề vấn đề này cùng với Luật Khám chữa bệnh sửa đổi chúng tôi cũng mong Quốc hội sẽ thông qua những dự án luật này. Đặc biệt làm sao chúng ta xây dựng được một luật liên quan tới vấn đề tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, qua đó nó sẽ giải quyết được triệt để các vấn đề của các đơn vị sự nghiệp công lập. Và với tinh thần tháo gỡ khó khăn, đưa ra những định hướng cơ bản trong lĩnh vực khám chữa bệnh thì tôi nghĩ đây cũng là những căn cứ để chính phủ, các cơ quan của Chính phủ sẽ tiếp tục thể chế hoá trong thời gian tới để giải quyết những vướng mắc.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, Luật Khám chữa bệnh sửa đổi thì có giao cho Chính phủ quy định chi tiết nhiều điều khoản, đây cũng là trách nhiệm rất lớn của Bộ Y tế. Vậy để đảm bảo thực thi luật hiệu quả Bộ sẽ triển khai nhiệm vụ này như thế nào?
Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế: Với tinh thần vai trò trách nhiệm cao của mình, là cơ quan quản lý nhà nước giúp cho Chính phủ liên quan đến lĩnh vực y tế thì ngay sau khi luật khám chữa bệnh sửa đổi được thông qua thì về phía Bộ Y tế chúng tôi cũng đã chủ trì một phiên họp cùng với các Cục, Vụ vụ liên quan để ra soát các nội dung mà Chính phủ cần phải hướng dẫn để mà triển khai thực hiện các quy định của luật khám chữa bệnh sửa đổi.
Chúng tôi cũng sẽ sớm ban hành kế hoạch để thống nhất về mặt nhiệm vụ, về mặt lộ trình cũng như là các giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện thì làm sao đến thời điểm 1/1/2024 Luật khám chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực thi hành thì cơ bản các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện cũng sẽ được Chính phủ ban hành để đảm bảo đầy đủ hành lang pháp lý cho các địa phương các cơ sở khám chữa bệnh triển khai trong thực tiễn.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, Luật Khám chữa bệnh có thể coi là sản phẩm lập pháp đầu tiên của Bà trên cương vị Bộ trưởng, lại vào những ngày cuối cùng của năm, Bà có cảm xúc như thế nào ?
Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế: Luật đã được ban hành đợt này đã thể hiện được mong muốn của nhiều thế hệ ngành y trong thời gian vừa qua. Được Quốc hội thông qua đợt này cũng thể hiện sự ghi nhận, sự mong mỏi mong muốn của Quốc Hội đối với ngành y tế, giao nhiệm vụ cho ngành y tế để làm sao giúp về mặt thể chế, ngành y tế có thể làm tốt hơn công tác chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân và cũng giúp cho ngành y tế có sự phát triển bền vững trong thời gian tới. Chúng tôi rất là trân trọng cảm ơn. Đây là sự cố gắng nỗ lực chung của ngành trong thời gian qua.
Phóng viên: Một lần nữa xin được trân trọng cảm ơn những chia sẻ vừa rồi của Bộ trưởng. Nhân dịp đầu xuân năm mới, chúc Bộ trưởng nhiều hạnh phúc và thành công! Chúc ngành y tế vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh cao cả là bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho toàn dân, đúng như lời căn dặn của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”.
Theo Cổng TTĐT Quốc hội