Trong vòng 2 tuần tới, Glasgow, Scotland là nơi đăng cai hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu được đề cập tới nhiều nhất kể từ thỏa thuận môi trường lịch sử ở Paris vào năm 2015. Dù một số người có thể không đặt nhiều kỳ vọng về đột phá tại hội nghị COP26, nhưng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu là lời nhắc nhở về nhiều vấn đề gắn kết Pháp và phần còn lại của Liên minh châu Âu (EU) với Anh hậu Brexit.
Thủ tướng Anh Boris Johnson từng thừa nhận quan hệ giữa nước này và Pháp đang gặp "sóng gió". Ảnh: Daily Express |
Tuy nhiên, những tranh cãi về xúc xích, quyền đánh bắt cá và cả nguy cơ ngày càng tăng về chiến tranh thương mại đang thống trị các mặt báo ở châu Âu, ám chỉ những rạn nứt ở phạm vi lớn hơn, chứ không đơn thuần chỉ giữa hai quốc gia đơn lẻ.
Theo BBC, căng thẳng tiếp diễn giữa Anh và Pháp về giấy phép đánh bắt cá hậu Brexit đã để lại dư vị buồn ở hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome, Italia cuối tuần trước. Đã có những nỗ lực nhằm xoa dịu tình hình, thông qua các cuộc gặp song phương riêng rẽ, bên lề sự kiện giữa Thủ tướng Anh với Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Tổng thống Pháp. Nhưng như cách nói của một nhân vật có ảnh hưởng tại EU, mọi nỗ lực đều "thất bại nặng nề".
"Vấn đề đáng lý có thể được giải quyết dễ dàng bằng sự linh hoạt và thực dụng từ cả hai phía. Song, có rất ít dấu hiệu về điều đó từ cả người Anh lẫn người Pháp", quan chức giấu tên nói. Ông cho rằng, vì hai nguyên thủ đang tập trung cho những lợi ích chính trị trong nước nên hiện không có nhiều không gian cho sự thỏa hiệp.
Tổng thống Emmanuel Macron đang chịu áp lực lớn từ phe dân tộc chủ nghĩa ở Pháp trước thềm bầu cử tổng thống vào năm tới. Ông Macron được tin sẽ "ghi điểm" trong mắt cử tri khi chứng tỏ sự cứng rắn, sẵn sàng đương đầu với Anh "vì các lợi ích của đất nước". Tất cả diễn ra trong bối cảnh Paris vẫn chưa nguôi giận vì Anh đã ngấm ngầm cùng Mỹ và Australia thành lập liên minh quốc phòng 3 bên mới, khiến Pháp bị mất hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá hàng tỷ USD đã ký từ năm 2016 với Australia.
Ngược lại, Thủ tướng Anh Boris Johnson biết rằng, tranh chấp với người Pháp hay với EU nói chung cũng có ảnh hưởng tích cực tới phần lớn đảng Bảo thủ của ông và nhiều người ủng hộ. Theo những người chỉ trích, động thái sẽ giúp ông Johnson chuyển hướng chú ý khỏi những vấn đề trong nước như giá khí đốt tăng cao, sự thiếu hụt phương tiện vận tải, búa rìu dư luận nhằm vào cách ứng phó đại dịch Covid-19 của chính phủ, ...
Giới quan sát nhận định, những toan tính chính trị có thể khiến cuộc khẩu chiến hiện tại giữa Anh - Pháp lan rộng và gây tổn hại nhiều hơn. Các nước thành viên EU khác thực sự không muốn bị lôi kéo vào tranh cãi về quyền đánh bắt cá và về mặt kỹ thuật chỉ coi đây là vấn đề giữa Anh - Pháp.
Tuy nhiên, cả London và Paris dường như đều muốn Brussels tham gia. Pháp quả quyết, việc Anh không cấp đủ số giấy phép đánh bắt cá như đã cam kết cho nước này là vi phạm Thỏa thuận Thương mại và Hợp tác hậu Brexit (TCA) với toàn bộ EU.
Lord Frost, Bộ trưởng Brexit của Anh cảnh báo nếu Pháp thực hiện các biện pháp trả đũa như Paris đe dọa, bao gồm cả việc tăng kiểm tra gắt gao hơn đối với hàng hóa xuất xứ Anh và "đánh giá lại" nguồn cung cấp điện cho xứ sở sương mù, London sẽ coi đó là hành vi vi phạm TCA và bắt đầu các thủ tục pháp lý chống lại toàn thể EU.
Căng thẳng có dấu hiệu "nóng" lên khi các hãng thông tấn cuối tuần trước đồng loạt cho đăng tải một bức thư Thủ tướng Pháp Jean Castex gửi người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu sự đoàn kết của khối. Trong bức thư bị rò rỉ, dù ông Castex không đòi trừng phạt Anh vì Brexit, nhưng đề nghị cần phải có hành động buộc Anh phải tôn trọng các cam kết và để công chúng thấy rằng rời khỏi EU "lợi bất cập hại".
Các lãnh đạo EU khác, chẳng hạn như Thủ tướng Đức Angela Merkel từng bộc lộ quan điểm tương tự trước đây, nhưng trong bối cảnh hiện tại, bức thư của Thủ tướng Pháp khiến London vô cùng phẫn nộ.
Một số nhà ngoại giao EU cũng tỏ rõ sự không hài lòng vì họ lo ngại bức thư của Thủ tướng Pháp có thể mang tới cho Chính phủ Anh cái cớ để đình chỉ những phần quan trọng hoặc toàn bộ các điều khoản trong Nghị định thư về Bắc Ireland, một phần của thỏa thuận Brexit đạt được giữa chính quyền Johnson với Brussels. Nghị định thư này đặt ra các thủ tục hải quan giữa tỉnh Bắc Ireland thuộc Anh với Cộng hòa Ireland, một nước thành viên EU để bảo đảm dòng chảy thương mại tự do giữa hai bên.
Những bất đồng về các điều khoản của nghị định thư từng ngáng trở London và Brussels đạt thỏa thuận đàm phán suốt một thời gian dài. Anh thậm chí đe dọa sẽ kích hoạt Điều 16 của thỏa thuận, cho phép hủy một số điều khoản nếu chúng gây ra các tác động tiêu cực trái mong muốn. Bộ trưởng Brexit của Anh cho biết, ông vẫn tập trung vào việc đạt "một thỏa thuận tham vọng" với EU, nhưng Anh đã đạt đến ngưỡng sử dụng Điều 16.
Tuy nhiên, trong dư luận hiện dấy lên hy vọng khi nhà chức trách Pháp ngày 2/11 thông báo đã thả tàu cá Cornelis Gert Jan của Anh sau gần một tuần bắt giữ với lí do đánh bắt hải sản trái phép trong lãnh hải của nước này. Tổng thống Pháp tuyên bố hoãn áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Anh để các nhà đàm phán của hai nước có thể tiếp tục thương lượng nhằm hóa giải tranh cãi song phương. London đã lập tức hoan nghệnh động thái này.
Giới quan sát vẫn nín thở chờ xem diễn biến mới báo hiệu căng thẳng bắt đầu hạ nhiệt hay chỉ đơn giản là "khoảng lặng trước một cơn bão".
Tuấn Anh
>>> Đọc tin thế giới trên Vietnamnet
Pháp đòi Anh 'tôn trọng luật chơi' về quyền đánh bắt cá
Căng thẳng giữa Anh và Pháp chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi hai bên tiếp tục tranh cãi về quyền đánh bắt cá hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu).
Pháp thả tàu cào sò của Anh, hạ nhiệt căng thẳng
Anh, hôm nay (2/11), xác nhận Pháp đã trả tự do cho một tàu cào sò của nước này mà Paris bắt giữ tuần trước ở vùng biển gần cảng Le Havre.