Trong các tiêu chuẩn có tiêu chuẩn về ngoại ngữ. Theo quy định: Chuyên viên phải biết một ngoại ngữ trình độ A (đọc hiểu được sách chuyên môn); Chuyên viên chính phải có một ngoại ngữ trình độ B (đọc nói thông thường); Chuyên viên cao cấp có ít nhất một ngoại ngữ trình độ C (đọc, nói thông thạo).
Tương tự như vậy là tiêu chuẩn ngoại ngữ cho các chức danh viên chức ở các ngành, lĩnh vực như giáo dục, y tế…
Để chứng minh việc đã đạt tiêu chuẩn ngoại ngữ theo quy định là các chứng chỉ ngoại ngữ tương ứng. Vì vậy, sau đó có hiện tượng sôi động kiếm bằng được những chứng chỉ này.
Có người học thật, thi thật và lấy được chứng chỉ thật về ngoại ngữ. Tuy nhiên, số này rất ít trong tổng số đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Có người đăng ký học, nhưng không học hoặc học láng cháng, nhưng lúc thi vẫn đỗ và lấy được chứng chỉ thật không tương xứng với khả năng ngoại ngữ của mình.
Cũng có người mua được chứng chỉ thật. Và cuối cùng là có người mua chứng chỉ giả nộp vào hồ sơ công chức của mình. Quả là thiên hình vạn trạng.
Điều đáng lưu tâm là sau đó khoảng mười năm bắt đầu có việc thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức. Trong kì thi này có việc kiểm tra ngoại ngữ, điểm thi không dưới trung bình là đạt.
Kết quả hoành tráng là số người trượt về kiểm tra ngoại ngữ hầu như rất ít, mặc dù trên thực tế theo ước tính 80% công chức trung ương và khoảng 90% công chức địa phương không biết ngoại ngữ, do đó không thể đạt được mức chuẩn thấp nhất là đọc hiểu được sách chuyên môn.
Nói về chuyện không biết ngoại ngữ mà thi vẫn đỗ quả là rất Việt Nam. Cách phổ biến nhất là chạy lo thi đỗ. Chạy ai, chạy ở đâu là cả một câu chuyện dài.
Có câu chuyện xét vớt. Tôi có biết một người là Phó Vụ trưởng một cơ quan quan trọng của Chính phủ, năm đó cũng đi thi lên chuyên viên cao cấp để 2, 3 năm nữa về hưu cho toại nguyện. Thi xong, gặp nhau mới nói trượt ngoại ngữ. Tôi tự nghĩ chắc ông này nghiêm túc thi cử nên trượt. Năm sau, ông thi lại và vẫn trượt môn ngoại ngữ. Sau này, các cơ quan quản lý có liên quan xét đặc cách để ông vẫn đỗ chuyên viên cao cấp.
Có câu chuyện “can thiệp” của quy định. Cũng một người quen của tôi đang là Phó Vụ trưởng than thở chắc về hưu vẫn chỉ chuyên viên chính vì không có ngoại ngữ theo quy định để thi nâng ngạch. Tôi mới nửa đùa nửa thật nói khối vị có ngoại ngữ đâu mà thi vẫn qua môn này đấy thôi!
Người tôi quen nói kiếm một cái chứng chỉ ngoại ngữ xịn thì kiếm được, nhưng ở vụ mình đang làm việc giờ tự nhiên có chuyện này thì ăn kiện ngay, cho nên không dám. Tưởng câu chuyện thế là chấm hết, ai dè hai năm sau có quy định thêm là ai được thủ trưởng phụ trách trực tiếp xác nhận có sử dụng ngoại ngữ trong công việc thì cũng tương đương có chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu.
Sự “can thiệp” kiểu này đã cứu năm đó không biết bao trường hợp bí bài như kiểu người tôi quen để đàng hoàng đi thi, vì có mấy thủ trưởng nào lại không xác nhận cho cấp dưới của mình đủ điều kiện đi thi, còn thi được hay không lại là chuyện khác.
Dù vậy thì việc thi nâng ngạch và thăng hạng viên chức với kiểm tra ngoại ngữ như vừa nêu vẫn cứ tiếp tục được duy trì một thời gian dài.
Mãi đến khi người ta ngộ ra công chức làm việc ở xã, ở huyện phải biết ngoại ngữ để làm gì. Tự biết thêm thì tốt, nhưng buộc phải biết thì cái biết này không gắn, không phục vụ gì cho công việc họ đang làm.
Những công việc không đòi hỏi phải có ngoại ngữ thì không cần bắt người ta phải biết. Hay nói theo ngôn từ chuyên môn, vị trí việc làm đòi hỏi phải có ngoại ngữ thì khâu tuyển dụng, thi nâng ngạch đương nhiên phải kiểm tra xem có đạt yêu cầu ngoại ngữ hay không.
Và thế là từ 2021, người ta bỏ đi tiêu chuẩn ngoại ngữ đối với công chức.
Để ngộ ra được điều đó, các nhà quản lý tính ra mất gần 20 năm! Nhà quản lý đặt ra cái chuẩn ngoại ngữ này quá xa vời, vô vọng, khiến cả một thế hệ công chức, viên chức lao đao, vất vả.