Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong nỗ lực nhằm kiềm chế hoặc ít nhất là kiểm soát sự thù địch gia tăng trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, vốn đang trở nên phức tạp hơn bởi xung đột ở Ukraine.
Hai ông Bliken và Vương Nghị đã tiến hành cuộc hội đàm kéo dài 5 tiếng tại khu nghỉ dưỡng Bali của Indonesia.
Cuộc gặp của các sứ giả
Hai bên cho biết họ đã có những tranh luận "mang tính xây dựng" sau một buổi hội đàm kéo dài bất thường. Đây có thể coi là một tín hiệu đáng khích lệ sau nhiều năm quan hệ Mỹ - Trung đầy biến động và ngày càng xấu đi trong những tháng gần đây, đặc biệt do vấn đề Đài Loan (Trung Quốc).
Ông Antony Blinken nhấn mạnh: “Bất chấp sự phức tạp của mối quan hệ giữa hai nước, tôi có thể tự tin nói rằng các phái đoàn của chúng tôi nhận thấy các cuộc thảo luận hôm nay là hữu ích, thẳng thắn và mang tính xây dựng”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng lưu ý sức ép quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Đài Loan.
Ông cũng cho biết thêm: “Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động lớn tới hai nước cũng như tới thế giới. Chúng tôi cam kết quản lý mối quan hệ này - sự cạnh tranh này - một cách có trách nhiệm". Ông hứa hẹn sẽ duy trì các kênh ngoại giao rộng mở với Bắc Kinh.
Ông Vương Nghị cũng đánh giá cuộc gặp là đáng hài lòng: “Trên cơ sở có đi có lại và cùng có lợi, hai bên đã đạt được sự đồng thuận để đảm bảo rằng nhóm công tác chung Mỹ - Trung đạt được nhiều kết quả hơn”.
Cuộc gặp chủ yếu tập trung vào việc ngăn chặn sự cạnh tranh Mỹ-Trung dẫn tới xung đột không chủ ý, cũng như nhiều vấn đề hai bên còn bất đồng.
Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ quan ngại về vấn đề Ukraine. Mỹ đã thận trọng theo dõi hành xử của Trung Quốc về xung đột tại nước này. Tại cuộc họp báo sau hội đàm giữa hai bên, ông Antony Blinken phát biểu: "Một lần nữa, tôi chia sẻ với ông Vương Nghị rằng tôi không tin tuyên bố của Trung Quốc là bên trung lập trong cuộc xung đột Ukraine”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng việc Trung Quốc duy trì "những trao đổi bình thường" với Mỹ là cần thiết.
Trước đó, Trung Quốc đã lớn tiếng tuyên bố lập trường của mình về Ukraine. Bắc Kinh muốn thể hiện rằng lập trường vẫn nhất quán và không thay đổi. Một quan chức Mỹ giải thích: “Chúng tôi rất cởi mở về những bất đồng quan điểm giữa hai nước. Cuộc gặp này mang tính xây dựng, nhưng không bên nào thực sự thể hiện thiện chí thỏa hiệp".
"Vùng nguy hiểm"
Ngoại trưởng Trung Quốc nói: Quan hệ Trung - Mỹ đang ở trong vùng nguy hiểm vì có nguy cơ "rơi xuống vực thẳm bất cứ lúc nào". Ngoài ra, ông nhắc lại rằng Mỹ cần thận trọng khi phát biểu về vấn đề Đài Loan và tránh gửi đi những tín hiệu sai lầm.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hai bên đã đồng ý làm việc để cải thiện mối quan hệ, nhưng cũng đưa ra một danh sách những điều “bất mãn” với Washington. Bộ này khẳng định: "Hai bên... đã đạt được nhất trí thúc đẩy tham vấn nhóm công tác chung Trung - Mỹ để đạt được nhiều kết quả hơn. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác về biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng. Cả hai bên đều tin rằng cuộc đối thoại này là thực chất và mang tính xây dựng, sẽ giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giảm thiểu hiểu lầm và đánh giá sai, tạo điều kiện cho các cuộc trao đổi cấp cao giữa hai nước trong tương lai”.
Sau một thời gian dài lạnh nhạt, kể từ tháng trước, các lãnh đạo quốc phòng, tài chính và an ninh quốc gia cũng như các chỉ huy quân sự hàng đầu của hai nước đều đã lên tiếng.
Hai bên đã có 5 cuộc tương tác cấp cao trong thời gian ngắn vừa qua. Các nhà phân tích nhận thấy hiếm khi nào các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Mỹ lại tiếp xúc thường xuyên như vậy.
Ngày 10/6, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin bên lề Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 ở Singapore. Ngày 13/6, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã tổ chức một cuộc họp tại Luxembourg.
Ngày 5/7, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc họp trực tuyến với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen. Ngày 7/7, Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Lý Tác Thành điện đàm với Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ.
Điều này cho thấy mặc dù quan hệ rất căng thẳng nhưng cả hai bên vẫn còn để lại các cơ hội cho việc đàm phán, thương lượng.
Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” của Trung Quốc, vốn nổi tiếng với những lời chỉ trích Mỹ, viết rằng các hoạt động ngoại giao ngày càng gia tăng "nhấn mạnh sự đồng thuận của hai bên về việc tránh leo thang đối đầu”.
Quan điểm của Mỹ về Trung Quốc đã cứng rắn hơn trong những năm gần đây và Tổng thống Biden phần lớn vẫn duy trì bản chất cách tiếp cận cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump khi coi Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh toàn cầu của Mỹ.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken trong một bài phát biểu gần đây nói rõ rằng Mỹ không tìm kiếm một cuộc chiến tranh Lạnh mới, ngay cả khi ông kiên quyết với những cáo buộc Bắc Kinh về một số vấn đề.
Nhà Trắng được cho là sẽ sớm giảm bớt một số thuế quan thời ông Trump áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc, một động thái có thể làm giảm lạm phát đang tăng vọt, vốn đã trở thành một vấn đề chính trị lớn ở Mỹ.
Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ cải tổ đội ngũ chính sách đối ngoại tại đại hội đảng toàn quốc lần thứ 20 vào cuối năm nay.
Kêu gọi nối lại trao đổi
Mới đây, ngày 6/8, sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, Ngoại trưởng Blinken cho rằng Trung Quốc cắt liên lạc với Mỹ trên hàng loạt lĩnh vực là động thái "vô trách nhiệm", kêu gọi Bắc Kinh nối lại trao đổi. Ông chỉ trích Trung Quốc cắt liên lạc với Mỹ trong hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu là hành động ảnh hưởng tiêu cực đến thế giới chứ không riêng nước Mỹ. Theo Ngoại trưởng Blinken, Washington muốn duy trì các kênh đối thoại để ngăn tính toán sai lầm, dẫn đến nguy cơ căng thẳng hơn nữa.
Trung Quốc đã leo thang phản ứng sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi với thông báo tạm ngưng liên lạc giữa Bắc Kinh và Washington trên 8 lĩnh vực hợp tác then chốt, nổi bật trong số đó có quốc phòng, chống ma túy, chống tội phạm xuyên quốc gia và ứng phó biến đổi khí hậu.
Đại lục cũng triển khai đợt tập trận bắn đạn thật quy mô lớn chưa từng có xung quanh Đài Loan để phản ứng với chuyến thăm hòn đảo của bà Pelosi. Vị trí diễn tập nằm trong khu vực eo biển Đài Loan, kênh Ba Sĩ, biển Hoa Đông và Thái Bình Dương, bao quanh đảo Đài Loan. Các quan chức Đài Loan cáo buộc Trung Quốc triển khai tàu và máy bay quân sự diễn tập tấn công hòn đảo. Một số khí tài đã vượt qua đường trung tuyến eo biển Đài Loan, ranh giới được ngầm hiểu là đường phân định an ninh trên eo biển.