Thời điểm này, một số trường đại học công lập đã dự kiến mức học phí khá vừa phải dù cũng thực hiện tự chủ tài chính.
Nhiều năm liên tiếp, trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM không tăng học phí. Nhà trường giữ ổn định học phí chương trình đào tạo chuẩn là 354.000 đồng/tín chỉ. Học phí chương trình chất lượng cao là 770.000 đồng/tín chỉ. Với mức thu theo tín chỉ này, sinh viên đóng học phí hơn 10,6 triệu đồng/năm cho chương trình chuẩn và khoảng 23,1 triệu đồng/năm đối với chương trình chất lượng cao.
Tại trường ĐH Công Thương TP.HCM nhà trường cũng cam kết không tăng học trong suốt khoá học. Mức thu là 730.000 đồng/tín chỉ lý thuyết và 935.000 đồng/tín chỉ thực hành, tức khoảng 27-30 triệu đồng một năm. Ngay từ đầu kỳ tuyển sinh, nhà trường đã công bố học phí của toàn bộ khóa. Cụ thể, toàn khóa 2023–2027, dao động từ 105-120 triệu đồng/khóa. Dự kiến học phí toàn khóa 2024-2028 dao động từ 110– 130 triệu đồng/khoá.
Học phí trường ĐH Công nghiệp TP.HCM dao động từ 27,83-30,2 triệu đồng/năm, tuỳ ngành. Mức tăng không quá 10% mỗi năm.
Năm học 2024-2025, học phí dự kiến cho chương trình chính quy của trường ĐH Ngân hàng TP.HCM là gần 10,6 triệu đồng/học kỳ. Trong khi đó, dự kiến học phí chương trình chính quy chất lượng cao (tiếng Anh bán phần) và chương trình đào tạo đặc biệt là 20,2 triệu đồng/học kỳ.
Đối với chương trình chính quy quốc tế cấp song bằng và học phí chương trình liên kết đào tạo quốc tế do đại học đối tác cấp bằng tối đa là 216,5 triệu đồng/khoá. Nếu sinh viên học 8 học kỳ thì trung bình là 27 triệu đông/học kỳ...
Năm 2024, trường ĐH Sài Gòn dự kiến học phí các chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh 27,491 triệu đồng/năm, ngành Ngôn ngữ Anh 28,674 triệu đồng/năm, ngành Công nghệ thông tin 32,67 triệu đồng/năm. Học phí các ngành khác theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ.
Chia sẻ trách nhiệm với người học
Chia sẻ với VietNamNet, lãnh đạo trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cho hay, việc không tăng học phí đồng nghĩa với việc trường đối mặt với nhiều khó khăn như thu nhập cho cán bộ, giảng viên, hiện đại hoá cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập.
"Tuy nhiên, nhà trường có trách nhiệm với cộng đồng xã hội, đồng hành và sẻ chia với phụ huynh, sinh viên" - vị này nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng trường ĐH Công Thương TP.HCM, cũng đồng quan điểm. Theo ông Hoàn, trong bối cảnh kinh tế đất nước, gia đình phụ huynh còn khó khăn thì không tăng học phí là trách nhiệm xã hội của trường đại học.
"Mặt khác, với mức thu học phí như hiện tại, nhà trường thấy tạm ổn trong trang trải nên chia sẻ với người học. Việc đầu tư của trường sẽ chậm lại hoặc chưa được nhiều, nhưng chúng tôi chấp nhận điều này".
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết, mức thu học phí của trường hiện nay thấp hơn quy định trong Nghị định 81 của Chính phủ. Mặt khác, nhà trường chủ yếu đào tạo khối kỹ thuật công nghệ với những ngành có mức phí đào tạo khá cao nhưng ít học sinh chọn lựa, do đó nhà trường không tăng học phí.
Theo ông Nhân, điều thuận là trường thực hiện tự chủ tài chính từ năm 2015 nên đã có nền tảng đầu tư. Mặt khác, trường có các gói hỗ trợ thiết bị, phòng thí nghiệm nên vẫn đảm bảo chất lượng mà không phụ thuộc quá nhiều vào học phí.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng hiện nay nhà trường đang thu học phí ở mức rất thấp so với việc đầu tư thay đổi chương trình, cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng viên… Mặt khác, nhà trường mong muốn tất cả sinh viên được học và trải nghiệm như ở môi trường quốc tế nên rất chú trọng đầu tư cả việc học tiếng Anh, thể thao, sân bãi..
Tuy nhiên, nhiều năm nay, nhà trường đa dạng hóa các nguồn thu, giúp không cần thiết phải tăng cao học phí mà vẫn đảm bảo đầu tư cơ sở vật chất, học liệu, cơ sở dữ liệu, nâng cao chất lượng đội ngũ.
Ông Trung khẳng định điều quan trọng nhất của một trường đại học là phải xác định rõ 3 việc.
"Thứ nhất, trường đại học không phải là doanh nghiệp để hoạt động thương mại mà là nơi để chia sẻ trí thức, kiến thức và phát triển nguồn nhân lực nên không vì mục đích thu lợi nhuận.
Thứ 2, phải tạo được danh tiếng cho trường đại học để các doanh nghiệp tự tìm đến tài trợ, đồng hành, tuyển sinh viên chất lượng cao.
Thứ 3, phải nghiên cứu kỹ lưỡng kinh tế xã hội để đặt ra mức học phí phù hợp nhất với bối cảnh chung của người dân, đảm bảo tính phổ quát, phù hợp với mức sống chung của người dân ở những địa phương chưa phát triển. Như vậy, trường đại học phải rất giỏi về tài chính, cần đối thu chi, tiết kiệm chi phí tối đa, để có mức học phí phù hợp".