Thông tin mới đưa ra, người dân đã đổ xô đi đổi
Theo dự thảo Luật Trật tự An toàn Giao thông Đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, giấy phép lái xe cùng với các loại giấy tờ khác như giấy chứng nhận đăng kiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc… sẽ được tích hợp đồng bộ vào tài khoản định danh.
Trong số giấy tờ kể trên, đáng kể nhất là 22 triệu giấy phép lái xe mô tô cấp không thời hạn bằng vật liệu giấy (A1, A2, A3) từ năm 1995 đến 1/7/2012 phải chuyển sang thẻ PET, nếu dự thảo luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) của Quốc hội, ngay lập tức đã tác động trực tiếp đến người dân.
Trong những ngày vừa qua, tại TP.HCM và Thủ đô Hà Nội người dân đã tập trung đi đổi giấy phép lái xe giấy sang dạng FET gây nên tình trạng ùn tắc tại nơi cấp đổi. Nhiều người phải xếp lượt chờ từ sáng tới chiều muộn mới hoàn thành thủ tục nên mất rất nhiều thời gian, công sức.
Tuy nhiên, việc đổi giấy phép lái xe giấy sang dạng FET để tích hợp vào tài khoản định danh (VneID) mới chỉ là dự thảo, chưa phải yêu cầu bắt buộc, vì vậy việc người dân tập trung đi đổi giấy phép lái xe bằng mọi giá gây nên tình trạng quá tải là không cần thiết.
Khi được tích hợp đồng bộ vào tài khoản định danh, lực lượng tuần tra kiểm soát chỉ cần kiểm tra thông tin trên ứng dụng điện tử từ căn cước công dân thay vì kiểm tra tất cả các loại giấy tờ liên quan đến điều khiển phương tiện trên đường như hiện nay.
Cách quản lý văn minh, hiện đại
Kiểm tra giấy phép lái xe qua tích hợp từ VneID là phương thức quản lý văn minh, hiện đại nhờ ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số.
Hiện nay Cục Đường bộ Việt Nam đang quản lý 55,6 triệu giấy phép lái xe (cả ôtô và xe máy), nhưng có khoảng 23,6 triệu giấy phép lái xe ô tô, xe máy chưa thể tích hợp trên VneID do không đồng bộ dữ liệu cư dân.
Số giấy phép lái xe này được cấp theo công nghệ thủ công, không cập nhật dữ liệu căn cước công dân, không có số chứng minh thư; có năm sinh, không có ngày tháng… nên không thể kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Vì vậy, việc đổi giấy phép lái xe giấy để cập nhật thông tin dữ liệu giao thông và căn cước công dân là việc phải làm trong tương lai gần.
Ngoài ra, 22 triệu giấy phép lái xe được cấp trước 1/7/2012 chưa phải là giấy phép lái xe tham gia Công ước Vienna 1968 về Giao thông đường bộ. Trong khi tham gia công ước, Việt Nam có cam kết giấy phép lái xe cấp trước thời điểm 1/7/2012 sẽ đổi theo lộ trình ở thời điểm thích hợp, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế trong việc sử dụng giấy phép lái xe. Khi giấy phép lái xe được cấp phù hợp với Công ước Viên thì người Việt Nam có thể điều khiển phương tiện giao thông ở các nước thành viên.
Hơn nữa, giấy phép lái cũ, làm bằng giấy có độ bền không đảm bảo; cơ quan quản lý cũng rất khó kiểm tra phát hiện những trường hợp dùng giấy phép lái xe giả để lưu thông phương tiện trên đường. Vì vậy việc người dân đi đổi để cập nhật dữ liệu sẽ giúp quản lý tốt hơn, người điều khiển phương tiện cũng không phải trình nhiều loại giấy tờ khi tham gia giao thông trên đường.
Cần lộ trình cấp đổi thuận tiện
Tuy vậy, do có đến 22 triệu giấy phép lái xe cần được đổi để tích hợp vào VneID nên không dễ để thực hiện, dù cơ quan quản lý muốn đến thế nào.
Song, người dân chủ động đi đổi giấy phép lái xe để tích hợp vào tài khoản giao thông và tài khoản định danh cho thấy tín hiệu tích cực giúp nhanh chóng hoàn thành cơ sở dữ liệu về quản lý phương tiện người lái.
Vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý nhà nước cần có hướng dẫn, tạo điều kiện thuận tiện để 22 triệu người có nhu cầu cấp đổi giấy phép lái xe thực hiện nhanh gọn, không phát sinh chi phí khi cấp đổi.
Từ dự thảo đưa vào Luật là một quá trình dài, do vậy Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT cần phối hợp với các bộ ngành liên quan sớm công bố lộ trình cấp đổi phù hợp, có thể trong 1 - 2 năm tới để người dân yên tâm có đủ thời gian cấp đổi giấy phép lái xe bằng giấy.
Ngoài ra, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp tích hợp nhiều loại giấy tờ tùy thân. Vì vậy, Bô GTVT và Bộ Công an có thể nghiên cứu xây dựng đưa ra giải pháp tích hợp giấy phép lái xe vào tài khoản định danh mà không cần chuyển sang dạng thẻ FET để tránh lãng phí.
Việc nếu vẫn thu phí 130.000 đồng/một giấy phép lái xe khi đổi sang dạng FET,thì tổng chi phí cho 22 triệu giấy phép phải đổi cấp lại sẽ tiêu tốn gần 3.000 tỷ đồng của người dân. Trong khi nếu chỉ thực hiện tích hợp thông tin vào dữ liệu giao thông và VnelD thì không nhất thiết phải làm thêm bằng lái dạng FET.
Hiện nay, thủ tục đổi giấy phép lái xe dạng giấy không cần giấy khám sức khỏe, nếu người dân không có nhu cầu cấp sang dạng FET (trừ trường hợp muốn cấp giấy phép lái xe quốc tế) thì chỉ cần tích hợp thông tin vào dữ liệu giao thông và VenID để giảm chi phí cấp đổi cho người dân.
Việc tích hợp giấy phép lái xe (ô tô và xe máy) vào căn cước công dân mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, chỉ khi hạ tầng số quản lý phương tiện người lái hoàn thiện và người dân sẵn sàng thay đổi thói quen cầm nhiều loại giấy tờ khi tham gia giao thông thì việc áp dụng kiểm tra qua VneID mới thực sự đem lại hiệu quả.
Vũ Điệp