Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh, trong hơn 35 năm Đổi mới, việc thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả đã góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta.
Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, nhiều khó khăn, thách thức như dịch bệnh vừa qua, những kết quả đạt được đã thể hiện sự thành công của Việt Nam thực hiện chủ trương này.
Định hướng "độc lập, tự chủ gắn với hội nhập" xuất phát từ tư tưởng xuyên suốt của Đảng ta về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thể hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là "không có gì quý hơn độc lập tự do".
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ quan điểm: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.
Văn kiện Đại hội XIII xác định rõ: Giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế, không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia.
Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng nhất là khi diễn biến kinh tế thế giới ngày càng phức tạp, khó lường, đặc biệt là hơn hai năm qua với hàng loạt tác động từ đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine và nguy cơ dịch bệnh, yêu cầu nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Ai cũng biết, khả năng tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn.
Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế, khu vực FDI đóng góp tới hơn 20% GDP, chiếm khoảng 73-75% tổng giá trị xuất khẩu, hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp. Có những doanh nghiệp chiếm tới 1/5-1/4 tổng giá trị xuất khẩu của đất nước.
Theo một lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, xét về chỉ số giá trị gia tăng, doanh thu và việc làm thì các doanh nghiệp FDI chi phối 12 trên 24 phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Doanh nghiệp FDI cũng đóng vai trò chi phối 4 trong 5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử và sản xuất đồ gỗ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thay thế nhập khẩu như ngành cao su-nhựa, kim loại cơ bản và các sản phẩm cơ khí.
Tuy nhiên, đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực đầu tư nước ngoài còn khiêm tốn. Số lượng dự án đầu tư với công nghệ cao, giá trị gia tăng vào Việt Nam vẫn còn thấp, nhiều dự án vẫn còn thâm dụng lao động phổ thông, sử dụng nhiều đất đai, và ảnh hưởng đến môi trường, chưa có tính lan tỏa cao về công nghệ, chuỗi cung ứng.
Tính toán của chuyên gia Bùi Trinh cho thấy, bên cạnh thành tích xuất khẩu của khu vực FDI là luồng tiền chảy ra thông qua chi trả sở hữu cũng tăng mạnh. Nếu GDP theo giá thực tế năm 2021 so với 2010 tăng 3,1 lần thì chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài năm 2021 so với 2010 tăng khoảng 5,1 lần.
Như vậy, tuy khu vực có vốn FDI đóng góp cao vào tăng trưởng, nhưng lại góp phần không nhỏ làm luồng tiền chảy ra nước ngoài thuần túy tăng nhanh hơn tăng trưởng GDP khá nhiều khi chuyển lợi nhuận về nước.
Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2021, tăng trưởng bình quân GDP theo giá hiện hành là 10,8% trong khi tăng trưởng về luồng tiền chảy ra nước ngoài thuần gần 16%, từ đó làm tỷ lệ GNI (tổng thu nhập quốc gia) so với GDP (tổng sản phẩm trong nước) giảm từ 97% năm 2010 xuống còn 94,9% năm 2021.
GDP tăng trưởng nhanh nhưng nguồn lực của nền kinh tế không gia tăng tương ứng.
Từ thực tế trên, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ cần trở nên nhất quán, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế. Nói một cách ngắn gọn, khu vực doanh nghiệp dân tộc cần được đối xử công bằng, ít nhất như khu vực FDI, để lớn mạnh lên.
Không cần nhìn đâu xa, các khu đất lớn ở tất cả các cửa ngõ lớn của Thủ đô, hay TP. HCM đều thuộc về các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp nội địa có đủ năng lực quản trị và vốn để làm các đại siêu thị hay không? Chắc chắn là có nếu họ được trao cơ hội tiếp cận đất đai ở những vị trí đó.
Khu vực doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chính thức mãi không lớn lên nổi, vẫn chỉ chiếm 9-10% GDP. Còn khu vực kinh tế hộ gia đình vẫn chiếm tới 33% GDP, cho thấy nền kinh tế quá “li ty”, nhỏ bé. Đây là cơ hội và là dư địa để phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước để có nền kinh tế độc lập và tự chủ.
Lan Anh