Giăng bẫy tuyển người
Hơn ba năm nay, anh N.V.D (SN 1998, trú tại huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thường xuyên qua Campuchia tham gia đánh bài tại các casino. Trong khoảng thời gian này, anh D. chứng kiến hàng trăm chiêu thức lừa đảo, giăng bẫy tuyển nhân sự bán vào các công ty ma.
Theo lời kể của anh D., đánh vào tâm lý tìm “việc nhẹ lương cao” của người dân nhẹ dạ, những công ty lừa đảo ở Campuchia tổ chức các chiêu trò tuyển người. Điển hình, chúng dùng các Facebook ảo, đăng thông tin tuyển dụng nhân sự lên các hội nhóm trên mạng xã hội.
“Lúc đăng thông tin tuyển dụng, chúng tạo ra nhiều tài khoản Facebook khác nhau, thậm chí lấy thông tin các công ty uy tín ở Campuchia để tạo sự tin cậy. Những người nhẹ dạ cả tin thấy được xuất ngoại, lại miễn phí đi lại, công việc lương cao nên tin lời. Tuy nhiên khi qua đến cửa khẩu Mộc Bài, người lao động mới biết là mình đã bị lừa bán”, anh D. nói.
Thanh niên này cũng cho biết, ở Campuchia, rất nhiều người Việt lừa đồng hương bán vào các công ty do người Trung Quốc làm chủ. “Ở bên đó, tôi chứng kiến nhiều người Việt gặp nhau ngoài đường rồi giả vờ làm quen, kết bạn, sau đó dẫn dụ vào công ty ma, bán lại cho công ty rồi lấy hoa hồng từ 400-3.000 USD”, D. kể.
Là người có thời gian sinh sống, làm việc lâu năm tại Campuchia, anh Đ.T.H. (SN 1985, trú tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã kết nối, giải cứu hàng trăm nạn nhân thoát khỏi đường dây mua bán người.
Anh H. cho biết, sau khi giải cứu, chở hàng trăm nạn nhân trốn chạy khỏi các công ty lừa đảo ở Campuchia, đọc đường về các nạn nhân kể lại muôn kiểu giăng bẫy tuyển dụng người Việt.
Theo anh H., để người Việt dính bẫy, đầu tiên những HR (Human resource, có nghĩa là nhân sự) dùng các Facebook ảo đăng các bài tuyển việc làm, việc nhẹ lương cao ở Campuchia, lương tháng từ 8.00 USD đến 1.200 USD, tiền thưởng, chế độ đãi ngộ tốt.
Trên các trang tuyển dụng của nhóm người lừa đảo, sẽ đăng các nội dung như: Tuyển gấp 05 nhân sự, 20 saler. Chào đón ứng viên mới 300 USD, giới thiệu nội bộ 1 sale 300 USD 1 HR 500 USD, không ép chỉ tiêu, chấp nhận chuộc ứng viên, đền để đón ứng viên, chấp nhận ứng viên tự bán lên đến 3.500 USD.
“Phần lớn những nạn nhân tôi tiếp xúc là những người không có việc làm, hoặc vỡ nợ. Nghĩ cơ hội tốt khi đọc được các trang quảng cáo với những lời nói có cánh nên đồng ý sang Campuchia. Trong số 10 người đi thì có khoảng 9 người sang Campuchia đi chui, gọi là đường tiểu ngạch. Ban đầu họ không biết sang làm gì nên cứ đi thôi”, anh H. kể.
“Nhiệm vụ” phải làm
Anh N.Đ.H (SN 1981, trú TP Hà Tĩnh) là một trong những nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia. Tin lời đồng hương, H. nhận lời sang Campuchia làm việc “tư vấn khách hàng chơi game”. Sau khi người đồng hương móc nối thành công, H. phải trả cho người này 3 triệu đồng tiền môi giới.
“Tôi cứ tưởng sang làm tư vấn khách hàng chơi game bình thường. Thấy lương khá cao, lại không mất chi phí nên tôi sang làm. Tất cả chi phí vé máy bay, tiền đi lại đều được nhóm người này chi trả”, H. nói.
H. kể, để bản thân anh tin tưởng, "nhóm người môi giới này nói do tôi lớn tuổi nên không đi đường chính ngạch được mà phải đi chui, khi vào đến TP.HCM, giữa đêm họ chở đi vượt sông, sau đó qua bờ đê, lội ruộng, rồi đi bộ. Khi đi đến cửa khẩu Mộc Bài, vào công ty mới biết bị bán. Sang đó, không còn đường lui, bị ép làm công việc lừa chính người Việt của mình trên các app lừa đảo”.
Khi bị lừa bán vào các công ty ma ở đây, những nạn nhân này phải thực hiện các “nhiệm vụ” mà ông chủ yêu cầu. Trong một tổ nhóm, có người thì làm nhiệm vụ tìm khách, có người thì nhiệm vụ chăm sóc khách hàng, tìm mọi cách để lừa người Việt.
“Khi không làm, làm sai, để lộ thông tin khiến khách không vào chơi thì người lao động sẽ bị đánh đập, chích điện. Trong công ty, tôi chứng kiến rất nhiều người bị chích điện”, anh H. nói.
Các nạn nhân người Việt bị bán lại lừa đảo người Việt
Các ông chủ người Trung Quốc làm chủ các công ty, tạo ra các app (phần mềm lừa đảo) như đầu tư chứng khoán, phần mềm bán hàng Shopee, Lazada, các app ngân hàng, app cho vay tiền…yêu cầu những nạn nhân bị bán vào công ty bằng mọi mánh khóe để lừa đảo chính người Việt nhẹ dạ.
Anh N.V.D, một trong những người thường xuyên có mặt ở Campuchia cho biết, đối với các phần mềm đầu tư chứng khoán, chúng sẽ tạo ra các sàn “fake” (giả mạo) các sàn chứng khoán chính thống.
Các nạn nhân người Việt bị bán vào các công ty ma buộc phải làm các nhiệm vụ trên sàn giả mạo này. Nhiệm vụ thứ nhất là quảng cáo, dẫn dắt được khách hàng vào sàn. Sau đó là dẫn dụ khách đóng tiền vào chơi.
Tại các sàn chứng khoán “fake”, chúng sẽ có một số người gọi là “thầy” hoặc “chuyên gia”.
“Các chuyên gia sẽ đọc cho khách hàng các lệnh, mấy lệnh đầu khách hàng làm theo các chuyên gia và được lãi. Các nhiệm vụ tiếp theo tăng dần số tiền lên và khách hàng vẫn rút được cả vốn lẫn lãi. Các nhiệm vụ sau khi dụ được khách hàng đóng số tiền lớn, chúng sẽ tìm mọi cách để khách không thể rút được tiền mà vẫn cứ mù quáng đóng tiền vào và cuối cùng trắng tay”, anh D. cho hay.
Cũng theo anh D., app chứng khoán “fake” làm việc theo khung giờ, nhóm lừa đảo tạo ra hàng trăm tài khoản trong sàn.
“Những ngày đầu để tạo lòng tin, chúng chỉ cho nạn nhân thực hiện 2-3 lệnh, lệnh nào cũng được ăn tiền và không hối thúc nạn nhân vào chơi để tạo độ tin tưởng. Họ cho ăn tiền từ lệnh 1 đến lệnh 5, đến lệnh thứ 6, ví dụ có lệnh xanh và đỏ, chuyên gia sẽ hướng dẫn khách hàng chọn xanh, sau đó “chỉnh cầu” sang đỏ khiến khách hàng mất tiền. Ngay lập tức sẽ có thông báo muốn lấy lại tiền thì bắt buộc làm lệnh tiếp theo là đóng thêm tiền, thời điểm này nạn nhân đã mù quáng, đóng số tiền lớn vào làm theo. Lúc này toàn bộ tiền đóng vào sẽ bị mất”, anh D. nói thêm.
Tương tự tại các app vay tiền, nhiệm vụ của các lao động người Việt là tìm kiếm khách hàng cả tin trên mạng vào làm hồ sơ vay tiền.
Khi khách hàng làm hồ sơ vay trên app, chúng sẽ giải ngân luôn nhưng giải ngân trên app chứ không phải về tài khoản của khách.
“Ví dụ một khách hàng cần vay 200 triệu, nhóm lừa đảo sẽ giải ngân 200 triệu đồng trên app, và yêu cầu khách hàng đóng 10% tiền phí. Khi khách hàng chuyển tiền phí, chúng sẽ cộng vào tài khoản cả tiền gốc lẫn phí. Sau đó khách hàng thực hiện lệnh rút tiền, app lừa đảo sẽ trả về cho khách thông báo “sai số tài khoản liên kết” nhưng thực chất chúng đã chỉnh sửa sai, thông báo sửa và đóng thêm phí.
Những người vay tiền mang tâm lý “lúc đầu nhỡ chuyển tiền phí rồi, phải vay mượn thêm tiền để sửa. Sau khi đóng tiền sửa, khách hàng vào rút tiền, chúng lại tiếp tục trả thông báo “rút tiền sai phạm hợp đồng”, yêu cầu khách đóng thêm tiền mới giải ngân được. Cứ như thế lừa khách hết lần này đến lần khác. Những người vay tiền sẽ rơi vào trạng thái hoang mang, mất phương hướng, cũng là thời điểm nhóm lừa đảo có cơ hội móc túi các nạn nhân”, anh N.Đ.H, một nạn nhân từng bị bán sang Campuchia cho hay.
Cũng theo lời kể của các người lao động bị bán sang các công ty "ma" ở Campuchia, những người nào giỏi mánh khóe thì sẽ được các ông chủ trọng dụng, còn những ai không đạt chỉ tiêu thì bị đánh đập, hoặc đền tiền.