Bên cạnh scandal để rò rỉ thông tin của 50 triệu khách hàng và bị nghi ngờ làm ảnh hưởng tới kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, tại thời điểm này, sau 14 năm hoạt động và phát triển, Facebook cũng đã kịp để lại nhiều scandal trong việc vận hành bộ máy và các chính sách khách hàng của mình.
1. Facebook đối mặt scandal để lộ thông tin người dùng vào năm 2010
Đại diện của Facebook vào năm 2010 thừa nhận một số công ty phát triển ứng dụng cho Facebook đã để lộ tên tuổi, cũng như thói quen sử dụng của người dùng cho các nhà quảng cáo. Những thông tin này giúp hãng quảng cáo xây dựng hồ sơ hoàn chỉnh về từng người, bao gồm các thông tin như giới tính, độ tuổi, tần suất truy cập, những website họ thường xuyên ghé thăm, số bạn bè trên mạng xã hội...
Một số hình ảnh
Các dữ liệu này được thu thập từ nhiều trò chơi như FarmVille và Texas HoldEm, sau đó có thể được bán cho các hãng bảo hiểm, tổ chức y tế. Các ngân hàng cũng có thể dùng thông tin thu thập để cân nhắc cho vay hay không. Facebook ngay sau đó đã vấp phải phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng nhưng rồi đâu lại vào đó, phần lớn người ta vẫn tiếp tục sử dụng Facebook hàng ngày.
2. Chế độ "bán hàng" của Facebook vừa tung ra đã tràn ngập các mặt hàng bất hợp pháp
Vào năm 2016, Facebook ra mắt chế độ "Marketplace", cho phép người sử dụng Facebook bán hàng trong các hội nhóm và ngay trên trang cá nhân của mình. Ngay lập tức, chế độ buôn bán này đã chìm ngập trong hằng hà sa số các mặt hàng khác nhau, trong đó có không ít đồ bất hợp pháp như động vật hoang dã, các mặt hàng người lớn và cả... thuốc cấm.
3. Facebook bị tố thiếu minh bạch trong các quảng cáo chính trị
Ngày 5/2/2018, cơ quan bầu cử của TP Seattle, bang Washington (Mỹ) tố Facebook đã vi phạm "luật tài chính liên quan đến chiến dịch vận động tranh cử". Cụ thể thì công ty này bị tố tiết lộ danh tính người bỏ tiền mua những quảng cáo chính trị liên quan tới bầu cử. Việc công ty này không kiểm soát được nội dung và mục đích quảng cáo chính trị đã làm cộng đồng mạng chú ý vào năm 2017 sau khi công ty này cho biết nhiều người Nga đã sử dụng các tài khoản giả mạo để mua quảng cáo trên mạng xã hội này nhằm phát tán các thông điệp gây chia ra nhằm thao túng các cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Dưới áp lực của dư luận, vào tháng 9/2017, giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg đã phải cam kết sẽ "tạo ra tiêu chuẩn minh bạch mới trong các mẩu quảng cáo trực tuyến".
4. Facebook nhiều lần bị tố "ăn cắp ý tưởng"
Vào năm 2016, mạng xã hội Facebook giới thiệu tính năng ghép các filter vui nhộn lên mặt khi quay video trực tuyến ( livestream ), giúp đem lại trải nghiệm mới mẻ hơn cho người dùng. Nhiều người cho rằng, CEO Mark Zuckerberg đã vay mượn ý tưởng từ Snapchat để ứng dụng của mình thêm hấp dẫn.
Trước đó, Xiong Wanli, nhà sáng lập của Cubic Network - một mạng xã hội Trung Quốc - đã tạo ra tính năng Timeline - dòng thời gian. Mark Zuckerberg là một trong những khán giả ngồi xem diễn thuyết trong buổi nói chuyện vào ngày 2008 năm đó, và 3 năm sau, tình cờ Facebook cũng ra mắt chế độ tương tự có tên "Timeline".
5. Facebook bị Ủy ban Thương mại Liên bang cáo buộc để lộ thông tin người dùng vào năm 2011
Ủy ban Thương mại Liên bang (Federal Trade Commission – FTC) cáo buộc Facebook vi phạm quyền riêng tư của người dùng và nhà mạng phải hầu tòa vì sự việc này.
Theo cáo buộc, mạng xã hội lớn nhất hành tinh "đánh lừa" thành viên khi bỏ qua thỏa thuận về quyền riêng tư. Facebook đã cung cấp thông tin người dùng cho hãng thứ ba khi chưa nhận được sự đồng ý, thay đổi cài đặt bảo mật mà không thông báo cho người dùng. Đặc biệt, Facebook tỏ ra kiểm soát mọi ứng dụng thuộc về mạng xã hội của mình, nhưng thực tế không phải vậy. FTC yêu cầu Facebook phải quan tâm đến quyền riêng tư của người dùng trong suốt 20 năm tới.
Chủ tịch FTC Jon Leibowitz khẳng định: "Việc buộc tội này với Facebook chỉ nhằm đảm bảo quyền riêng tư của người dùng được bảo vệ và buộc Facebook phải sát sao hơn đến các dịch vụ và chức năng của mạng xã hội, không hề có ý định làm khó Facebook".
Theo GenK