Ghi nhật ký hành trình, khai thác vùng biển hợp pháp
Giữa tháng 9, tàu cá đánh bắt cập cảng Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, sau chuyến đánh bắt xa bờ nhiều ngày trên biển. Trên tàu cá công suất 1.100 CV, dài 32m của ngư dân Lê Quang Quyền, 51 tuổi, các thuyền viên tất bật dùng ròng rọc kéo hải sản gồm cá, tôm, mực dưới khoang lạnh, cân cho thương lái.
Tàu vỏ thép ông Quyền đóng năm 2017 theo Nghị định 67. Ngoài lớp vỏ chắc chắn còn trang bị máy móc và công nghệ bảo quản, thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) và thiết bị cho hành trình trên biển cũng như liên lạc với đất liền.
Từ khi được phổ biến các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU, ông Quyền thường xuyên ghi chép lại nhật ký hành trình đánh bắt, sản lượng của tàu. Đây là cơ sở giúp chủ tàu đối chiếu số hải sản, làm cơ sở để chủ vựa hay cơ quan chức năng kiểm tra khi cần.
“Qua đó tôi nắm kỹ hơn về số lượng hải sản khai thác, lời lãi mỗi chuyến biển và cũng lưu trữ thay vì trước đây chỉ đưa vào cảng bán cho thương lái, sau đó thu tiền là xong”, chủ tàu cá nói.
Ông Quyền chia sẻ, đây cũng là cách ngư dân như ông cùng chung tay để tháo gỡ “thẻ vàng” IUU. Bởi, khi “thẻ vàng” được tháo gỡ, giá hải sản sẽ tăng, các ngư dân bớt phần lo lắng, yên tâm bám biển.
Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá phường Vĩnh Phước, với 20 đội tàu, ông Nguyễn Đức Thắng, 56 tuổi, đang ngóng tin ngư dân với hy vọng cá đầy khoang.
Hai tuần trước, ông làm thủ tục trình báo với Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ để tàu 435CV, với 10 thuyền viên ra vùng biển Trường Sa hành nghề lưới rê bắt cá ngừ sọc dưa, các cờ,... Trước khi xuất bến, chủ tàu chuẩn bị dầu, thực phẩm, đá lạnh cùng các trang thiết bị cho chuyến biển dài ngày.
Sinh ra ở vùng biển Khánh Hòa, ông Thắng nối tiếp nghề truyền thống của cha ông - vươn khơi bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Hơn 40 năm qua, nghề biển tạo cho gia đình thu nhập ổn định, hai con vào giảng đường đại học.
Trước đây, ngư dân nghĩ đơn giản rằng ở đâu có hải sản thì đánh bắt, và chẳng mấy khi ghi chép. Còn giờ, toàn bộ tàu cá trong nghiệp đoàn đều lắp đặt các thiết bị để giám sát hành trình, ghi chép nhật ký đầy đủ khi khai thác trên biển và không vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngư dân đều có chứng chỉ thuyền viên, thuyền trưởng, chứng chỉ thợ máy...
“Mình hay đùa với mọi người, giờ đi biển cũng như học sinh là đi khai, về trình, phải khai báo cho cơ quan chức năng, nhưng đó cũng là cách mà tôi hay nhiều ngư dân của Khánh Hòa chung tay tháo gỡ thẻ vàng IUU", ông Thắng bày tỏ.
Còn nhiều tàu chưa kết nối VMS, khó giám sát
Là một trong địa phương ven biển, Khánh Hòa đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu (EC). Chi cục Thủy sản Khánh Hòa (Sở NN-PTNT tỉnh) liên tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đoàn kiểm tra, rà soát hồ sơ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.
Chi cục trưởng Nguyễn Trọng Chánh cho biết, qua kiểm tra 8 tháng qua, có 665/669 tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình VMS; kiểm tra kiểm soát trên 3.100 tàu cập cảng, sản lượng qua cảng hơn 46.000 tấn.
Ngoài ra, lực lượng chống khai thác IUU trong tỉnh đã kiểm tra hành chính, xử phạt 66 trường hợp vi phạm IUU, xử phạt hành chính 825 triệu đồng và tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trường 24 trường hợp.
Tuy nhiên, từ khi Luật Thanh tra 2022 có hiệu lực (1/7), Chi cục Thủy sản không còn chức năng thanh tra, trong khi Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng - Chi cục Kiểm ngư/Chi cục Thủy sản, khiến công tác chống khai thác IUU gặp khó khăn.
Mặt khác, nhiều tàu cá của tỉnh Khánh Hòa thường xuyên hoạt động tại các tỉnh khác như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Ðịnh, Quảng Ngãi,... và các tàu cá dưới 15m không thuộc diện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Điều này khiến việc quản lý các tàu gặp khó khăn. Chẳng hạn, còn 250 tàu đang ngừng kết nối dịch vụ VMS, gây trở ngại trong công tác quản lý.
Trao đổi với PV, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - Trưởng ban chỉ đạo Chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã xây dựng dự thảo Nghị quyết “Hỗ trợ cước phí thuê bao giám sát hành trình tàu cá, giai đoạn 2024-2026”, gửi các bộ, ngành liên quan xin ý kiến.
Ông Nam cho hay, Ban chỉ đạo IUU tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, địa phương liên quan triển khai thực hiện các biện pháp mạnh chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Ngoài ra, Sở NN-PTNT Khánh Hòa được giao chủ trì mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm liên quan đến khai thác IUU tại các đơn đơn vị cũng như trên biển.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, xác minh, xử lý dứt điểm tàu cá KH 00386 TS bị nước ngoài bắt giữ; giao Sở NN-PTNT rà soát, phân loại, lập danh sách theo dõi, giám sát các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU.