W-nguyen-hue-3.jpg

Nhà rông làng Kon So Lăl (xã Hà Tây, huyện Chư Păh, Gia Lai) được xem là một trong những ngôi nhà rông của người Ba Na lớn nhất Tây Nguyên. Nơi đây cách trung tâm thành phố Pleiku hơn 50km, sát địa phận tỉnh Kon Tum.

W-nguyen-hue-10-1.jpg

Ngôi nhà sừng sững với phần mái cao hơn 20m, rộng hơn 320m2, do đó có thể tập hợp toàn bộ người dân trong làng vào mỗi dịp lễ hội.

W-nguyen-hue-7-1.jpg

Kon So Lăl đã từng là một bản làng Ba Na cổ nhất dãy Trường Sơn Đông, bao bọc xung quanh là đại ngàn núi rừng. Làng Kon So Lăl ngày nay được di dời từ ngôi làng cũ cách đó không xa. Ngôi nhà rông này được phục dựng lại ở trung tâm ngôi làng mới, thay thế cho cái cũ bị thiêu rụi do sét đánh trúng năm 2015. Để hoàn thành công trình này, toàn bộ dân làng Kon So Lăl đã phải mất 2 năm chuẩn bị nguyên vật liệu cùng với khoảng 4.000 ngày công xây dựng. Đến tháng 7/2017, ngôi nhà rông trùng với tên làng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. 

W-nguyen-hue-13-1.jpg

Ngôi nhà rông vẫn giữ nguyên kiểu dáng, kiến trúc của người Ba Na với nguyên liệu xây dựng hoàn toàn từ thiên nhiên như gỗ, tre, mái tranh, sợi mây... Nhà rông không có vỉ kèo, khung được buộc lại bằng mây, tre lạt. Mái lợp dày đến 20cm, ốp vào nhau như hình lưỡi rìu khổng lồ. 

W-nguyen-hue-18-1.jpg

Phần mái được kết nối với nhau bởi các thân cây dài. Phía mái bên trong chỉ được đan chéo bằng nhiều cây gỗ, tre nhưng vẫn rất vững chãi và kiên cố. 

W-nguyen-hue-1.jpg

Chiếc kẻng được mang từ ngôi nhà rông cũ qua dùng để thông báo, tập hợp dân làng.

W-nguyen-hue-20-1.jpg

Trên trụ gỗ đầu cầu thang, mái được trang trí họa tiết cây rau dớn, hình mặt trời. Với người Ba Na điều đó có ý nghĩa khát vọng luôn hướng về thần mặt trời.

W-nguyen-hue-14-1.jpg

Với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và Ba Na nói riêng, ngôi nhà rông được coi là linh hồn của làng, là nơi lưu giữ các giá trị thiêng liêng của buôn làng và cũng là nơi sinh hoạt chung của tất cả dân làng mỗi khi có lễ hội hay hội họp. 

W-nguyen-hue-5-1.jpg

Bên trong nhà rông không trang trí nhiều hoa văn và màu sắc. Các trụ chính được bố trí xung quanh để dành phần giữa rộng rãi với một đường kẻ gỗ chính giữa. Vị trí này dùng để đặt hàng trăm ghè rượu cần mỗi khi làng có lễ hội.

W-nguyen-hue-9-1.jpg

Nhà rông có vị trí đặc biệt quan trọng, là nơi tôn nghiêm nhất làng, mang ý nghĩa tâm linh, là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân, tổ chức lễ Tết, hội làng, cồng chiêng...

W-nguyen-hue-3-1.jpg

Làng Kon So Lăl có gần 600 nhân khẩu dân tộc Ba Na, sinh sống trong các căn nhà sàn, nhà vách đất truyền thống, bao bọc xung quanh nhà rông. 

W-nguyen-hue-2-2.jpg

Hiện nay số lượng nhà rông còn giữ được kiến trúc nguyên bản của người đồng bào dân tộc thiểu số là rất ít. Ngôi nhà rông của người Ba Na ở làng Kon So Lăl là báu vật của người Tây Nguyên rất cần được gìn giữ và quảng bá để các thế hệ sau này biết được cách người Ba Na dựng lên và ý nghĩa của ngôi nhà rông.

Tuấn Anh, Như Sỹ và nhóm BTV