Bangladesh đã đóng cửa hàng nghìn trường học khi nước này phải vật lộn với đợt nắng nóng kéo dài nhất trong nửa thế kỷ, với tình trạng cắt điện trên diện rộng, làm tăng thêm nỗi khốn khổ của người dân địa phương.
Nhiều trường học đóng cửa, cắt điện thường xuyên
Nhiệt độ ở thủ đô Dhaka của quốc gia Nam Á đã tăng lên khoảng 40 độ C, khiến người dân phải gánh chịu cái nắng chói chang.
Tania Akhter, người nội trợ nói rằng đứa con út của cô đang nghỉ ở nhà vì các lớp học tạm đóng cửa, trong khi cô con gái 12 tuổi vẫn được đến trường.
Akhter nói: "Những lớp học đó cũng nên đóng cửa vì học sinh phải chịu đựng rất nhiều khó khăn trong thời tiết nắng nóng này. Nhiều người bị ốm".
Trên các đường phố, người lao động chân tay, người bán hàng rong làm việc dưới cái nóng rất khó khăn. Những người phải ở nhà tránh nắng thì thu nhập bị giảm.
Abdul Mannan, 60 tuổi, chia sẻ rằng sức khoẻ không cho phép chịu đựng trong thời gian dài trước cái nóng này. "Thu nhập của tôi đã giảm đáng kể; trước đây tôi phải thực hiện 20 đến 30 chuyến mỗi ngày, nhưng giờ chỉ còn 10 đến 15 chuyến", ông nói.
Raisul Islam, 35 tuổi, một người lái xe, vừa uống cạn cốc nước chanh đá tại quán ven đường, vừa nói: "Nắng nóng hút hết năng lượng của bạn. Rất khó lái xe nhiều giờ đồng hồ trong cái nóng như thiêu đốt này".
Người bán trái cây Mohammad Manik, 31 tuổi, cho biết anh thấy kiệt sức vì nắng nóng, khách hàng thì ít hơn khi nhiệt độ tăng cao. Anh đang chờ thời tiết thay đổi, theo CNA.
"Tình hình rất tồi tệ trong cái nóng này - tôi dành cả ngày ở đây để làm việc, và khi tôi trở về nhà thì bị cắt điện. Tôi không thể ngủ ngon, thức gần như cả đêm", anh nói.
Vài tuần qua, tại khu ổ chuột ở thủ đô Dhaka, Abdur Rahman hầu như đêm nào cũng chịu cảnh mất điện. "Sau một ngày lao động vất vả, tôi muốn ngủ ngon để dưỡng sức. Nhưng bây giờ giấc ngủ bị gián đoạn vì quạt không chạy. Tôi tỉnh giấc nhiều lần trong đêm, người đẫm mồ hôi", Abdur Rahman, nói.
Anh suýt ngất khi đạp xích lô dưới cái nắng thiêu đốt ở thủ đô Dhaka ngày 8/6. "Không thể tiếp tục làm việc dưới thời tiết thế này", Rahman nói.
Nắng nóng kéo dài nhất trong nhiều thập kỷ, khủng hoảng điện
Cuộc khủng hoảng điện khiến người dân Bangladesh thêm khốn khổ trong bối cảnh đất nước đang quay cuồng dưới đợt nắng nóng kéo dài nhất trong nhiều thập kỷ.
Đợt nắng nóng bắt đầu vào tháng 4 và kéo dài sang đầu tháng 5 rồi dịu đi, sau đó tiếp tục vào cuối tháng. Bazlur Rashid, một quan chức cấp cao của Cục Khí tượng Bangladesh, cho biết chưa bao giờ chứng kiến một đợt nắng nóng kéo dài như vậy kể từ khi Bangladesh giành được độc lập vào năm 1971.
Ông nói: "Mùa hè năm nào Bangladesh cũng chứng kiến những đợt nắng nóng, nhưng đợt nắng nóng năm nay là bất thường. Trước đây, các đợt nắng nóng chỉ kéo dài trong vài ngày hoặc một tuần, nhưng năm nay, nó đã kéo dài 2 tuần và hơn thế nữa. Các đợt nắng nóng trong quá khứ sẽ chỉ ảnh hưởng đến một số vùng của đất nước. Năm nay nó xuất hiện trên diện rộng và lan ra hầu hết các vùng của đất nước".
Một nghiên cứu vào tháng trước của nhóm Phân bổ thời tiết thế giới phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu đã tạo ra những đợt nắng nóng kỷ lục ở Bangladesh, cũng như một số nước châu Á như Ấn Độ, Lào và Thái Lan. Nắng nóng có khả năng cao hơn ít nhất 30 lần.
Vào ngày 3/6, nhiệt độ ở quận phía bắc Dinajpur lên tới 41,3 độ C, mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1958. Chính phủ đã đóng cửa hàng chục nghìn trường tiểu học và sản xuất điện bị cắt giảm nghiêm trọng, ngay cả khi nhu cầu về máy điều hòa không khí và quạt tăng cao.
Hôm 5/6, quốc gia này buộc phải đình chỉ hoạt động nhà máy điện Payra có công suất 1.320 MW, nhà máy lớn nhất của đất nước, vì chính phủ không đủ khả năng mua than.
Các nhà máy khác đã không đáp ứng đủ nhu cầu, dẫn đến mất điện kéo dài hàng giờ. Các quan chức của công ty điện lực nhà nước cho biết, việc cắt điện ở một số huyện nông thôn kéo dài từ 6 đến 10 giờ mỗi ngày.
Mặc dù chính phủ Bangladesh đảm bảo rằng nhà máy sẽ hoạt động trở lại vào cuối tháng này, nhưng một quan chức cấp cao làm việc tại công ty điều hành của Payra, Công ty Điện Tây Bắc (NWPGC) nói rằng điều này "rất khó xảy ra".