Vay tiền mua cổ phiếu, lì không bán dù lỗ 40-50%
Đầu tháng 4, Nguyễn Hải Thắng (24 tuổi) ở Hà Nội lao vào "bắt đáy" cổ phiếu vì cho rằng nỗi sợ của người khác là cơ hội cho bản thân. Thắng mua 2 mã bất động sản vì niềm tin với doanh nghiệp.
Để có tiền đầu tư, chàng trai 9x vay của anh họ 250 triệu đồng với hy vọng mua được càng nhiều cổ phiếu rẻ càng tốt. Nhưng sau khi anh "tất tay", thị trường ngày càng lao dốc khiến tài khoản của anh "bốc hơi" khoảng 40%. Thắng liều thêm lần nữa khi dùng tới đòn bẩy tài chính (margin).
Đến nay, tài khoản của Thắng bốc hơi 57% (gần 300 triệu đồng) khiến anh vô cùng lo lắng, mất ăn mất ngủ. Tuy nhiên, anh vẫn lì khi nhất quyết không bán số cổ phiếu đang nắm giữ. Thậm chí, anh còn xoay xở bằng cách vay thêm bạn bè, đồng nghiệp mua thêm cổ phiếu để trung bình giá. "Nếu thị trường sẽ lao dốc thêm khoảng 2 phiên nữa thì mình xác định tài khoản sẽ bị call margin. Nhưng nếu thị trường hồi phục, mình sẽ cố gắng vay mượn để giữ cổ phiếu đến hết năm nay", Thắng cho biết.
Cùng cảnh ngộ, Bạch Dương (sinh năm 2000), nhân viên một công ty truyền thông ở Hà Nội, cũng đứng ngồi không yên trong 3 ngày gần đây. Cách đây một tháng, lượng cổ phiếu chiến lược, chiếm 60% danh mục của cô nàng tăng mạnh. Dương đã chốt lời với lợi nhuận 20%.
"Cùng lúc đó, mình đã cắt lỗ những cổ phiếu trong danh mục đang lỗ 20 - 30% như cổ phiếu bất động sản, thép, ngân hàng để vào các cổ phiếu lương thực, bảo hiểm được nhiều chuyên gia và môi giới dự đoán sẽ tăng mạnh theo nhịp chiến sự ở Ukraine và lạm phát toàn cầu. Thậm chí, mình còn dùng tới margin", Dương cho biết.
Sau khi Dương mua hàng mới chưa được bao lâu, thị trường bước vào đợt rung lắc mạnh. Phản ứng ban đầu của cô nàng là không mấy quan tâm vì nghĩ rằng đầu tư dài hạn và càng an tâm hơn khi thị trường vào nhịp hồi.
"Nhưng một tuần gần đây, mình lo lắng khi thị trường chứng khoán nhiều lần phục hồi không thành công. Mình cứ chần chừ không dám cắt lỗ vì nghĩ rằng vừa đảo hàng nếu bán sẽ lỗ kép. Thêm vào đó, mình vẫn tin rằng cổ phiếu bảo hiểm sắp tới sẽ tăng mạnh" Dương kể.
Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư ngày càng bất an khi các dự báo downtrend xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Đầu tuần này, khi chỉ số VN-Index giảm mạnh, lượng cổ phiếu bảo hiểm mà Dương đang nắm giữ cũng bị "đạp" về gần sàn.
Dương chấp nhận cắt lỗ toàn bộ để rời khỏi thị trường và gom vốn đầu tư vào kênh khác. Sau khi bán hết hàng, cô nàng gen Z cảm thấy khá hụt hẫng vì xem như năm đầu tiên gia nhập thị trường chứng khoán không thành công vì lãi chẳng thấy, chỉ thấy lỗ.
3 dạng nhà đầu tư và phương án xử lý cho từng dạng
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, cho biết, trên thị trường đang có 3 dạng nhà đầu tư.
Đầu tiên là những người đã bán được cổ phiếu ở vùng cao, có sẵn tiền mặt trong tay. Thời điểm này với họ là cơ hội khi có thể mua vào nhiều cổ phiếu tốt với nền giá hấp dẫn để đầu tư trung, dài hạn. Trong quá trình thị trường tạo đáy, họ có thể nghiên cứu những doanh nghiệp tốt, tăng trưởng lợi nhuận cao để mua được cổ phiếu giá rẻ.
Thứ hai là nhà đầu tư đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu, không sử dụng margin. Các nhà đầu tư này nên kiên nhẫn hơn để chờ đợi thị trường ổn định trở lại. Tuy nhiên, điều này phải phụ thuộc vào danh mục đầu tư của mỗi người khi lượng cổ phiếu đang nắm giữ là tốt hay không tốt. Nếu họ đang nắm giữ những cổ phiếu không tốt, không có triển vọng tăng giá trở lại thì nên cơ cấu danh mục để chuyển sang những cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận cao, có kỳ vọng thị trường hồi phục thì cổ phiếu hồi phục.
Thứ ba là nhà đầu tư đã cắt lỗ. Họ có thể tìm kiếm những cơ hội khác để lấy lại những gì đã mất.
Theo ông Ngọc, sau những đợt giảm điểm mạnh, trên thị trường chứng khoán sẽ có lượng lớn nhà đầu tư rời bỏ thị trường vì không đi theo trường phái đầu tư dài hạn. Mục đích họ đến thị trường là đầu cơ ngắn hạn, kiếm lời nhanh.
Trải qua nhiều phiên giao dịch rung lắc, phần lớn những người này thua lỗ, đó cũng là lý do vì sao họ rời bỏ thị trường và không quay trở lại. "Từ trước đến nay, mỗi đợt tăng giá thường có thêm những nhà đầu tư mới, mỗi đợt giảm giá thì có cơ số người rời bỏ thị trường", ông nói.
Ngoài ra, những dòng tiền "nóng" đầu tư vào thị trường trong giai đoạn dịch Covid-19 sẽ được rút ra. Vì khi dịch Covid-19 xuất hiện, các hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ khiến lượng lớn nhà đầu tư đổ tiền nhàn rỗi vào chứng khoán. Khi kinh tế phục hồi, các hoạt động trở lại bình thường thì dòng tiền lại quay về sản xuất. Do đó, thanh khoản trên thị trường sẽ giảm về mức độ nhất định khi một bộ phận nhà đầu tư rút khỏi cuộc chơi.
"Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vẫn luôn phát triển dựa trên các dòng tiền bền vững khi có thêm nhiều quỹ đầu tư, người chơi mới gia nhập thị trường", ông nhấn mạnh.
Lịch sử có lặp lại?
Chứng kiến những cơn lao dốc gần đây, một số nhà đầu tư cho rằng thị trường chứng khoán đang tái hiện lại giai đoạn 2008, 2018. Tuy nhiên, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, nhận định năm 2018 khá giống với giai đoạn hiện nay còn năm 2008 thì không. Vì thị trường chứng khoán năm 2008 bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bắt nguồn từ Mỹ.
"Năm nay và năm 2018 có nhiều điểm tương đồng như kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi, Fed tăng lãi suất đồng thời thắt chặt các chính sách tiền tệ, thu hẹp bảng cân đối kế toán", ông nói.
Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán trong 2 giai đoạn này khá giống nhau, mặc dù năm nay có độ trễ hơn về mặt thời gian. Tháng 3/2018, thị trường đã có tín hiệu giảm còn năm nay thì bắt đầu từ tháng 4. Năm 2018, chỉ số VN-Index thời điểm đó sụt giảm từ 1.200 điểm về 900 điểm, còn hiện tại là giảm từ 1.553 điểm về 1.230 - 1.250 điểm.
Còn điểm khác biệt của 2 giai đoạn này là liên quan đến yếu tố dòng tiền khi quy mô thị trường, thanh khoản, số lượng nhà đầu tư lớn hơn nhiều năm 2018 nên sự biến động sẽ mạnh hơn. Xét về mặt tích cực, sự hồi phục nền kinh tế sau Covid-19 là yếu tố hỗ trợ tốt cho thị trường về mặt dài hạn, dù ngắn hạn dòng tiền có thể bị rút ra.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam - có quan điểm tương tự. Theo ông, chứng khoán giảm do nhiều yếu tố, trong đó có việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Một điểm khác nữa là trong giai đoạn hiện nay nền kinh tế thế giới đang hồi phục sau dịch Covid-19 nên các chính sách không thể quá mạnh tay như trước. Không những thế, quá trình tăng lãi suất năm nay chỉ diễn ra ở một số quốc gia, không có nhiều đồng thuận như giai đoạn 2018, điển hình là Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á vẫn duy trì mặt bằng lãi suất thấp để kích thích kinh tế.
Dự báo về thị trường trong thời gian tới, ông Ngọc cho rằng, với nền định giá đủ hấp dẫn, các dòng tiền bền vững trên thị trường sẽ tạo ra mức thanh khoản bình quân 10.000 - 15.000 tỷ đồng trong năm nay. Khi đó, thị trường sẽ ổn định trở lại và có những diễn biến giao dịch tích cực.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán DNSE, cho rằng, bản chất năm 2007 - 2008 khác với giai đoạn hiện tại khi tình hình kinh tế mô năm nay tốt hơn và định giá cũng hợp lý hơn khi P/E trung bình là 14. Nếu xét về định giá và vĩ mô thì thị trường năm nay đang ở mức hấp dẫn để đầu tư dài hạn.
(Theo Dân Trí)