Sinh Cảnh là chương đầu tiên trong chuỗi triển lãm Những Trường Thị Giác tại Đà Lạt. Trường thị giác là toàn bộ khu vực có thể nhìn thấy khi mắt tập trung vào một điểm cố định duy nhất. Mỗi cá nhân sở hữu một trường thị giác và một quang phổ riêng, những gì từng người nhìn thấy là đặc trưng và độc bản, kể cả khi họ đang quan sát cùng một vật thể. Chính đặc điểm này tạo nên sự đa dạng trong những tạo tác của mỗi nghệ sĩ.
Với Phạm Xeen, mọi thứ như được lọc qua một lớp sương mù, toàn bộ khung cảnh hiện ra từ từ như trước khi ống kính máy ảnh được điều chỉnh về tiêu cự chuẩn, cảm giác về sự nhòe lúc này hiện diện rõ hơn bao giờ hết. Những vệt loang trên toan của Phạm Xeen là một không gian không xác định, mơ màng với những ký ức phân mảnh. Những sinh hoạt, sinh cảnh lấp ló dưới những cơn mưa, vệt nắng. Xeen sử dụng những kỹ thuật trên lụa để vẽ với sơn dầu, tạo nên hiệu ứng mờ nhòe đặc trưng cho thực hành của anh.
Khi màn sương tan dần, cũng là lúc các sinh vật trở mình và hiện lên rõ nét. Có thể thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của những dàn cây leo, hoa dại xâm chiếm các bề mặt. Dàn cây rạng đông lấp lánh dưới ánh nắng sớm, bông súng bẽn lẽn san sát bên mặt hồ, khóm chuỗi ngọc óng ánh như tên gọi của chúng...
Những mảng sáng và các đốm trắng tượng trưng cho những giọt sương sớm đã được Hà My lột tả vô cùng uyển chuyển, thanh thoát. Những chủ thể của My là chim muông và cây cỏ, hay còn được biết với tên gọi Hoa Điểu Họa trong Trung Quốc Họa, cô áp dụng những quy tắc trong Lục pháp luận để truyền tải các sự vật được tự nhiên nhất.
Với góc nhìn của một nhà thực vật học kiêm họa sĩ, ta đi vào những lớp bóc, tách và từng giai đoạn phát triển của mỗi loài cây. Phan Thị Thanh Nhã có một sự tỉ mẩn tới nghiêm khắc, khó có một loài cây nào lướt qua lại không lọt vào tầm quan sát của cô. Việc quan sát là một sự dẫn nhập, đưa từng cá thể lại gần với các sinh vật hơn, thị giác, dần già tới xúc giác, thính giác, khứu giác và vị giác, kết hợp lại thành một bữa tiệc đa giác quan.
Việc quan sát không chỉ dừng lại ở góc nhìn, mà còn là sự phân tích chi tiết từng nhành cây, ngọn cỏ, là sự tìm hiểu sâu hơn bề mặt qua từng trang sách qua quá trình định danh loài. Chỉ những ai có niềm đam mê, yêu mến thiên nhiên, cây cỏ mới chọn cách thể hiện vô cùng chi tiết này. Hơn 10 tác phẩm Thực Vật Họa của Nhã tạo nên một bản đồ nghiên cứu cho quần thể xanh tại Ana Mandara, vốn đã tồn tại gần một thế kỷ.
Triển lãm Sinh Cảnh tập trung vào cách 3 họa sĩ xử lý và thể hiện những cự ly xa gần trong việc khai thác chủ đề cảnh quan và quần thể sinh vật Đà Lạt. BTC cho biết, triển lãm là thành quả sau 3 tháng của các nghệ sĩ sau trại sáng tác và khoảng thời gian thực địa tại Đà Lạt.
“Việc lựa chọn 3 họa sĩ là Phan Thị Thanh Nhã, Phạm Xeen và Hà My, đều là 3 họa sĩ trẻ có tiềm năng được đào tạo bài bản về kỹ thuật, là một khẳng định của Lân Tinh Foundation về việc kỹ thuật và ý niệm song hành với nhau trong nghệ thuật. Nếu một nghệ sĩ củng cố với một nền tảng kỹ thuật vững chắc thì khi họ đặt những suy tư cá nhân vào trong tác phẩm của mình, đó sẽ là một tác phẩm có sức nặng và ảnh hưởng sâu sắc hơn so với một tác phẩm chỉ có mặt ý niệm”, Ace Lê - Giám đốc sáng lập của Lân Tinh Foundation - cho biết.
Lê Đỗ