Sàn 270 tỷ USD sôi động trở lại
Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực trong phiên giao dịch 20/7 với đa số các cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh. Cổ phiếu PGB của Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex - PG Bank tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp (mỗi phiên tăng 15%) sau thông tin cổ đông lớn Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sẽ thoái vốn công khai tịa Sở GDCK Hà Nội trong quý III.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng sau một thời gian giảm kéo dài và một số tổ chức công bố kết quả kinh doanh quý II ấn tượng. HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo thông báo lợi nhuận nửa đầu năm vượt kế hoạch.
Ngân hàng BIDV trong khi đó được Chứng khoán SSI ước tính lợi nhuận trước thuế quý II/2022 có thể đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, với nợ xấu ổn định và các khoản nợ tái cơ cấu Covid-19 giảm mạnh.
Nhiều nhà đầu tư hiện kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm nới room tín dụng khi mà lạm phát được kiểm soát khá tốt và Chính phủ cần giữ nhịp tăng trưởng kinh tế. Khi room tín dụng được mở ra, hoạt động cho vay của ngành sẽ trở lại và giúp ngân hàng có thêm doanh thu, lợi nhuận.
Không chỉ cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu nhiều ngành khác, trong đó có chứng khoán và xây dựng cũng tăng mạnh, qua đó giúp chỉ số VN-Index tăng gần 16 điểm lên trên ngưỡng 1.190 điểm. Thanh khoản được cải thiện đáng kể, đạt 15,4 nghìn tỷ đồng, tăng 33% so với phiên trước.
Trên sàn HOSE, có 374 mã tăng giá (trong đó có 25 mã tăng trần) và chỉ có 87 mã đóng cửa thấp hơn giá tham chiếu. Khối ngoại mua ròng trở lại 190 tỷ đồng ở sàn HOSE.
Theo ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI, diễn biến trầm lắng đã được thay thế bằng sự sôi động tích cực trong phiên giao dịch 20/7. Tâm lý của giới đầu tư được cởi trói sau phiên tăng mạnh trên chứng trường Mỹ đêm 19/7, cũng như sự sắc của thị trường khu vực châu Á sáng 20/7.
VN-Index tạo gap và bật tăng mạnh ngay khi mở cửa. Càng giao dịch, sự hưng phấn càng được đẩy lên cao, khiến sắc xanh lan tỏa ra hết tất cả các nhóm ngành. Ngoài ra thanh khoản cũng ghi lại dấu ấn khó quên khi có sự bùng nổ tăng mạnh và là phiên có khối lượng khớp lệnh cao nhất trong một tháng trở lại đây. Phiên 20/7 có thể xem là phiên bùng nổ theo đà, rất tích cực cả về điểm số lẫn thanh khoản, và là tín hiệu cho thấy sự hồi phục trong ngắn hạn rất cao.
Điểm trừ là biên độ tăng điểm bị thu hẹp khi kết phiên. CSI kỳ vọng với tín hiệu khởi sắc trong phiên 20/7 có thể là cơ sở để gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ, cũng như mở thêm vị thế mua mới.
Tính tới hết phiên giao dịch 20/7, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 6,2 triệu tỷ, tương đơng khoảng 270 tỷ USD.
Thế giới đánh cược lạm phát kỳ vọng sớm giảm
Ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc quỹ đầu tư IPA AM cho rằng, lạm phát tại Mỹ và EU vừa qua gia tăng bởi giá dầu tăng cao và gián đoạn thương mại do chính sách zero covid tại Trung Quốc. Những yếu tố này đang có dấu hiệu lắng dịu giúp CPI đi xuống.
Theo ông Hoàng, nếu không có yếu tố xung đột địa chính trị mới phát sinh, kết hợp với dự báo 27/7 tới đây Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất điều hành thêm 1% sẽ khiến lạm phát kỳ vọng sớm giảm về mức dễ chấp nhận hơn. Trong kịch bản này con số 9,1% là đỉnh lạm phát tại Mỹ, chính sách tiền tệ của Fed sẽ trở nên trung lập hơn vào cuối năm 2022.
Trên thực tế, theo ông Hoàng, hiện có nhiều dự báo trái ngược nhau. JP Morgan cho rằng giá dầu lên 380 USD/thùng, trong khi đó Goldman Sachs thì đánh cược giá dầu sẽ giảm mạnh so với mức 100 USD hiện tại.
Mặc dù vậy, mục tiêu lãi suất của Fed chỉ ở mức 3,8-4%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu Fed tăng mạnh lãi suất trong cuộc họp tháng này, thì sẽ tăng ở mức chậm hơn hoặc kết thúc chu kỳ tăng sớm hơn sau đó. Nước Mỹ vẫn phải hỗ trợ nền kinh tế tránh khỏi suy thoái.
Chứng khoán châu Á hôm 20/7 đồng loạt đi lên sau phiên tăng điểm mạnh trên phố Wall. Chứng khoán Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản đều tăng hơn 2%.
Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc giữ nguyên lãi suất các khoản vay kỳ hạn 1 và 5 năm ở ngưỡng 3,7% và 4,45% nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Trong phiên liền trước, chứng khoán Mỹ tăng mạnh sau khi một số doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận vượt dự báo trong quý II. Giới đầu tư chớp cơ hội hiếm có được tạo ra từ sự hoảng loạn trong thời gian qua.
Trong phiên giao dịch 19/7 (đóng cửa rạng sáng 20/7 giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones Mỹ tăng hơn 750 điểm (hơn 2,4%), trong khi chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng gần 2,8%. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng hơn 3,1%.
Một tín hiệu tích cực là cả 3 chỉ số chứng khoán của Mỹ đều đóng cửa ở mức cao hơn mức trung bình động 50 ngày lần đầu tiên kể từ tháng 4/2022. Chỉ số S&P 500 đã tăng gần 7,4% so với đáy ghi nhận hôm 16/6.
Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia vẫn cảnh báo những rủi ro và bất định trên thế giới trong thời gian ở phía trước.
Theo CNBC, nước Anh vừa thông báo lạm phát tiếp tục lập đỉnh mới trong vòng 40 năm qua, ở mức 9,4% trong tháng 6 (so cùng kỳ), vượt ngưỡng 9,1% trong tháng 5. Ngân hàng trung ương Anh có thể tăng lãi suất cao hơn trong kỳ họp tới nhằm sớm kéo giảm lạm phát.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã có năm lần tăng lãi suất 0,25% liên tiếp. Thống đốc Andrew Bailey tiết lộ BoE sẽ cân nhắc phương án tăng lãi suất thêm 0,5% trong kỳ họp tháng 8 tới. Trước đó, BoE dự báo lạm phát tại Anh sẽ đạt đỉnh ở ngưỡng 11% trong cuối năm nay.
Tại Việt Nam, dù NHNN chưa tăng lãi suất nhưng cơ quan này vẫn miệt mài rút tiền về với các kỳ hạn tín phiếu dài hơn, lên tới 2 tháng. Trong một tháng qua, NHNN đã phát hành tổng cộng gần 400 nghìn tỷ đồng tín phiếu.