Chốt phiên giao dịch 6/7, chỉ số VN-Index lao dốc gần 32 điểm xuống dưới ngưỡng 1.150 điểm, thấp hơn mức khoảng 1.170 điểm hồi đầu năm 2021.
Gần như toàn bộ các cổ phiếu chủ chốt giảm giá, trong đó ông lớn dầu khi GAS giảm sàn, đại gia mặt bằng bán lẻ Vincom Retial (VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm hết biên độ cho phép.
Cổ phiếu có quy mô vốn hóa số 2 trên thị trường Vingroup (VIC) của tỷ phú Vượng cũng giảm gần hết biên độ cho phép.
Sự sụt giảm của các gương mặt hàng đầu trên sàn chứng khoán đã nhấn chìm thị trường và kéo VN-Index xuống sâu, mất hết thành quả ghi nhận trong năm sôi động 2021.
Thị trường diễn biến xấu trong bối cảnh thanh khoản giảm mạnh trong vài tháng qua, mất 30-35% so với trước đó và xu hướng giảm dần đều, chưa có tín hiệu hồi phục. Mỗi khi thị trường hồi phục tăng điểm trở lại thì thanh khoản giảm xuống, ít người mua, trong khi giá cổ phiếu giảm thì thanh khoản lại tăng lên. Nghịch lý này khiến nhiều người lo ngại dòng tiền đang rút ra khỏi thị trường.
Mặc dù thị trường chung chiết khấu khá mạnh, khoảng 21% trên sàn HOSE và khoảng hơn 40% trên sàn Hà Nội trong nửa đầu năm 2022, nhưng tín hiệu hồi phục vẫn khá thấp. Sức cầu bắt đáy không cải thiện trong thời gian gần đây.
Trong phiên 6/7, khối ngoại tiếp tục bán ra. Giá trị bán ròng của khối ngoại đến cuối phiên gia tăng lên mức 754 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng 40 tỷ USD cổ phiếu tại các thị trường chứng khoán châu Á trong quý II, rút ròng với quy mô lớn hơn so với các cuộc khủng hoảng trước đây và quá trình này có thể tiếp tục diễn ra.
Như vậy, chứng khoán Việt Nam năm 2022 đã rơi sâu vào một thị trường giá xuống, bất chấp những tín hiệu lạc quan về nền kinh tế và những kỳ vọng tích cực của nhiều tổ chức. Đến hết phiên 6/7, chỉ số VN-Index đã giảm gần 23% so với thời điểm khởi đầu năm, đồng thời, quá nửa số cổ phiếu niêm yết HOSE có thành tích tệ hơn so với chỉ số xét trên cùng giai đoạn.
Trên sàn Hà Nội, tình trạng bán mạnh cũng đã diễn ra. HNX-Index giảm 6,02 điểm (-2,17%) xuống 271,92 điểm. UPCoM-Index giảm 0,97 điểm (-1,11%) xuống 86,22 điểm.
Nhìn chung trên thị trường, nhóm dầu khí giảm do tác động xấu khi giá dầu thế giới lao dốc. Thị trường thế giới phản ứng trước khả năng nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới rơi vào tình trạng suy thoái.
Dòng tiền có thể bị rút về Mỹ khi đồng USD lên mức cao kỷ lục trong 20 năm.
Nhiều công ty chứng khoán cho rằng, thị trường chứng khoán có quán tính giảm điểm. Theo SHS, nền tảng thanh khoản đã có sự suy giảm mạnh từ tháng 11 năm ngoái cho đến nay. Việc thị trường sụt giảm mạnh trong 3 tháng vừa qua đã khiến các nhà đầu mới tham gia gần đây rơi vào tình trạng thua lỗ. Có lẽ chính điều này đã khiến cho tâm lý thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy vậy, với mức định giá thấp hiện tại thì đây lại là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn có thể chọn lọc và mua vào những cổ phiếu có cơ bản tốt và triển vọng tích cực trong tương lai.
Theo VDSC, dòng tiền tiếp tục “hụt hơi” sau khi VN-Index vượt ngưỡng 1.200 điểm và đối diện vùng cản. Với tín hiệu thận trọng này, có khả năng thị trường sẽ tiếp tục theo hướng suy yếu ngắn hạn để tiếp tục quá trình thăm dò cung cầu.
Trong một báo cáo mới, Mirae Asset cho rằng, VN-Index về 1,060 điểm trong kịch bản xấu. Theo CTCK này lạm phát và chính sách lãi suất là rủi ro chính. Dù vậy, Mirae Asset cho rằng, trong khi lạm phát của Việt Nam vẫn đang được kiểm soát dưới mức mục tiêu của Chính phủ, kỳ vọng tăng trưởng GDP và EPS tương đối cao sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì mức định giá tương đối hấp dẫn, với tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tương đối cao và P/E tương đối thấp.
Hơn nữa, nỗ lực thúc đẩy tính minh bạch và phát triển thị trường vốn Việt Nam trong thời gian gần đây, cũng như các sáng kiến để đáp ứng các tiêu chí của thị trường mới nổi sẽ giúp thúc đẩy tiến trình nâng hạng thị trường lên mới nổi.
M. Hà