Bài thứ hai trong loạt bài phản ánh về câu chuyện này góp phần lý giải phần nào thực trạng nêu trên.
'Chưa được vạ, má đã sưng'!
Khi chúng tôi đặt vấn đề về thực trạng doanh nghiệp bị một số tờ báo, tạp chí đe dọa để chào mời quảng cáo, đại diện nhiều doanh nghiệp, cả tư nhân lẫn doanh nghiệp nhà nước, đều chung một câu trả lời: Nhiều không đếm xuể! Tuy nhiên, tất cả đều đề nghị giấu kín danh tính, vì “sợ phiền phức”.
Nữ phóng viên Đào Thị Thanh Bình, báo Thương hiệu và Công luận bị bắt khi đang nhận 70.000 USD của công ty TNHH LEXSHARE- ICT Việt Nam có trụ sở ở tỉnh Bắc Giang |
Vừa mở lời về câu chuyện 'báo chí và doanh nghiệp', ông T - đại diện truyền thông của một tập đoàn tư nhân lớn ngay lập tức cho tôi xem tin nhắn trên điện thoại. Tin nhắn vừa được gửi đến trong ngày.
Nội dung là phóng viên đó đề nghị làm việc với người phát ngôn của tập đoàn để yêu cầu “cung cấp một số tài liệu liên quan để phục vụ tốt cho công tác phản ánh”. Nhưng do vấn đề phóng viên đó hỏi sai địa chỉ, không liên quan gì đến doanh nghiệp, nên vị này đề nghị gửi vấn đề cần trao đổi vào email để nắm thông tin, rồi sẽ có phản hồi.
Phóng viên này nằng nặc từ chối, và nhắn rằng “nếu không gặp được người phụ trách” thì vẫn sẽ đăng bài, rồi không quên cảnh báo rằng ý kiến của lãnh đạo công ty thì sẽ ghi nhận và “đăng vào các kỳ sau của loạt bài”.
“Nhỡ họ cần thông tin thật để đăng tải khách quan thì sao”, chúng tôi hỏi lại. Vị này cười, lắc đầu: Không! Ở vị trí này lâu chúng tôi biết được những ai thực sự muốn gặp để lấy thông tin, ai gặp vì “chuyện khác”. Rồi ông kể tiếp một vài câu chuyện khác trong vô số những câu chuyện mà ông phải đối mặt với một số người tự xưng là “phóng viên” của các cơ quan báo chí.
“Họ toàn ở những tờ mà khi họ gọi đến chúng tôi mới biết là có cơ quan báo chí như vậy”, ông T kể, “Có lần chúng tôi gặp một sự cố nhỏ về môi trường. Một phóng viên gọi đến dọa rằng không ký hợp đồng 100 triệu thì “phang” bài. Chúng tôi từ chối vì ký với người này thì sẽ có thêm rất nhiều “phóng viên” khác kéo đến”.
Bị cáo Phạm Lê Hoàng Uyển và bị cáo Võ Hoàng Hà bị xử tù vì tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong vụ án nhận tiền để gỡ bài cho doanh nghiệp |
Nói về lý do không phản ánh đến cơ quan chức năng trước việc những người tự xưng là phóng viên “vòi vĩnh” như thế, ông T bảo: Kể ra nếu báo công an thì xử lý được những người đó, nhưng 'chưa được vạ má đã sưng' nên chúng tôi đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. “Nhiều người đăng một vài bài xong không thấy chúng tôi 'ý kiến gì' thì chủ động yêu cầu chúng tôi sang gặp giải quyết. Chúng tôi xác định không làm gì sai thì không việc gì phải làm theo những gì họ nói.
“Bài” phổ biến của họ vẫn là tôi nắm được thông tin này, thông tin kia, nếu không muốn lên bài thì qua gặp lãnh đạo bên tôi. Và mục đích cuối cùng là… hợp đồng”, ông T chốt lại câu chuyện về những ấn tượng không hay ho với báo chí mà ông cho rằng “sẽ còn gặp nhiều nữa”.
Còn đại diện truyền thông của một doanh nghiệp nhà nước bức xúc: Mỗi ngày tôi nhận được không biết bao nhiêu cuộc gọi mời chào truyền thông, quảng cáo, tài trợ sự kiện, tài trợ chương tình này nọ. Tôi không biết họ có phải là phóng viên thật không, hay chỉ là nhân viên các công ty truyền thông. Nhưng họ nói giọng trịch thượng. Khi không được đáp ứng thì liên tục gọi điện quấy nhiễu, rồi đe dọa. Chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước, kinh phí cho truyền thông có giới hạn, đâu thể lúc nào cũng đáp ứng được.
Trường hợp của một lãnh đạo doanh nghiệp có vốn nhà nước sau đây cũng là câu chuyện đáng suy ngẫm. Sức khỏe vị lãnh đạo này vốn không tốt, trong 3 tháng ông phải nhiều lần lên bàn mổ, chịu nhiều đau đớn. Đúng lúc đó, ông bị phóng viên của một số tờ báo đăng loạt mấy chục bài “đánh”. Họ vẽ ra những sai phạm của ông dựa trên tài liệu của một phía cung cấp.
Đỉnh điểm là lần ông lên cơn bệnh nặng, phải sang nước ngoài chữa bệnh gấp, nếu không nguy kịch đến tính mạng. “Thế nhưng, phóng viên một số tờ báo lại được ai đó bơm thổi để đăng bài tung tin tôi trốn đi nước ngoài”, ông kể, “Nhưng tôi không chấp họ. Tôi cũng không phản hồi gì với tòa soạn đó bởi vì họ không đáng để tôi phải bận tâm đến”.
Sau cùng, cơ quan thanh tra của bộ, rồi công an vào cuộc tìm hiểu hoạt động của công ty. Kết quả, nhiều sai phạm được phanh phui, nhưng là sai phạm dưới thời của một vị cựu lãnh đạo khác, không liên quan gì đến bộ máy lãnh đạo hiện tại. Còn đối tượng “mượn tay” báo chí để lũng đoạn doanh nghiệp nọ giờ đã bị khởi tố.
'Sáng đăng, sáng gặp, sáng gỡ' và tình trạng ‘tráo săm, sửa lốp’
Ngoài thực trạng 'phóng viên đếm tầng', 'nhóm phóng viên IS' mà chính các lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí từng nêu cũng như bản thân nhiều nhà báo chân chính thường gọi, còn tình trạng xua quân đi ‘đánh để lập kế hoạch quảng cáo cho năm sau’ và 'bảo trợ đen'.
‘Đánh để lập kế hoạch quảng cáo’ xuất hiện vào dịp cuối năm, khi một số tòa soạn ‘bật đèn xanh’ cho phóng viên đi quấy nhiễu doanh nghiệp, đơn vị để buộc lòng họ phải ‘im chuyện’ bằng hợp đồng truyền thông. Hợp đồng truyền thông sẽ được đưa vào kế hoạch cho năm sau.
Còn ‘bảo trợ đen’ là gì? V.X.H là phó tổng giám đốc một tập đoàn bất động sản kể, tập đoàn nhiều dự án, với vài trò phụ trách cả vấn đề đối ngoại, anh thường xuyên phải tổ chức những bữa tiệc xử lý 'truyền thông', hay còn được gọi là 'bảo trợ đen'. Trong bữa tiệc, vị phó tổng giám đốc được kết nối với những phóng viên mảng bất động sản.
Cứ mỗi lần tập đoàn chuẩn bị ra mắt dự án mới, anh phải ôm một cọc tiền đi xử lý những tờ báo, tạp chí hay 'quấy bất động sản'. Gói “bảo trợ đen” được chuyển cho một nhà báo đứng đầu nhóm, rồi anh này sẽ chia đều cho các phóng viên khác. Khi dự án xuất hiện trên báo với thông tin xấu, sẽ được 'xử lý' đến phóng viên, thậm chí đến ban biên tập.
Xử lý được chia thành hai cách, một là trước khi xuất bản, khi phóng viên mới đi tìm hiểu dự án. Hai là khi đã lên bài, sẽ là quy trình 'sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ'. Thậm chí, có bài còn được xử lý nhanh, quy trình sẽ rút gọn về mặt thời gian 'sáng đăng, trưa gặp, trưa gỡ' hoặc khẩn cấp hơn còn 'sáng đăng, sáng gặp, sáng gỡ'.
Chị S., một nhân viên truyền thông của một tập đoàn bất động sản ở Hà Nội nói rằng, quy trình được đẩy nhanh hơn, rút gọn hơn với những bài mà các doanh nghiệp không muốn lan truyền nhanh trên mạng xã hội, bị báo khác dẫn lại. Từ 'sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ' đã có trường hợp chuyển thành '8h đăng, 9h gặp, 10h gỡ'. Tất nhiên, đây là với những tờ báo, tạp chí mà việc gỡ bài đôi khi còn dễ như hạ một status trên facebook!
Bên cạnh đó, là tình trạng không gỡ (vì bị phần mềm quản lý của cơ quan chức năng theo dõi) thì 'tráo săm, sửa lốp'. Có nghĩa là thay đổi nội dung hoàn toàn hoặc một phần nào đó liên quan đến doanh nghiệp, sửa tít không gỡ bài.
'Sợ báo chí hơn là sợ gặp lãnh đạo cấp trên của mình!"
Tiến sỹ Nguyễn Tri Thức (Vụ trưởng, Trưởng phòng Hồ sơ sự kiện, Tạp chí Cộng sản) là một nhà báo từng trải qua nhiều vị trí, lĩnh vực và cơ quan báo chí khi nói về tình trạng báo chí quấy nhiễu doanh nghiệp đã phải thốt lên: "Dù không phải là nhiều, nhưng nó mang tiếng xấu rất tồi tệ, thậm chí bây giờ có người dân, doanh nghiệp còn gọi là “bọn nhà báo”. Có những lúc tôi xấu hổ, không dám nhận mình là nhà báo!”.
Tiến sỹ Nguyễn Tri Thức |
Tiến sỹ Thức cho rằng, thực trạng báo chí sách nhiễu doanh nghiệp hay các cơ quan công quyền là tình trạng đáng báo động, nó khiến các doanh nghiệp rất sợ gặp báo chí. Sợ ở đây, không phải vì công việc, mà là những tình cảnh doanh nghiệp, các cơ quan công quyền bị nhà báo dọa dẫm, ép xin quảng cáo, thậm chí còn có tình trạng đánh hội đồng doanh nghiệp.
Ông Thức chia sẻ: “Tôi được biết, có doanh nghiệp đưa tiền cho tờ báo này thì sau đó có nhiều cơ quan báo chí khác cùng vào cuộc với kịch bản tương tự. Có một số lãnh đạo ở tỉnh, họ cảm giác sợ báo chí hơn là sợ gặp cấp trên của mình!"
Vì sao? Vì một số phóng viên và cơ quan báo chí không cân bằng, không công bằng thông tin, chỉ nhăm nhăm vào mặt trái, nhìn vào sai sót, chưa hoàn thiện để khoét vào xin tiền, tống tiền, dọa nạt để nhân danh nghề báo để trục lợi cá nhân. Tại sao những cơ quan báo chí khác không bao giờ thấy bị nhắc đến trên phương tiện truyền thông đại chúng hay trên các diễn đàn, mạng xã hội mà nhiều cơ quan báo chí, tạp chí từng dính líu liên tục có phóng viên cứ bị nhắc đến vì bị bắt, tống tiền?
Cho đến khi, doanh nghiệp không thể chịu đựng được, bắt buộc họ phải nhờ cơ quan chức năng vào cuộc. Và nhiều vụ nhà báo tống tiền doanh nghiệp đã được cơ quan công an bắt quả tang, sau đó tòa án đưa ra xét xử công khai, nghiêm minh.
Nhưng nếu nuông chiều, bao che những đứa con hư hỏng, dùng cả những đồng tiền bản mà chúng kiếm được thì những đứa con đó càng hư, gia đình đang yên ổn bỗng xô lệch, đổ ngã các giá trị.
Trước hiện trạng này, đòi hỏi lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí và cơ quan chủ quản càng phải gương mẫu, trách nhiệm, nghiêm túc, quyết liệt . Cơ quan báo chí nào có bộ quy chế tốt, anh em được chăm lo bồi dưỡng về tư tưởng, chính trị, kiến thức xã hội, cách ứng xử tốt đẹp… thì cơ quan đó sẽ phát triển tốt, có uy tín.
"Cũng như Tiến sỹ Nguyễn Tri Thức ở Tạp chí Cộng sản, ông Ngô Huy Toàn (Trưởng phòng Thanh tra Báo chí và Thông tin trên mạng -Thanh tra Bộ TT&TT) cũng chia sẻ rằng, qua thực tế thanh tra, kiểm tra, thực trạng phóng viên, nhà báo 'đếm tầng' thường rơi vào một số cơ quan báo chí nhất định. Nhóm này bao gồm một số tạp chí điện tử của các hội. Ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Đài TNVN |
Hà Duy - An Phương - Mạnh Hưng - Lê Nam