Thứ trưởng Nội vụ ghi nhận, dù mới thành lập nhưng Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam tập hợp được các tinh hoa, chuyên gia hàng đầu về hành chính, công vụ nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan nhà nước nhiều nội dung về hành chính công vụ.
Ngày 4/4, Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam (VASA) tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng, triển khai các nhiệm vụ tư vấn, phản biện, nghiên cứu khoa học phục vụ quản lý nhà nước trong năm 2024 và kiện toàn bộ máy tổ chức.
Năm 2023, Ban Thường vụ Hiệp hội đã tham gia xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); chủ trì cùng các sở, ngành của TP.HCM xây dựng đề án nghiên cứu các chính sách đột phá để phát triển thành phố này. Đây là tiền đề và căn cứ để thành phố cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Ban Thường vụ Hiệp hội đã nghiên cứu, xây dựng 2 đề án quan trọng để Bộ trưởng Nội vụ xem xét, trình Chính phủ và Thủ tướng gồm: Đề án Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 (đã ban hành); đề án liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh (Bộ trưởng Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng để phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức)...
Thứ trưởng Nội vụ Vũ Chiến Thắng ghi nhận, hoạt động của hiệp hội có ý nghĩa thiết thực trong việc nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan nhà nước về hoạch định chính sách, thực hiện các nội dung liên quan đến hành chính công vụ.
Đặc biệt là những đóng góp của hiệp hội trong các chính sách về tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Các tư vấn của hiệp hội đã được Chính phủ tiếp thu và Thủ tướng đã ban hành quyết định về Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050...
“Dù mới thành lập nhưng hiệp hội liên tục coi trọng việc củng cố tổ chức bộ máy; tập hợp được các tinh hoa, chuyên gia hàng đầu về hành chính, công vụ. Đây là những thành viên có bản lĩnh, kinh nghiệm trong lĩnh vực công chức, công vụ, khoa học hành chính", Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nội vụ đề nghị hiệp hội tiếp tục củng cố, kiện toàn các hội đồng, ban kiểm soát để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; tập hợp, đoàn kết các hội viên, nhất là các nhà quản lý, lãnh đạo, chuyên gia trong lĩnh vực này.
Kỳ vọng hiệp hội càng thu hút nhiều tinh hoa, hiệu quả càng tốt, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng lưu ý, công tác quy tụ và đoàn kết cần có chính sách động viên thỏa đáng.
Ông cũng mong hiệp hội làm tốt công tác tham gia xây dựng thể chế, các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu, tư vấn.
“Việc Hiệp hội Khoa học hành chính ra đời là kỳ vọng của Bộ Nội vụ, của hệ thống chính trị để tham góp vào hệ thống hành chính hiệu lực, hiệu quả, chuyển đổi từ quản lý hành chính nhà nước sang quản trị quốc gia khoa học”, Thứ trưởng Nội vụ nói.
Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam đã công bố thành lập Hội đồng cố vấn và Hội đồng khoa học. Hội đồng cố vấn gồm 10 thành viên, do nguyên Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn làm Chủ tịch. Hội đồng khoa học gồm 11 thành viên, do Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội, nguyên Thứ trưởng Nội vụ làm Chủ tịch.
Thứ trưởng Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Nội vụ cho tập thể Hiệp hội và cá nhân Chủ tịch Hiệp hội Trần Anh Tuấn về việc “đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đối với công tác hội, quỹ năm 2023”.
Đây là tổ chức hội đầu tiên và cá nhân Chủ tịch hội đầu tiên được nhận Bằng khen sau khi bổ sung sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng
Nguyên Thứ trưởng Nội vụ cho rằng cần sửa đổi các quy định về cán bộ, công chức theo hướng không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh, nâng cao vị thế của cán bộ, công chức.
Cán bộ nếu làm đúng pháp luật, không có tư lợi cá nhân thì có gì phải sợ. Chỉ người có sai phạm mà chưa bị “lộ” mới lo sợ, không biết khi nào cơ quan bảo vệ pháp luật hỏi đến.
Tiến sĩ Trần Anh Tuấn cho rằng con số gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc là chuyện hết sức bình thường trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay, "có anh ra thì lại có chị vào".