Cách đây gần 10 năm, nhân kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập ngoại giao giữa hai nước (24/6/1967 - 24/6/2012), tháng 2/2012, Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, với sự đồng thuận của Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam, đã phát động phong trào đỡ đầu lưu học sinh Campuchia ở Việt Nam mang tên “Ươm mầm hữu nghị”.

Như một lẽ tự nhiên

“Tôi là cựu chuyên gia có nhiều năm từng kề vai, sát cánh cùng tuổi trẻ và nhân dân Campuchia, vượt qua bao khó khăn, gian khổ, đầy hy sinh trong công cuộc hồi sinh dân tộc và xây dựng lại đất nước sau thảm họa diệt chủng.

Với lợi thế của mình, với tình cảm sâu sắc sẵn có về tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân Campuchia, tôi và gia đình đã tích cực hưởng ứng phong trào, tự nguyện nhận đỡ đầu lưu học sinh Campuchia như một lẽ tự nhiên ngay từ buổi đầu Trung ương Hội phát động”, ông Phạm Tuyến, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia của Trung ương Đoàn làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, giai đoạn 1983-1988, chia sẻ.

Các sinh viên Campuchia nhận gia đình nuôi 

Sợi dây tình cảm của ông Tuyến với đất nước chùa Tháp được kết nối từ cách đây hơn 40 năm. Thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 01 của Ban Bí thư về công tác chuyên gia giúp cách mạng Campuchia sau ngày giải phóng thoát khỏi chế độ diệt chủng của Pol Pot, tháng 6/1979, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã thành lập đoàn chuyên gia đi làm nhiệm vụ quốc tế, giai đoạn 1979 - 1989.

Đoàn chuyên gia khi đó có 25 người với nhiệm vụ chủ yếu là giúp bạn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; xây dựng phát triển hệ thống các tổ chức thanh, thiếu niên Campuchia ở các cấp. Ngoài ra, đoàn chuyên gia còn tham gia hoạt động cứu đói, hồi hương, ổn định dân cư, khôi phục phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống...

Sau 10 năm duyên nợ với đất nước chùa Tháp, ông Phạm Tuyến về nước mang theo tình cảm gắn bó với Campuchia. Khi phong trào “Ươm mầm hữu nghị” được khởi xướng, liên tục từ tháng 2/2012 tới nay, gia đình ông Phạm Tuyến đã nhận đỡ đầu 9 lưu học sinh Campuchia. Trong hơn 10 năm qua, có 6 bạn đã tốt nghiệp về nước công tác, trong đó có một bạn đi học cao học ở Hàn Quốc. Hiện nay còn 3 bạn đang học năm thứ 3 Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Gia đình ông Tuyến coi những lưu học sinh Campuchia nhận đỡ đầu như con cháu trong gia đình mình. Nhờ vậy, các bạn đã nhanh chóng bớt e ngại, lạ lẫm ban đầu để hòa đồng cùng gia đình một cách tự nhiên, thân thiết và thường đến thăm gia đình ông vào một ngày chủ nhật trong tháng.

Nhớ về kỷ niệm ấn tượng nhất của các lưu học sinh Campuchia gia đình mình đỡ đầu, ông Tuyến kể lại: “Đó là lần gặp gỡ các cháu đúng dịp kỷ niệm sự kiện 40 năm ngày ông Hun Sen cùng 4 đồng đội sang Việt Nam tìm đường cứu nước (21/6/1977 - 21/6/2017). Hôm ấy là ngày 22/6/2017, cả 4 cháu đến đông đủ, tôi tặng mỗi cháu một tờ báo tường thuật đầy đủ cuộc đi thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Sen và đoàn đại biểu cấp cao Vương quốc Campuchia ngày 21/6/2017.

Các cháu hào hứng đọc tin, bài tường thuật về chuyến thăm và xúc động nói: Qua lời khẳng định của Thủ tướng Hun Sen là nhờ có sự giúp đỡ vô điều kiện của Chính phủ và nhân dân Việt Nam mà con đường và sự nghiệp cứu nước của ông và đồng đội mới thành công. Chúng cháu tin là tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia sẽ mãi mãi phát triển bền vững”.

Ông Tuyến cũng từng nhiều lần trực tiếp đến thăm các lưu học sinh mình đỡ đầu ở ký túc xá để biết rõ nơi ăn, ở và tình hình học tập, kể cả lúc ốm đau; động viên, hỗ trợ các bạn cả về tinh thần và vật chất tốt nhất theo khả năng của mình cùng sự hỗ trợ của Trung ương Hội. Cứ mỗi đợt có sinh viên tốt nghiệp sắp về nước, ông đều tổ chức cho các bạn về thăm quê hương mình ở Phú Thọ, thăm di tích lịch sử Đền Hùng; có quà tặng các bạn và gia đình, để lại dấu ấn tình cảm gia đình thân thiết.

Quyết sách táo bạo giúp vị bộ trưởng 'lột xác' giáo dục CampuchiaQuyết sách táo bạo giúp vị bộ trưởng 'lột xác' giáo dục CampuchiaXem ngay

Trong số các lưu học sinh được gia đình ông Tuyến đỡ đầu có Pu Thia quê ở tỉnh Soài Riêng, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, Pu Thia đã lấy vợ người Việt Nam là cô Lê Thị Nhàn, kỹ sư nông nghiệp, quê ở Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ. Ông Tuyến đã nhiệt tình thể hiện rõ vai trò trách nhiệm cùng gia đình hai bên và chính quyền địa phương tổ chức chu đáo lễ thành hôn. Cách đây không lâu, ông Tuyến nhận được tin vợ chồng hai bạn đã có cháu gái thứ hai.

Trải qua hơn 10 năm thực hiện đỡ đầu cho các lưu học sinh Campuchia, ông Tuyến nhận thấy, được về với các gia đình đỡ đầu, các lưu học sinh tỏ rõ niềm vui mừng là đã có một địa chỉ gia đình ở Việt Nam. “Chính các cháu là 'cây cầu hữu nghị' nối tình cảm đoàn kết hữu nghị giữa gia đình tôi và gia đình bố, mẹ các cháu ở Campuchia, cũng là cơ sở, là tiền đề góp phần xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia”, ông Tuyến nói.

Cũng là một trong những người tích cực hưởng ứng phong trào “Ươm mầm hữu nghị” và có tới 7 người con đỡ đầu, ông Vũ Vương Việt, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cho rằng, việc nhận đỡ đầu lưu học sinh không chỉ giúp các em vơi đi nỗi nhớ nhà để tập trung học tập, nghiên cứu mà còn mang ý nghĩa sâu xa hơn. Các em sẽ luôn ghi nhớ về một đất nước Việt Nam với những người đỡ đầu đã dành tình cảm cho mình như những người thân trong gia đình - thứ tình cảm xuất phát từ tình hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc được nuôi dưỡng từ thời cha ông, từ xương máu của biết bao người dân hai nước.

Cầu nối hữu nghị

Là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân, Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia luôn ý thức được vai trò và sứ mệnh của mình trong việc góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa nhân dân hai nước. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động hướng tới đối tượng lưu học sinh Campuchia đang học tập tại Việt Nam bởi đây là lực lượng quan trọng sẽ tiếp nối vun đắp và phát huy mối quan hệ giữa nhân dân hai nước trong tương lai.

Vợ chồng ông Vũ Vương Việt tặng quà cho lưu học sinh Campuchia được gia đình đỡ đầu trước khi các em về nước

Việc phong trào “Ươm mầm hữu nghị” được khởi xướng nhằm giúp đỡ các lưu học sinh Campuchia có hoàn cảnh khó khăn, động viên các em học tập trong bối cảnh xa nhà. Đồng thời, tạo cơ hội cho các em thực tập tiếng Việt, có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu đời sống, con người và văn hóa Việt Nam, qua đó góp phần vun đắp và tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Như cố Chủ tịch Hội Vũ Mão, người đã xây viên gạch đầu tiên cho phong trào này từng chia sẻ: “Quãng thời gian các cháu học ở Việt Nam là một thời gian rất quan trọng. Những lúc các cháu nhớ nhà và thiếu thốn vật chất thì những cha mẹ đỡ đầu người Việt Nam - là những người từng có thời gian chiến đấu ở Campuchia, hiểu Campuchia - nhận các cháu làm con nuôi, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với các cháu. Hay hàng tuần và các ngày lễ tết mời các cháu đến thăm nhà, chuyện trò, dẫn các cháu đi thăm những địa điểm đẹp của Việt Nam để các cháu hiểu Việt Nam hơn.

Chúng tôi tin rằng, các bạn sinh viên Campuchia coi Việt Nam như quê hương thứ hai, gắn bó, thân thiết. Họ chính là lực lượng cần thiết để tăng cường tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia”.

Với ý nghĩa nhân văn đó, từ đợt đầu tiên với 14 gia đình Việt Nam nhận đỡ đầu 49 em sinh viên Campuchia, đến nay, đã có gần 500 lưu học sinh Campuchia được các gia đình Việt Nam ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nhận đỡ đầu. Ngoài ra, một số đơn vị Hội, nhà chùa, doanh nghiệp nhận đỡ đầu tập thể, tặng quà, tặng học bổng thăm hỏi các em nhân các ngày lễ tết. Các em sau khi về nước đa số đều giữ mối liên hệ tốt với các gia đình nhận đỡ đầu; thường xuyên thông báo những việc quan trọng trong cuộc sống và công việc, hỏi thăm tình hình của gia đình Việt Nam. Nhiều em mời gia đình đỡ đầu sang thăm Campuchia.

Ngay từ khi triển khai thực hiện, phong trào “Ươm mầm hữu nghị” đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm ủng hộ. Lãnh đạo hai nước đánh giá cao hoạt động ý nghĩa này. Quốc vương Campuchia Sihamoni rất hoan nghênh sáng kiến này của Hội, coi đây là nhịp cầu hữu nghị lâu dài từ thế hệ này qua thế hệ khác giữa hai dân tộc.

Tại Việt Nam, nhân kỷ niệm 50 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967-24/6/2019), Ban Bí thư dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành một buổi để nghe lãnh đạo Trung ương Hội báo cáo dự thảo đề án “Ươm mầm hữu nghị” giai đoạn 2017- 2021. Ban Bí thư hoan nghênh và đồng ý về chủ trương mở rộng việc đỡ đầu, giúp đỡ lưu học sinh Campuchia và cả lưu học sinh Lào bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Phong trào “Ươm mầm hữu nghị” thực sự là một hoạt động có ý nghĩa, mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc; góp phần tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với từng người dân, từng gia đình hai nước, từ đó tạo mối gắn kết giữa nhân dân hai nước, góp phần vào việc tăng cường mối quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" giữa Việt Nam và Campuchia.

Phương Chi