Chỉ vì đồng tiền
Một hệ thống thay mặt nhà nước làm một công việc hết sức quan trọng là bảo đảm xe cộ đi lại trên đường phải an toàn, đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật đã định. Ấy thế mà chỉ vì đồng tiền, những người đứng đầu hệ thống này phớt lờ mọi quy định, ngang nhiên làm trái các quy định của pháp luật về kiểm định xe cộ.
Muốn thành lập một trạm đăng kiểm tư nhân ư? Xe vào kiểm định đang có vấn đề về khí thải, về cơi nới trái quy đinh ư? Khỏi lo, cứ nộp tiền cho chúng tôi là mọi cái đều được phép!
Một phương châm hành động hết sức đơn giản sặc mùi tiền nong xóa đi mọi giá trị cốt lõi của hoạt động công vụ là thi hành pháp luật, phục vụ dân và xã hội.
Sơ bộ cho thấy hơn 70.000 xe cộ không đảm bảo các điều kiện kỹ thuật đã được phù phép để vẫn lưu thông bình thường trên các nẻo đường của đất nước. Thử hỏi có nước nào trên thế giới có hệ thống kiểm định hoạt động kiểu như Việt Nam ta?
Bài học cho nhiều nơi
Câu chuyện Cục Quản lý Dược là một ví dụ. Ai chẳng phải có lúc uống thuốc này, thuốc kia khi ốm đau. Thuốc thật, thuốc giả, giá cả ra sao từng người bình thường không thể biết. Mà cũng không cần biết cụ thể bởi nhà nước lập hẳn ra một cơ quan là Cục Quản lý Dược để làm việc quan trọng này. Rất đáng tiếc, những sai phạm dài dài trong hoạt động của Cục Quản lý Dược đã giảm đi niềm tin của người dân vào hoạt động công quyền.
Lùi chút nữa về mặt thời gian để nhìn hậu quả của đại dịch Covid-19 để lại. Đó là vụ Việt Á và chuyến bay giải cứu. Không ai có thể ngờ chỉ một cơn bão Covid mà rung chuyển tận gốc rễ ít nhất là 3 Bộ: Y tế, Khoa học và công nghệ, Ngoại giao.
Một lần nữa đồng tiền, lợi ích cá nhân lại phát huy “tác dụng“ làm mờ mắt biết bao người, làm biết bao quan chức đang từ đỉnh cao quyền lực sa vào vòng lao lý.
Lịch sử luôn công bằng và khách quan. Một trăm năm nữa và mãi mãi sau này, khi nhớ lại những năm 2020, 2021 và 2022 hẳn người đời không thể quên biết bao bác sỹ, y tá, điều dưỡng viên không quản hy sinh trong cuộc chiến cứu người trong đại dịch. Người ta cũng không thể quên những quan chức đã chôn vùi danh tiếng của mình với đại dịch Covid-19 bởi ma lực của đồng tiền.
Điều khiến dư luận ngạc nhiên là việc tiêu cực như tại Cục Đăng kiểm hoăc tại Cục Quản lý Dược không phải mới nảy sinh, mà đã có từ rất lâu, trải qua mấy đời cục trưởng mà không bị phát hiện. Hệ thống thanh tra, kiểm tra nội bộ các ngành có liên quan đều không phát hiện ra có gì khuất tất trong hoạt động của mấy cơ quan này.
Tìm cách khắc phục những khiếm khuyết, những vi phạm pháp luật của các cơ quan công quyền là một quá trình lâu dài, bao gồm khá nhiều biện pháp từ giáo dục, đào tạo, chính sách, kiểm tra, thanh tra, xử lý. Nhưng có một biện pháp cần làm ngay là xem xét lại việc tổ chức các cơ quan kiểu này.
Người đứng đầu Chính phủ mới đây đã nhấn mạnh: Vụ việc đăng kiểm làm cho ngành giao thông mất người, mất uy tín. Do vậy cần rút kinh nghiệm, tổ chức lại hoạt động đăng kiểm để tạo ra cái bình thường thay vì cái bất thường.
Tổ chức lại hoạt động đăng kiểm đặt ra yêu cầu đầu tiên là xem lại chức năng, nhiệm vụ của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Tránh tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi
Theo quy định của pháp luật, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang thực hiện 2 chức năng chủ yếu:
Một là Cục quản lý nhà nước về đăng kiểm đối với phương tiện giao thông, có nghĩa là Cục chủ trì việc hoạch định thể chế, chính sách trong lĩnh vực đăng kiểm, trong đó có việc công bố tiêu chuẩn đơn vị đăng kiểm; tổ chức đánh giá chứng nhận điều kiện hoạt động của các đơn vị đăng kiểm. Nói cách khác, Cục có chức năng ở mảng hoạch định thể chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.
Hai là Cục tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện, thiết bị giao thông và các phương tiện khác.
Trong thực tế 2 chức năng cơ bản này đang tạo ra những “thuận lợi‘’ cho việc sinh ra những tiêu cực, khiếm khuyết trong hoạt động của Cục Đăng kiểm Việt Nam bởi ở đây không có sự phân biệt rạch ròi giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng thực hiện các quy định đã được cơ quan quản lý nhà nước ban hành.
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa xây dựng thể chế chính sách trình các cơ quan nhà nước cấp trên hoặc tự mình ban hành, rồi sau đó tự mình thực hiện công tác kiểm định xe cộ, tự mình công bố tiêu chuẩn đơn vị đăng kiểm rồi chứng nhận điều kiện hoạt động của đơn vị đăng kiểm. Nói ngắn gọn, Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa đá bóng vừa thổi còi và nếu nhìn rộng ra cả hệ thống hành chính nhà nước thì đa phần các cục, tổng cục thuộc các bộ đang hoạt động theo kiểu này.
Muốn hoạt động đăng kiểm tốt, phòng và chống tiêu cực triệt để thì điều kiện tiên quyết là tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Bộ phận hoạch định thể chế, chính sách, tức bộ phận quản lý nhà nước nếu công việc vừa phải là một phòng, nếu nhiều việc là một vụ thuộc cơ cấu giúp Bộ trưởng Giao thông Vận tải quản lý nhà nước về công tác đăng kiểm.
Các đơn vị đăng kiểm công lập nếu nhà nước còn thấy cần thiết phải có sẽ không thuộc sự quản lý trực tiếp của vụ này, mà sẽ được tổ chức thành một đầu mối trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Các đơn vị đăng kiểm tư nhân sau khi được cơ quan nhà nước là Vụ này hoặc Sở Giao thông Vận tải các tỉnh công nhận đủ điều kiện hoạt động sẽ triển khai công việc đăng kiểm và chịu sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước.
Chừng nào còn nhập nhằng chức năng như hiện nay thì chừng đó các khiếm khuyết của hệ thống đăng kiểm nước ta còn chưa được giải quyết triệt để.