Lạng Sơn đang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách. Trong những năm gần đây, du lịch gắn với các làng nghề, các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đang trở thành hướng phát triển du lịch mới của tỉnh Lạng Sơn. Sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông nghiệp, gây dựng được thương hiệu cho du lịch nông nghiệp.
Vườn quýt cổ Hang Hú hút khách du lịch
Một trong những điểm đến hấp dẫn của Lạng Sơn là vườn quýt cổ Hang Hú. Vườn quýt Hang Hú thuộc huyện Bắc Sơn từ lâu đã là địa điểm thu hút khách thập phương gần xa. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc nên thơ mà còn hấp dẫn bởi loại quýt vàng ươm, căng mọng. Mùa quýt tại đây thường kéo dài từ cuối tháng 11 tới tháng 1 năm sau.
Quýt ở đây có vỏ mỏng hơn, ít xơ, đậm thơm do được kết tinh của nắng, núi đồi và gió.
Để đến được vườn quýt, du khách men theo lối mòn là những phiến đá xếp chênh vênh như những nấc thang lên thiên đường bên vách núi với độ cao chừng 5-7m, rồi len lỏi qua các vách đá, bậc đá từ một lối đi nhỏ được bao phủ bởi thảm thực vật tím (những đám thài lài tía), dây leo, cây rừng khá nguyên sơ. Sau khi vượt qua các vách đá, một không gian rực rỡ hiện lên.
Ở Hang Hú, nơi có những cây quýt cổ trên 30 năm tuổi có một không gian khác lạ, trong veo với bầu không khí trong lành như thể lạc vào một khu vườn cổ tích. Những cây quýt sừng sững, những quả quýt chín vàng ươm xen trong kẽ lá, lấp ló dưới tia nắng mặt trời, trĩu xuống như muốn lìa khỏi cành.
Hiện nay, Hang Hú đã trồng khoảng 600 cây quýt. Những hộ gia đình đang duy trì việc sản xuất nông nghiệp song hành với đón tiếp khách tham quan.
Anh Hoàng Quang Phiệt, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn là người đã mạnh dạn kết hợp với du lịch để tăng doanh thu cho gia đình. Hiện mỗi năm thu hút gần 10 nghìn lượt du khách đến tham quan, doanh thu đạt gần 300 triệu đồng.
Theo anh Phiệt, hằng năm, Hang Hú đón khách du lịch đông nhất bắt đầu từ tháng 10 cho đến giáp Tết Nguyên đán, vé tham quan vườn quýt 30 nghìn đồng, nhưng hết mùa quýt giá vào vườn chỉ 10 nghìn đồng, khách đến chủ yếu nghỉ ngơi, tham quan và chụp ảnh. Đối với du khách gọi điện thoại đặt chỗ trước, đều được giảm 50% giá vé. Ngoài ra, đến với Hang Hú, du khách còn được thư giãn, tham quan, trải nghiệm, được ăn quýt miễn phí; đặc biệt các chòi trong vườn quýt vào những ngày bình thường du khách đến tham quan cũng được nghỉ trưa miễn phí.
Vườn na Chi Lăng hấp dẫn du khách
Trên bản đồ du lịch của tỉnh, huyện Chi Lăng nằm ở không gian du lịch Tây Nam. Huyện Chi Lăng hình thành vùng trồng rừng, chuyên canh tập trung cây ăn quả (vùng na Hữu Lũng - Chi Lăng)… gắn với phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn.
Các sản phẩm nông nghiệp được các doanh nghiệp quảng bá rộng rãi như na Chi Lăng, hồng Bảo Lâm...
Na Chi Lăng được trồng chủ yếu trên vách núi đá cao chót vót nên người dân đã chế tạo ra những chiếc ròng rọc để thu hoạch na từ trên đỉnh núi xuống. Chiếc ròng rọc này chạy từ trên cao xuống chân núi. Dây cáp để chuyển na xuống núi là 2 đoạn dây chắc chắn song song móc vào vành chiếc xe đạp. Cứ 2 sọt na được đu xuống thì 2 sọt rỗng lại được ròng rọc đưa lên. Cách hái na nhanh chóng và đặc biệt tạo nên thương hiệu Na Lạng Sơn nổi tiếng cả nước.
Để duy trì diện tích trồng và tăng thêm năng suất, sản lượng na đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, UBND huyện đã quyết định phối hợp với Sở KH&CN Lạng Sơn, Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương để triển khai thêm nhiều đề tài nghiên cứu giúp phát triển, phòng trừ sâu bệnh cho na, chế biến và bảo quản sau thu hoạch.
Đặc biệt, na Chi Lăng lọt vào top 50 trái cây đặc sản Việt Nam, được vinh danh Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017. Na Chi Lăng đã có mã số vùng ngăn ngừa giả mạo thương hiệu trên 40 ha của 20 hộ trồng na tại thôn Lũng Than (thị trấn Đồng Mỏ) và thôn Giáp Thượng 2 (xã Y Tịch).
Việc chuẩn hóa dữ liệu cấp mã số vùng trồng na góp phần ngăn ngừa giả mạo mã số vùng trồng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Qua đó, cung cấp sản phẩm có chất lượng an toàn và bền vững, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và thế giới, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm Na Chi Lăng.
Thu Huế