Nông nghiệp tái sinh
Ông Hoàng Văn Son, nông dân trồng cafe ở xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin (Đăk Lăk) cho hay, khi chuyển sang làm “nông nghiệp tái sinh” hiệu quả đem lại rất lớn.
Ông kể: "Trước đây, canh tác cà phê theo phương pháp truyền thống, chúng tôi phải sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ. Riêng thuốc diệt cỏ rất độc hại, để phun thuốc phải đầu tư máy phun và bộ đồ bảo hộ rất tốn kém. Phun thuốc rồi về lại lo không biết mình có bị ngấm độc không. Chưa kể, thuốc diệt cỏ ngấm vào đất, tác động tới cây trồng về lâu dài. Khi chuyển sang làm ''nông nghiệp tái sinh'', chúng tôi không sử dụng thuốc diệt cỏ nữa mà cắt cỏ. Những cành cây, lá cây khô trước đây thường gom lại mang về đốt bỏ thì nay được rải ngay tại vườn, để ngăn cỏ mọc, khi mục nát sẽ tạo ra chất mùn giúp đất tươi tốt"".
Cùng với việc sử dụng cây giống chất lượng cao, có khả năng chống chịu tốt nên giảm đáng kể lượng nước tưới và phân bón hóa học. Chi phí đầu vào giảm nhưng năng suất lại tăng. Trước kia canh tác theo phương pháp truyền thống, mỗi gốc cà phê ông chỉ thu được khoảng 2kg hạt một mùa thì nay tăng lên từ 3-4kg, kết hợp với xen canh hồ tiêu, bơ,... nên thu nhập lên tới 190 triệu/ha sau khi trừ hết chi phí, thay vì trước kia chỉ khoảng 100 triệu đồng.
Ông Khuất Quang Hưng, đại diện Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, cho biết, “nông nghiệp tái sinh” không chỉ giúp người nông dân tại Tây Nguyên giảm chi phí tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận mà còn đem lại những giá trị lớn hơn. Đó là giảm sử dụng hóa chất, giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn và khôi phục đất nông nghiệp cùng hệ sinh thái, mang lại lợi ích lớn cho môi trường và xã hội.
Từ cuối năm 2019, Tập đoàn Nestlé đã công bố cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 cùng với lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu này. Kiểm đếm phát thải carbon (CO2) trong toàn bộ chuỗi cung ứng cho thấy, gần 2/3 lượng khí thải nhà kính đến từ nông nghiệp. Vì vậy, giải quyết lượng khí thải này là một trong những lĩnh vực trọng tâm chính của tập đoàn để đạt được cam kết Net Zero.
Mô hình “nông nghiệp tái sinh” xác định rõ ba nguồn lực chính là đất, nước và đa dạng sinh học. Đây chính là trọng tâm của các nỗ lực khôi phục toàn diện. Các hành động ưu tiên là sử dụng hệ thống sản xuất đa dạng hơn, tích hợp chăn nuôi và hoạt động dựa trên tình hình thực tế, được hỗ trợ bởi các nguyên tắc nông học có cơ sở khoa học. Người nông dân là trung tâm của mô hình này. Nông dân là những người quản lý các nguồn lực và đưa ra quyết định về các hoạt động phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của chính mình.
Đến nay, tại Tây Nguyên có 21.000 hộ nông dân với hơn 60.000 ha cafe đang canh tác theo mô hình “nông nghiệp tái sinh”. Sáng kiến này góp phần giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, hỗ trợ cộng đồng và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Giảm mạnh phát thải nông nghiệp
Theo TS. Trần Đại Nghĩa, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tháng 12/2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm 30% phát thải khí methane (CH4) toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010...
Việt Nam là nước nông nghiệp, trong khi nông nghiệp là nguồn gây phát thải rất lớn. Phát thải nông nghiệp tập trung ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, quản lý đất, sử dụng phân bón, quản lý đất... Phát thải nông nghiệp bao gồm khí CO2, khí CH4,... Riêng khí CO2, theo thống kê, mỗi năm, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn, chiếm trên 30% tổng lượng khí CO2 toàn quốc. Trong đó, gần 70% phát thải CO2 đến từ các hoạt động trồng trọt.
Với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% phát thải methane toàn cầu vào năm 2030, cần một nguồn lực rất lớn. Do đó, để thực hiện kế hoạch này, cần huy động mọi thành phần kinh tế tham gia, nhất là khối tư nhân.
Thực hiện giảm phát thải khí nhà kính cần gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái, CO2 thấp, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh,... Việc hàng chục nghìn hộ nông dân ở Tây Nguyên chuyển sang mô hình “nông nghiệp tái sinh”, với hiệu quả rõ ràng, đã cho thấy hướng giải quyết vấn đề, để hiện thực hóa các cam kết.
Theo đánh giá của Cơ quan môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP) năm 2021, sự nóng lên toàn cầu vào cuối thế kỷ này được được dự báo là 2,7°C. Nếu các cam kết đưa phát thải ròng về 0 được thực hiện đầy đủ, thì ước tính nhiệt độ toàn cầu vẫn tăng khoảng 2,2° C. Môi trường sống ngày càng khắc nghiệt. Vì vậy, việc thực hiện giảm phát thải là hết sức cấp bách.
Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững, thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sẽ thúc đẩy để phổ biến mô hình này mở rộng sang các lĩnh vực nông nghiệp khác. Kết hợp với các sáng kiến khác về phát triển bền vững, sẽ giúp mang đến một nền nông nghiệp xanh, góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa các cam kết tại COP 26.