Tuổi 72, tôi vẫn sợ bị khán giả “ném đá”!

- Ra mắt hồi ký ở tuổi 72, điều bà mong muốn là gì?

Bỏ công sức từ mấy năm trời để làm, tôi mong mỏi hồi ký này sẽ đến được với nhiều khán giả. Ngoài lưu dấu kỷ niệm, đây còn là món quà tinh thần tôi để lại cho gia đình, con cháu, để sau này chúng nhìn vào và tự hào vì có một người bà, người mẹ như mình.

Ban đầu, tôi dự định sẽ viết bằng sách như nhiều đồng nghiệp. Mà muốn như vậy tôi phải nhờ nhà văn viết hộ vì vốn từ tôi đâu có nhiều. Nhưng khi người ta viết, tôi đọc thấy văn chương quá - trong khi bản thân tôi lại mộc mạc, bình dân nên đâm ra không phù hợp. Vì vậy, tôi quyết định làm hồi ký quay bằng video theo gợi ý của Dương Đình Trí.

Chủ đề “Một kiếp cầm ca - Sinh ra để hát” được tôi và con trai đặt dựa trên cuộc đời của mình. Từ năm 12 tuổi, tôi đã hát, cho đến bây giờ là 60 năm. Suốt ngần ấy thời gian, sự nghiệp của tôi cứ trải dài liên tục. Chỉ trừ những lúc nghỉ sinh con, còn lại thời gian của Lệ Thuỷ nếu không đứng trên sân khấu thì là tập tuồng, hóa trang,...

{keywords}
NSND Lệ Thủy tâm sự bà ấp ủ mười mấy năm cho hồi ký về đời mình. Dự án gồm 32 tập phim, ghi lại hành trình của Lệ Thủy từ thời thơ ấu cơ cực đến khi trở thành danh ca được nhiều người yêu mến.

 

- Làm hồi ký, ngoài kể về cuộc đời thì còn có những câu chuyện hậu trường, góc khuất mang tính riêng tư. Không ít nghệ sĩ từng gây tranh cãi, bị chỉ trích vì “nói thật”. Bà có lo sợ những điều này? 

Khi quyết định bắt tay làm hồi ký, câu đầu tiên tôi nói với con trai và ê-kíp là: “Chuyện về cuộc đời mẹ thì mọi người hãy để nó trung thực nhất có thể, không thêm bớt”.

Vì vậy, những điều vui vẻ, đẹp đẽ nhất hay kể cả những cay đắng, ê chề của đời mình, tôi đều sẽ mang hết lên sản phẩm lần này.

Tôi nghĩ mình chỉ sợ khi kể không đúng, không thật. Còn cuộc đời Lệ Thủy đến từng này tuổi, khán giả có khi còn rõ hơn cả tôi.

Cho nên có thể những thông tin hậu trường, những điều khuất tất khi mang lên dẫu có thể khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí phản ứng thì tôi cũng xin mọi người theo dõi với tâm thế nhẹ nhàng. 

Tuổi 72 rồi, thú thật tôi cũng sợ mình bị mang ra “ném đá” lắm! (Cười).

- Mấy năm qua bà chủ yếu đi hát show tỉnh, hội chợ. Vì sao một tên tuổi gạo cội, danh tiếng như Lệ Thuỷ lại không hát ở thành phố thay vì phải lặn lội về tận vùng sâu vùng xa?

60 năm ca hát - cuộc đời tôi rong ruổi đi hát nhiều nơi, những sân khấu hoành tráng nhất, lớn nhất hay những nơi ộp ẹp, 4 tấm ván đóng lại thành cái bục sân khấu… tôi đều đã đứng hát qua. Giờ ngẫm lại, cả đời tôi đều dành cả cho việc lưu diễn.

Hồi trẻ tôi đi hát vì kiếm tiền, kiếm danh tiếng, còn bây giờ tôi làm nghệ thuật với tâm thế vui chơi, hưởng thụ tuổi già. Ban đêm diễn phục vụ bà con, ban ngày thì cùng mấy đứa nhỏ đi dạo vòng quanh, ra chợ ăn hàng, ngắm cảnh... Hát một vài ngày xong mình về, tính ra nhờ vậy mà tôi lại khỏe. Còn đổi lại nằm nhà một chỗ chắc giờ này tôi trăm thứ bệnh rồi!

Vả lại, tôi mang tiếng là lưu diễn chứ có hát được bao nhiêu. Nhiều khán giả biết tôi lớn tuổi, giọng không còn như xưa nên bảo rằng cứ đứng nói chuyện, tâm sự là được. Có nhiều người khuyên: "Thôi bây giờ lớn rồi đừng ca nhiều, nói chuyện đi cho vui". Tôi nghe mà thương và mang ơn họ quá nhiều.

{keywords}
Lệ Thủy từ chối nhiều lời mời làm giám khảo gameshow vì muốn được đi hát, gần gũi khán giả.


- Các cuộc thi cải lương cũng được dịp nở rộ với loại hình gameshow mấy năm qua. Trong khi nhiều đồng nghiệp, đàn em của bà ngồi ghế nóng chấm thi rầm rộ thì bà từ chối. Nhiều người hẳn sẽ thắc mắc về quyết định này của bà?

Là nghệ sĩ, sinh ra là để được phụng sự, được gần khán giả. Tôi quan niệm khi nào tôi còn đứng được trên sân khấu thì tôi sẽ không ngồi ghế giám khảo.

Vả lại, tôi có chứng bệnh không ngồi lâu được. Một show ghi hình kéo dài mấy tiếng đồng hồ, chẳng lẽ mỗi lần có máy quay đến mình phải vặn người, sửa lưng, như vậy thì kỳ lắm!

Tôi dân miền Tây, trước giờ có sao nói vậy. Khi quan sát người nào diễn, hay tôi khen hay, còn dở tôi sẽ điểm mặt mà chê thẳng. Những điều đó chỉ phù hợp ngoài đời thôi chứ làm sao mà mang lên sóng truyền hình? Mấy chục năm sự nghiệp, tôi không muốn chỉ vì một câu nói thật mất lòng của mình mà kéo theo bao nhiêu tranh cãi.

Hơn nữa, việc ca hát cũng chiếm hết quỹ thời gian của tôi. Mỗi tháng tôi dành trung bình 15 - 20 ngày để đi hát. Khán giả ở thành phố không thấy tôi xuất hiện chứ tôi vẫn hoạt động thường xuyên, đi hát ở các tỉnh, vùng sâu vùng xa.

{keywords}
Nữ nghệ sĩ gạo cội mong muốn Nhà nước quan tâm đến ngành sân khấu cải lương hơn, để bộ môn này được sống lại một lần nữa. 


- Mong muốn lớn nhất của bà với ngành sân khấu cải lương hiện tại là gì?

Tôi không mong gì hơn ngoài việc hy vọng cải lương sẽ sớm được trở về đúng với giá trị của nó. Dịp kỷ niệm 100 năm cải lương, phải nói rằng chúng tôi vừa vui vừa buồn. Vui vì nghề của chúng tôi vẫn còn được tôn trọng, mọi người yêu mến. Nhưng buồn vì những công sức mà thế hệ chúng tôi, Minh Vương, Thanh Tuấn, chị Thanh Nga, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, hay trên nữa có má Phùng Há, chú Cao Văn Lầu... đang dần bị thua thiệt giữa bao nhiêu loại hình giải trí.

Tôi mong rằng nhà nước hãy quan tâm đến cải lương nhiều hơn nữa. Mấy chục năm về trước, cải lương đã từng có tình trạng tưởng như đã “chết” nhưng vẫn sống lại. Tôi mong rằng lần này cũng vậy. Bây giờ các em có phương tiện nhiều, giọng ca hay, diễn cũng hay, cho nên nếu có kịch bản hay thì khán giả chắc chắn sẽ không bao giờ quay lưng. 

Bỏ hết danh tiếng, hào nhoáng bên ngoài khi bước về nhà

- Ở tuổi 73, bà vẫn đi diễn, đi hát đều đặn. Bà giữ gìn sức khỏe của mình ra sao?

Người ta nói đời người sống vỏn vẹn 60 năm là đủ, vậy mà tôi đã bước qua hàng 70. So với nhiều đồng nghiệp trang lứa, tôi thấy mình may mắn vì ít ra mình vẫn còn khỏe. Ngoài căn bệnh gai cột sống, thỉnh thoảng trái gió trở trời bị hành đau nhức, còn lại tim mạch hay mấy căn bệnh người già khác tôi hầu như không mắc phải.

Càng lớn tuổi, sức khỏe càng yếu nên tôi cũng không dám chủ quan. Thời trẻ, tôi có thể đi lưu diễn rong ruổi dài ngày, ăn cơm hàng cháo chợ mà không biết mệt. Bây giờ, đi bất cứ đâu cũng cần có 2 - 3 người tháp tùng, trong túi lúc nào cũng phải đủ loại thuốc mới yên tâm ra khỏi nhà.

{keywords}
Nữ nghệ sĩ gạo cội luôn được chồng và các con ủng hộ hết mình trong sự nghiệp. 


- Càng lớn tuổi, nhiều nghệ sĩ mong muốn níu kéo tuổi xuân nhờ thẩm mỹ, dao kéo. Với Lệ Thủy thì sao?

Người ta nói nghệ sĩ vẹn toàn cả thanh và sắc mới gọi là nghệ sĩ giỏi. Làm thẩm mỹ cũng đau lắm, tính tôi nhát gan nhưng vì nghề nghiệp, vì khán giả nên cũng cố gắng để có vẻ ngoài trông được một tý. 

Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa tôi lạm dụng. Từ 10 năm nay, do tôi gặp vấn đề về tim mạch nên bác sĩ không cho tôi đụng chạm dao kéo. Thay vào đó, tôi chú trọng ăn uống, ngủ nghỉ khoa học. Ngoài ra, tôi sử dụng các loại phấn son tốt, hay đều đặn mỗi tuần đi spa để chăm sóc da mặt. Quan trọng là giữ cho mình tinh thần lạc quan, vui khỏe.

- Nghệ sĩ Lệ Thủy ngoài sự nghiệp đáng ngưỡng mộ còn có cuộc đời riêng êm đềm, không tai tiếng. Điều gì giúp bà giữ được điều này?

Với tôi, khi đã xác định lập gia đình thì mình cũng như bao người phụ nữ khác. Tôi chưa bao giờ đặt tâm thế mình là một người nghệ sĩ khi làm vợ, làm mẹ. Ở ngoài, có thể Lệ Thủy nổi tiếng đình đám, nhưng khi đã bước vào thềm nhà thì tôi bỏ hết những điều đó sau gót chân.

Tôi nghĩ vợ chồng trong một cuộc hôn nhân như một tổ chim. Trong đó, người vợ phải biết vun vén, có trách nhiệm chăm lo gia đình thì cái tổ ấm ấy mới được lâu dài. Điều quan trọng nhất, theo tôi, người vợ nên đặt vị trí của mình thấp hơn chồng một chút. 

{keywords}
NSND Lệ Thủy cho biết, khi về nhà, bà chỉ xem mình là một người vợ, người mẹ bình thường, bỏ hết những danh tiếng, hào nhoáng bên ngoài cánh cửa.


- Cuộc sống, sự nghiệp đều đề huề, còn điều gì khiến bà trăn trở?

Ông bà ngày xưa chỉ sống 50 chục là thọ. Rồi 60 tuổi, 70 tuổi, bây giờ tôi bước qua hàng đó rồi thì quả thật đã đủ. Nhìn những đồng nghiệp của mình lần lượt ra đi, tôi tự nhủ ai rồi cũng phải bước theo con đường đó.

Cái may mắn của tôi là còn có gia đình, có chồng con bên cạnh an ủi, lo lắng. Vậy nên nếu so ở vị trí mình, tôi tạm dùng từ “viên mãn” để hình dung. Dĩ nhiên, con người ai cũng có những phút giây tiếc nuối hay hạnh phúc. Đối với tôi hiện tại, điều quan trọng nhất vẫn là gia đình, thứ hai là sức khỏe.

Nhìn lại đời mình, tôi thấy vinh hạnh vì từ khi sinh ra, lớn lên và già đi như hiện tại đều được sống trong tình thương của khán giả. Tôi trân trọng những tình cảm đó nên dù xa xôi, cực khổ thế nào cũng ráng lặn lội đi để gặp gỡ khán giả của mình, hát cho họ nghe.

Tuấn Chiêu

NSND Lệ Thuỷ vui mừng vì con lên chức ông chủ

NSND Lệ Thuỷ vui mừng vì con lên chức ông chủ

NSND Lệ Thuỷ vui mừng khi con trai Dương Đình Trí lấn sân sang lĩnh vực làm đẹp và lên chức ông chủ.