"To" gấp 1.000 lần khi mới vào nghề
- Anh nhớ gì những ngày đầu chập chững vào nghề?
Tính đến hiện tại, tôi có hơn 30 năm hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Tôi tự hào vì đã đi đúng đường. Tôi tiến bộ hơn mỗi ngày nhờ được gặp, học và chắt lọc những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Việt Hoàn hôm nay và lúc mới bước vào con đường ca hát khác hoàn toàn về cách sống, tư duy trong âm nhạc. Tôi bây giờ “to” gấp 1.000 lần ngày ấy (cười).
- Việt Hoàn của hiện tại là phiên bản tốt nhất khi đứng trên sân khấu?
Chưa đâu! Tôi tự tin giá trị ngày càng tăng lên nhưng vẫn đang phấn đấu tới một phiên bản tốt nhất.
Tôi muốn mọi người nhớ về mình ở những điều tốt nhất, đẹp nhất nên có thể khi 60 tuổi, tôi sẽ không hát nữa. Lúc đó, tôi hát miễn phí hoặc phải được đánh giá đúng giá trị thì mới hát. Tôi nên dừng đúng lúc, tìm điểm “hạ cánh” để khán giả nhớ về mình.
- Sự cố nào vui khi đi diễn khiến anh nhớ mãi?
Năm 1986, tôi ra Hải Phòng làm ca sĩ với hành trang là 2 bộ quần áo. Lúc đó, chị gái chuẩn bị cho tôi một bộ quần áo cũ bị dính hóa chất nên rách ở mông. Tôi nhớ mãi hình ảnh tự tay ngồi vá quần để lên sân khấu. Lúc đó, vũ đạo là trào lưu nhưng tôi chỉ đứng hát, không dám quay về phía khán giả.
Hồi đó, chúng tôi chỉ có máy ghi nhạc sẵn mang theo biểu diễn, không có tiền thuê ban nhạc. Những đĩa đó dùng lâu sẽ bị xước và vấp. Một lần đang hát thì đĩa nhạc dừng lại, tôi phải hát chay nửa bài. Sau đó, khán giả vỗ tay khiến tôi xúc động. Đó là sự yêu thương và động lực lớn khán giả dành cho tôi.
- Vậy còn sự cố với người hâm mộ?
Nhiều người nghe tôi hát hay xem ảnh trên mạng xã hội đều yêu và ngưỡng mộ. Nhưng khi nhìn tôi ngoài đời, họ thất vọng nên tôi... thất tình nhiều lắm. Con người hay thích sự hào nhoáng còn tôi lại đen nhẻm, gầy gò.
Không bỏ hát về làm nông dân
- Anh xây dựng hình ảnh mộc mạc trên sân khấu, còn ngoài đời thì sao?
Nhiều người gọi tôi là bác nông dân chân chất. Tôi thấy đúng và thích cuộc sống hiện tại.
Tôi xác định, người nghệ sĩ phải tạo ra xu hướng, truyền cảm hứng. Hiện tại, tôi sống an nhàn, giải phóng tâm hồn nhiều hơn. Chị Thanh Lam, ca sĩ Tùng Dương hay những người bạn khác đều thấy tôi chọn lựa đúng. Nhắc tới Việt Hoàn, người ta nghĩ tới rau sạch, đồ ăn, đồ uống sạch, khiến tôi thấy mình sống đúng với tư cách nghệ sĩ.
Dù có bốc đồng, thăng hoa thế nào, người nghệ sĩ vẫn phải theo quy luật chung là không vi phạm đạo đức, pháp luật, sống tích cực, chắt lọc những điều tốt đẹp nhất truyền tải tới mọi người.
- Sau gần 7 năm "bỏ phố" về ngoại ô, tâm hồn anh thay đổi thế nào?
Quá tuyệt vời! Đầu tiên, tôi không phải ở trong đô thị ồn ào, xô bồ, tiết kiệm được xăng, không làm thành phố tắc đường. Tôi biết làm việc, giao dịch online và văn minh hơn. Môi trường sống rộng, thoải mái, gần gũi với thiên nhiên nên tâm hồn tôi bay bổng, làm việc hiệu quả hơn.
Nhiều người nghĩ tôi sẽ phải đi xa để làm việc nhưng không phải. Nếu tiếp xúc và thử sống cuộc sống như vậy, mọi người sẽ cảm thấy vui. Tôi đang hưởng thụ cuộc sống này.
- Giọng hát của anh cũng thăng hoa hơn?
Chắc chắn là như vậy. Tôi có sức khỏe, tâm hồn, năng lượng và tư duy sống tốt. Tôi biết tự rửa xe, tự trồng cây, trồng hoa… Mọi ưu phiền tan biến hết khi tôi sống giữa thiên nhiên.
- Liệu anh có bỏ hát về làm nông dân?
Tôi khẳng định là không. Tôi chỉ tự răn, có hát hay đến đâu thì đến một độ tuổi nào đó vẫn phải dừng, để lại hình ảnh đẹp trong mắt mọi người.
Nhiều nghệ sĩ không sắp xếp được cuộc sống sau này nên bị mọi người thương hại. Tôi không thích điều đó. Tôi muốn dù không hát nữa, vị trí của mình trong lòng mọi người phải đẹp. Nghệ sĩ phải biết trân trọng bản thân, đã là tượng đài để người khác ngưỡng mộ thì phải giữ gìn. Tôi thấy càng ngày tôi càng sống văn minh, chỉn chu hơn.
- Anh còn mong muốn gì khi mọi thứ đang viên mãn?
Tôi đang hạnh phúc lắm rồi nên không mong muốn gì nhiều. Một mình tôi ở một quả đồi, nuôi 4-5 người, vẫn đi hát và làm những điều ý nghĩa.
Tôi ở trên đồi nhưng bận bịu hơn cả ở thành phố. Tuần nào cũng có bạn bè tới thăm và chơi nên tôi không cảm thấy cô đơn.
- Nhiều người không hát nữa sẽ đi dạy, anh thì sao?
Tôi cũng có nhiều lời mời đi dạy nhưng làm thầy khó lắm, phải hy sinh tuyệt đối. Tôi không làm được. Tôi không có gốc sư phạm tốt bởi 29 tuổi mới học thanh nhạc. Tôi cũng không thích đi dạy chỉ vì tiền.
Nếu muốn truyền tải chút kinh nghiệm cho thế hệ trẻ, không nhất thiết phải đi dạy tôi mới làm được. Những người có tài năng hãy tìm đúng người họ cần, để phát triển được điểm mạnh của mình.