Cô Nguyễn Thị Vũ Khuyên, sinh năm 1985, hiện là giảng viên Viện Kinh tế và Quản lý, ĐH Bách khoa Hà Nội. Được nhiều sinh viên biết tới vì phong cách ăn mặc trẻ trung, cá tính, mới đây, cô Khuyên còn bất ngờ “nổi tiếng” với video đi dạy “một tuần không trùng bộ nào”.
Điều này khiến nữ giảng viên bất ngờ pha lẫn thích thú. “Tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là một niềm vui và tạo hứng thú cho bản thân khi đi làm. Có lẽ, sinh viên khi thấy cô giáo trong phong cách tươi mới cũng đỡ nhàm chán hơn”.
Là cựu sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cô Khuyên ra trường năm 2007 – thời điểm ngành ngân hàng đang rất “nóng” và nhu cầu cao về nhân sự. Khi ấy, cô được tuyển dụng vào phòng Khách hàng doanh nghiệp lớn tại một ngân hàng.
Dù công việc thuận lợi và có nhiều cơ hội nhưng sau gần 1 năm, cô Khuyên nhận thấy nếu tiếp tục chạy theo chỉ tiêu và làm việc như một cái máy, tương lai sẽ rất khó phát triển. Vì vậy, cô mong muốn tiếp tục học lên để có thể quay trở lại áp dụng vào công việc hiện tại.
Sau đó, cô quyết định theo học thạc sĩ ngành Tài chính ngân hàng tại Singapore – quốc gia châu Á có thị trường tài chính khá phát triển. Sau 1 năm hoàn thành chương trình học, cô được nhiều ngân hàng mời về làm việc với mức lương hấp dẫn.
Cùng thời điểm ấy, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đang tuyển dụng giảng viên công tác tại Viện Kinh tế và Quản lý. Điều này khiến cô gái trẻ băn khoăn.
“Quả thực, làm việc tại ngân hàng sẽ đem lại mức thu nhập cao hơn so với giảng viên, nhưng thời điểm ấy tôi mong muốn bản thân có thể làm điều gì đó tạo ra giá trị cho người khác. Khi đi dạy, tôi nghĩ đó sẽ là cơ hội để mình được chia sẻ những hiểu biết và cả năng lượng, sự tích cực cho sinh viên”.
Trúng tuyển và bắt đầu công tác tại ĐH Bách khoa Hà Nội từ năm 2010, những ngày đầu đứng trên bục giảng với cô Khuyên là “trải nghiệm không bao giờ quên”.
“Lớp học đầu tiên tôi giảng dạy là một lớp tại chức. Thời điểm ấy, lớp đông tới 70 người, trong đó có nhiều người lớn tuổi. Còn tôi khi ấy rất trẻ, chỉ mới 25 tuổi. Nhưng khi bước vào dạy, tôi tự nhủ mình phải làm và mình sẽ làm được.
Mỗi lần “vượt qua chính mình” như thế, tôi cảm thấy có năng lượng hơn, tích cực hơn, giống như một liều “doping” làm cho công việc và cuộc sống của mình trở nên vui vẻ, thú vị”.
Giờ đây, khi đã có kinh nghiệm 13 năm đứng trên giảng đường, cô Khuyên nói mỗi ngày lên lớp, bản thân vẫn luôn không ngừng “nâng cấp” bài giảng để những chia sẻ của mình sẽ có giá trị đối với người học.
Theo cô, giảng viên hiện nay thay vì giảng dạy theo phương thức truyền thống - tức cô nói, trò chép - người thầy phải biết thiết kế bài giảng và học trò sẽ là người thi công. Điều đó có nghĩa sinh viên cần được mày mò, tìm hiểu, tự làm và thảo luận.
Ví dụ khi dạy những kiến thức liên quan đến thị trường chứng khoán, cô giáo 8X thường yêu cầu lớp chia nhóm, hàng tuần đều phải điểm tin liên quan đến thị trường tài chính trong nước và thế giới, sau đó truyền tải lại cho các bạn trong lớp cùng nghe và cùng nhau thảo luận, làm rõ các vấn đề.
“Trước đây, không nhiều sinh viên quan tâm lắm đến các vấn đề về kinh tế, xã hội liên quan đến ngành học của mình. Vì thế, điều này sẽ giúp các em thấy được những gì mình học đang xảy ra ở thực tế thế nào”, cô Khuyên nói.
Dẫu vậy, nữ giảng viên thừa nhận nhiều sinh viên hiện nay cũng rất giỏi. Có những em thậm chí đã tự trải nghiệm và sáng tạo trong nhiều lĩnh vực, tham gia đầu tư và quản lý tài chính cá nhân rất khoa học.
“Các bạn trẻ giờ đây có nhiều kênh thông tin để tiếp cận và sáng tạo. Do đó khi lên lớp, tôi cũng luôn sẵn sàng tinh thần có thể có những điều mình phải học tập lại sinh viên. Tôi cho rằng giáo viên ngày nay không còn chiếm vị trí độc tôn như trước”.
Một điều đặc biệt trong quá trình đi dạy, cô Khuyên được rất nhiều sinh viên nhớ tới vì phong cách ăn mặc năng động. Từ những năm đầu tiên đi dạy sinh viên chính quy chỉ trạc tuổi mình, các sinh viên đều ấn tượng với cô giáo trẻ vì phong cách cá tính nhưng vẫn chỉn chu, trẻ trung. Thậm chí, nhiều sinh viên khen cô giáo mặc đẹp và hỏi địa chỉ mua.
Cũng vì thích phối đồ và đam mê thời trang, cô giáo 8X còn mở một thương hiệu riêng do cô tự thiết kế.
“Tôi cho rằng giáo viên cũng cần phải tạo được sự thiện cảm, thân thiện để thu hút học trò. Thế hệ học trò ngày nay rất cá tính, tự tin, do đó cách ăn mặc, trang điểm trẻ trung, đôi khi “bắt trend” của giáo viên khi đứng trên bục giảng cũng sẽ khiến các em thấy gần gũi, còn thầy cô cũng thấy tự tin vì mình “đẹp” hơn trong mắt học trò”, cô Khuyên nói.