Gia đình đã đưa Hà đi khám, chữa ở nhiều nơi. Tại bệnh viện, qua khám, xét nghiệm các bác sĩ kết luận không có tổn thương liên quan đến tiêu hóa. Bệnh nhân được chẩn đoán là “động kinh thể tạng”, một hội chứng bệnh lý về não gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi uống thuốc, em có biểu hiện đỡ nhưng sau đó những cơn đau bụng lại xuất hiện.
Gia đình nhận thấy, các cơn đau bụng của con gái thường xuất hiện trước các kỳ thi. Khi bệnh nhân đi viện về và các bạn đã thi xong, em không còn đau bụng hoặc chỉ đau âm ỉ. Năm học cuối cấp, trong khi các bạn bận ôn thi, các cơn đau bụng lại xuất hiện nhiều hơn với Hà. Em luôn kêu mệt mỏi nên thường xuyên xin nghỉ học đi điều trị.
TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Phòng Điều trị Rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, rất nhiều trường hợp trẻ sợ học, ngại học hay quá căng thẳng khi bước vào những kỳ thi sẽ gặp tình trạng này.
"Qua thăm khám, học sinh này bị đau bụng do stress. Không phải trẻ đau bụng giả mà đau bụng thật do stress gây ra. Khi trẻ bị căng thẳng quá mức, không kiểm soát được sẽ có thể gây ra đau bụng, buồn nôn, thậm chí là ngất. Để khắc phục tình trạng này, cần có thời gian dài theo dõi và điều trị", Ths.BS Tâm thông tin.
Căng thẳng, stress cũng khiến một số trẻ có biểu hiện lâm sàng đau bụng, đau đầu. Điển hình là Bình (học sinh lớp 10, Hà Nội). Gia đình chia sẻ, từ ngày vào học lớp 10, em có biểu hiện đau đầu. Vì vậy em đã được đi khám chuyên khoa thần kinh, chụp MRI sọ não nhưng không thấy tổn thương và không phát hiện bệnh.
Khi đến Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, qua thăm khám, bác sĩ thấy em có triệu chứng của trầm cảm. Trước đó, khi học cấp 2, em cố gắng để thi vào trường chuyên, nhưng không đạt nguyện vọng và phải học trường ở khác. Sau khi vào lớp 10, Bình buồn chán nhiều về kết quả của mình nhưng vẫn cố gắng thích nghi. Tuy nhiên mẹ em thỉnh thoảng mắng về việc không thi đỗ, kể lể công lao đưa đi học thêm làm em suy nghĩ nhiều. Nhiều khi em muốn xin đi học thêm nhưng không dám nói vì nghĩ đến sự “kể công” của mẹ… Từ đó Bình xuất hiện buồn chán, mệt mỏi và thường xuất hiện cơn đau đầu, cùng các triệu chứng của trầm cảm.
TS.BS Đỗ Thùy Dung, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cũng dẫn chứng một trường hợp tương tự. Đó là nam sinh tên V.H.P (18 tuổi, Hà Nội) được cha mẹ đưa đến khám trong tình trạng luôn có cảm giác lo lắng, chóng mặt.
Mẹ bệnh nhân cho biết, khi học cấp 1, sức học của P chỉ mức trung bình. Muốn con có môi trường học tập tốt hơn nên gia đình chuyển P. vào học cấp 2 ở trường quốc tế. Tuy nhiên, khi bước vào môi trường mới, tự ti vì gia đình không bằng các bạn, nên P. xa cách, không tham gia hoạt động với bạn bè. Đến lớp 7, P. thường lo lắng, học giảm sút, nên đã được mẹ đưa đi khám tại một bệnh viện với chẩn đoán rối loạn cảm xúc, được tư vấn chuyển môi trường học tập.
Sau khi chuyển về trường công lập, tình hình của P. có cải thiện hơn, nhưng bất cứ khi nào gặp mâu thuẫn hay các kỳ thi P. luôn sợ hãi, lo lắng. Ngay ở kỳ thi vào cấp 3, vì con lo lắng quá mức, gia đình phải đưa đi khám, được truyền dịch và ra viện.
BS Dung cho biết, trước khi chuẩn bị thi tốt nghiệp, 1 tháng nay, em lại xuất hiện dấu hiệu hồi hộp trống ngực, căng thẳng, khó nhớ hay quên khi học, ngủ không sâu giấc.
“Mới đây do bệnh nhân thấy mệt mỏi, khó thở ở lớp, nên giáo viên thông báo cha mẹ đón về đưa đến viện. Tại viện, qua các bài test, xét nghiệm… các bác sĩ chẩn đoán em có hội chứng lo âu”, BS Dung cho hay.
Sau 5 ngày điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai bằng thuốc và trị liệu tâm lý, nam sinh đỡ lo lắng, căng thẳng. Bệnh nhân nhận thức ra vấn đề của mình hiện tại khá ổn định, đang học tập và được theo dõi theo đơn của bệnh viện.
Về vấn đề này, TS.BS Dương Minh Tâm thông tin, stress ảnh hưởng tới tư duy, cảm xúc, hành vi…
Trẻ bị stress thường hay bồn chồn, bốc đồng, giảm tập trung, dễ cáu gắt; thường biểu hiện khó tin tưởng người khác; khó kết nối với bạn bè; khó khăn trong kiểm soát hành vi: ăn vô độ, chán ăn, tự làm đau bản thân…
Với trẻ được xác định có bệnh lý như rối loạn âu lo, sẽ được chỉ định dùng thuốc, điều trị tâm lý trị liệu và các phương tiện hỗ trợ khác cải thiện các triệu chứng, bệnh lý của trẻ.
Tuy nhiên, nhân cách là yếu tố quyết định cần được bồi dưỡng từ nhỏ từ cha mẹ, nhà trường môi trường sống, trải nghiệm của con, giúp trẻ có nhân cách mạnh mẽ vượt qua các áp lực và stress.
"Nhân cách trẻ càng mạnh, stress càng khó thắng, do vậy những người lãng mạn, bay bổng, thiếu ý chí, tự ti… dễ stress. Khi trẻ thuộc tuýp người này, cha mẹ cần xây dựng hỗ trợ nâng cao tinh thần chiến đấu cho trẻ. Vai trò của phụ huynh và gia đình rất quan trọng giúp trẻ tránh stress đặc biệt trong mùa thi", Ths.BS Tâm cho biết.
Ông Tâm cũng nhấn mạnh: “Cần nhận thức stress là phép thử mà mỗi lần vượt qua giúp hoàn thiện và trưởng thành hơn. Tuy nhiên nếu không có kỹ năng đối mặt với stress sẽ khiến trẻ tăng stress".
Về tình huống cần cho trẻ đi khám sức khỏe tâm thần, TS.BS Tâm cho biết: "Cha mẹ luôn là người gần gũi với con, nên chú ý quan sát những thay đổi từ cảm xúc, sức khỏe thể chất ăn, ngủ, sinh hoạt hàng ngày nếu có khác thường so với trước đó. Dù tâm sự, chia sẻ nhưng 1-2 tuần không chuyển biến, cha mẹ nên cho con gặp bác sĩ, nhà tâm lý để được can thiệp kịp thời”.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên tránh không tạo áp lực cho con trẻ trong mùa thi. Dù áp lực không phải lúc nào cũng bất lợi nhưng với trẻ có nhân cách yếu đuối đó lại là nguyên nhân khiến trẻ gia tăng stress.
Tên bệnh nhân đã được thay đổi!
Ngọc Trang