Diệp Thị Hiền, sinh viên năm cuối ngành Điện tử - Viễn thông, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, vừa trở thành một trong 20 sinh viên tiêu biểu nhận giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam 2023. Đây là giải thưởng dành cho những nữ sinh có thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc trong một số lĩnh vực khoa học công nghệ đặc thù.
Cô gái dân tộc Sán Dìu nói bất ngờ khi nhận được giải thưởng này. Dẫu vậy, đây cũng là sự khích lệ, giúp em hiểu rằng “mỗi người sẽ có một thế mạnh ở một lĩnh vực riêng”.
Diệp Thị Hiền sinh ra trong gia đình có bố là người dân tộc Sán Dìu, mẹ là người Hoa. Cả gia đình em sau đó chuyển về Lục Ngạn (Bắc Giang) sinh sống bằng nghề trồng vải thiều.
Nhà vốn đông con, ngoài em trai đang học lớp 7, trên Hiền còn có 3 chị gái. Hoàn cảnh gia đình vất vả đã hun đúc cho các chị em trong nhà tính cách độc lập, bản lĩnh, ít phải phụ thuộc vào ai.
“Chúng em như được lập trình sẵn, ngoài thời gian học sẽ tự giác làm việc nhà, phụ giúp bố mẹ chuyện ruộng vườn. Từ chị gái lớn đến em út không ai đi học thêm ở đâu, cứ người lớn dạy người bé, từ nhỏ đến giờ đều thế”.
Năm cấp 3, Hiền thi đỗ vào Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Lục Ngạn, nhờ đó được miễn hoàn toàn học phí và chi phí ăn ở. Vốn tính cách năng nổ, hoạt bát, nữ sinh được bầu làm Bí thư lớp, sau đó là Phó Bí thư Đoàn trường. Với Hiền, tham gia hoạt động đoàn đội giống như một niềm yêu thích “ngấm vào trong máu”.
Thời điểm thi tốt nghiệp THPT, giữa nhiều lựa chọn, Hiền quyết định theo ngành Kỹ thuật giống như chị gái. Khi còn học tiểu học, cả hai chị em hay theo dõi chương trình Robocon. Sau này vì đam mê, chị gái cũng lựa chọn học ngành Điện tử Viễn thông. Mỗi khi về nhà, được nghe chị kể về ngành, Hiền lại càng dấy lên niềm yêu thích, dẫu nhiều người cũng nói rằng ngành học này khô khan, không hợp với con gái.
Đỗ vào ngành Điện tử Viễn thông của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, đúng như tưởng tượng, lớp của Hiền có 65 người nhưng tới 60 bạn là nam. Nhưng nữ sinh không cảm thấy mình “thiệt thòi” điều gì vì trước đó đã được chị giới thiệu về ngành rất kỹ.
“2 năm đầu, em được học lắp ráp mạch điện tử, phần mềm, thậm chí là lập trình. Em cứ đi từ thích thú này tới bất ngờ khác vì không nghĩ rằng mình sẽ được học sâu và rộng đến thế”, Hiền nhớ lại.
Sang năm thứ 3, khi đã có “vốn” chuyên môn nhất định, Hiền đăng ký vào đội Robocon của khoa. Kể từ tháng 8 năm ngoái, khi ĐH Công nghiệp Hà Nội tổ chức vòng trường để chọn ra đội đi thi vòng miền Bắc, nữ sinh tích cực cùng đội nghiên cứu thiết kế robot.
Nhóm của Hiền lần lượt vượt qua vòng trường, vòng loại miền Bắc và đi đến được vòng chung kết toàn quốc. “Đó là một hành trình rất dài, tốn nhiều thời gian và công sức. Càng đi xa, đối thủ càng “nặng ký”, do đó cả nhóm liên tục phải thay đổi cấu tạo để robot trở nên tối ưu nhất”.
Đề bài năm nay có tên “Khám phá ngôi đền cổ”. Mỗi đội thi có 2 robot kết hợp với nhau để ném các vòng cùng màu vào cột quy định thật nhanh và chính xác nhất. Với luật thi như vậy, robot cần phải được luyện tính năng gắp vòng và ném vòng. Nhiệm vụ của nữ sinh là làm mạch điện tử - bộ máy bên trong giúp robot vận hành.
“Đây là hai cơ cấu khiến cả đội mất nhiều thời gian suy nghĩ nhất. Vì cải tiến liên tục, qua mỗi vòng chúng em lại cho ra một con robot hoàn toàn khác nhau”.
Quá trình chuẩn bị và luyện tập cho robot mất nhiều thời gian, tới nỗi cả nhóm phải “ăn ngủ ở trường”.
“Hôm nào không có lịch học, cả nhóm sẽ lên phòng lab làm mạch từ 7h, thậm chí sớm hơn. Sau khi ăn trưa, cả nhóm tiếp tục làm tới tối muộn, khi trường khóa cửa mới về”.
Tới giai đoạn gần hoàn thiện, cả nhóm tiếp tục di chuyển tới xưởng để chạy thử và tập luyện, thậm chí phải làm xuyên đêm ở xưởng, chỉ dám tranh thủ chợp mắt để kịp tiến độ. Mặc dù luôn trong tình trạng tất bật nhưng theo Hiền, quá trình làm robot cũng khiến nữ sinh cảm thấy “được chạm đúng đam mê”.
Trong quá trình này, Hiền vẫn cố gắng cân đối tham gia các hoạt động đoàn và việc học. Sau 3 năm, điểm tổng kết của Hiền đạt mức Giỏi với 4/6 kỳ giành học bổng.
Dù cảm thấy phải đánh đổi thời gian và điểm “vẫn chưa được như kỳ vọng” nhưng bù lại, Hiền được đào sâu nghiên cứu hơn kiến thức về mạch điện tử, học được tính kiên nhẫn và kỷ luật cao.
“Ví dụ khi làm mạch, em học được cách không được nóng vội, bởi có những linh kiện nhỏ tính bằng mm, nếu không tỉ mỉ, cẩn thận hàn gắn sẽ không tạo ra được bảng mạch hoàn chỉnh”.
Nhờ những sự nỗ lực ấy, tại trận chung kết Robocon Việt Nam 2023, đội tuyển của Hiền đã giành chức vô địch cho Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội sau 15 năm chờ đợi.
Khi đại diện Việt Nam tham dự Robocon Châu Á - Thái Bình Dương, đội tuyển tiếp tục giành đồng giải Ba với đội tuyển Trung Quốc. Ngoài ra, đội tuyển Việt Nam còn được đánh giá cao về thiết kế cơ khí và được trao giải Kỹ thuật xuất sắc.
Tháng 8/2023, sau khi cuộc thi Robocon kết thúc, Hiền thử sức tham gia cuộc thi IoT Challenge. Nhóm của Hiền nghiên cứu về đề tài “Thiết kế hệ thống giám sát sức khỏe bệnh nhân”, trong đó nữ sinh phụ trách chính về phần mạch. Đề tài này sau đó cũng giành giải Nhất chung cuộc.
Càng tham gia các cuộc thi, nữ sinh càng cảm thấy đam mê với lĩnh vực kỹ thuật và mong muốn tiếp tục được đào sâu, mở rộng hiểu biết.
Trong năm tới, Việt Nam sẽ đăng cai cuộc thi Robocon Châu Á - Thái Bình Dương. Chủ đề thi do Việt Nam công bố mang tên “Ngày mùa”, lấy ý tưởng từ việc canh tác lúa trên các thửa ruộng bậc thang. Diệp Thị Hiền cho biết bản thân sẽ tiếp tục nghiên cứu, chế tạo robot và quyết tâm giữ chức vô địch ở cuộc thi năm 2024.
Cũng vào đầu năm học này, Hiền ứng tuyển và giành được học bổng từ Tập đoàn Foxconn. Nhờ đó, nữ sinh có cơ hội thực tập vào năm cuối và được cam kết việc sau khi tốt nghiệp. Nữ sinh cho biết đây là cơ hội thuận lợi giúp bản thân có môi trường phát huy những kiến thức đã học và được phát triển chuyên môn.