Nhìn lại một hành trình dài, nữ sinh sinh năm 2000 chia sẻ: “Kết quả mà mình đạt được không chỉ được xây dựng trong thời gian vài năm đại học mà còn được tích lũy rất nhiều từ những năm tháng phổ thông”.
Tân thủ khoa cảm thấy may mắn khi suốt những năm tháng phổ thông được theo học trong một môi trường top đầu trong thành phố và từ những năm tháng ấy, cô xây dựng được cho mình ý thức tự giác, tự tìm tòi nghiên cứu trong học tập - những hành trang quý giá khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học.
Với Phương Thanh, việc trở thành một sinh viên của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng “như một cơ duyên” khi đã có thời điểm, cô không đủ tự tin để điền nguyện vọng vào trường. Sau khi có kết quả tốt nghiệp THPT và nhận được lời khuyên cũng như động viên của mẹ, cô mới mạnh dạn thay đổi nguyện vọng và đỗ vào ngôi trường mơ ước.
Tích cực tương tác với giảng viên là bí quyết học tập hiệu quả
Cũng giống như hầu hết sinh viên năm nhất, Phương Thanh cũng có khoảng thời gian bị “ngợp” trước những khác biệt của môi trường đại học. Tân thủ khoa chia sẻ: “Việc học ở đại học khác với thời trung học rất nhiều khi không còn được cầm tay chỉ việc, phương pháp giảng dạy cũng khác yêu cầu các sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu bên ngoài rất nhiều”.
Bên cạnh đó, việc phải liên tục thay đổi lớp học trong những ngày đầu theo tín chỉ cũng khiến cho cô cảm thấy khó khăn trong việc kết nối với các bạn học hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, chăm chỉ và ham học hỏi của mình, Phương Thanh nhanh chóng bắt nhịp với môi trường mới, cô bộc bạch: “Ngay từ ban đầu, em đã chuẩn bị sẵn tâm thế vào đại học không phải để “xõa” như nhiều người vẫn nói mà luôn nghiêm túc với bản thân trong việc học trên lớp cũng như tìm tòi đọc thêm, nghiên cứu thêm.
Bí quyết học tập của em là không dồn tất cả kiến thức học vào trước kì thi vì như vậy sẽ rất bị động. Vào đầu kì, em đã xác định bắt đầu học từng chút một nên đến khi ôn thi cuối kì sẽ nhàn hơn rất nhiều, có nhiều thời gian hơn và bản thân cũng thoải mái hơn”
Với môn học đại cương “khó nhằn” như Triết học, cô chọn phương pháp vẽ sơ đồ tư duy, gạch và nắm chắc những ý chính để việc học trở nên đơn giản và hiệu quả hơn.
Nữ sinh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tương tác với giảng viên trong quá trình học tập: “Việc nghe giảng trên lớp rất quan trọng vì lúc các thầy cô giảng có những điều còn thắc mắc chưa hiểu thì có thể hỏi luôn để tìm lời giải đáp”.
Thời gian rảnh, nữ sinh nói thích dành thời gian cho việc làm bếp. Cô tâm sự, dù không phải người nấu ăn quá giỏi nhưng việc vào bếp và tập trung vào các món ăn và không phải suy nghĩ quá nhiều giúp cô xả stress khá hiệu quả sau những giờ học tập mệt mỏi.
Nỗ lực không ngừng giúp cho tân thủ khoa luôn duy trì thành tích học tập ấn tượng: giành học bổng khuyến học của trường THPT Nguyễn Tất Thành suốt 3 năm phổ thông, đạt học bổng tất cả các kì tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đạt giải Ba trong cuộc thi nghiên cứu khoa học của trường...
Không kì vọng được 'săn đón'
Chia sẻ với VietNamNet, Phương Thanh cho rằng, bên cạnh sự vui mừng và hãnh diện thì việc đạt được một thành tích cao cũng đi cùng với những kì vọng rất cao của mọi người.
"Nhưng với mình, những áp lực cũng chỉ là một phần, sau cùng, cuộc sống của mình là do bản thân tự quyết định”.
Theo nữ sinh, gia đình chính là động lực lớn nhất với bản thân.
"Đúng là ko có con đường nào là bằng phẳng cả, ai cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn thử thách thôi. Những lúc cảm thấy mệt mỏi và chán nản thì mình hay tìm đến gia đình. Bố mẹ và anh chị luôn sẵn lòng lắng nghe, chia sẻ và đưa ra lời khuyên để giúp mình vượt qua những khoảng thời gian khó khăn như thế".
Cô cũng tin rằng việc trở thành thủ khoa của một trường đại học lớn là hành trang quý giá nhưng khẳng định bản thân không kì vọng nhiều vào việc thành tích này sẽ giúp cô được các công ty lớn chào đón mà năng lực làm việc mới chính là yếu tố quan trọng nhất trong mắt các nhà tuyển dụng.
Hiện tại, Phương Thanh đang làm chuyên viên tư vấn tài chính tại một công ty chứng khoán lớn và tập trung toàn bộ vào việc phát triển sự nghiệp theo đúng chuyên ngành đã học.
Hải Nam
Thủ khoa Ngoại thương áp lực với 'mức lương nghìn đô'
Đỗ vào Trường ĐH Ngoại thương với số điểm 29, Mai Tiến Thành từng bị áp lực bởi nhãn dán “sinh viên Ngoại thương ra trường phải được mức lương nghìn đô”.
Thủ khoa quyết bỏ đại học đi làm thuê, ĐH Công nghiệp HN tìm cách "giữ"
Trúng tuyển vào một trường đại học có quy mô tuyển sinh 7.000 sinh viên mỗi năm với số điểm thủ khoa, chàng trai hiếu thảo Nguyễn Đình Sinh định nghỉ học đi làm thuê kiếm tiền giúp mẹ chữa bệnh.
Thủ khoa sư phạm thất nghiệp về quê bán hoa quả, nuôi lợn
Thủ khoa trường ĐH Luật HN vượt qua áp lực là 'con nhà nòi'
Có bố, mẹ làm trong ngành Luật, với Nguyễn Anh Thư là áp lực khá lớn. Là Á khoa đầu vào, Thư cũng là sinh viên đầu tiên của ĐH Luật HN có huy chương Vàng tại 1 sân chơi quốc tế, được xét thẳng lên bậc thạc sĩ tại Singapore.