Giải thưởng dành cho ngành trang sức thế giới Jewellery World Awards (JWA) năm 2023 vừa vinh danh “40 biểu tượng xuất sắc nhất ngành kim hoàn thế giới”, trong đó có một người Việt Nam - bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), nhà bán lẻ trang sức Top 1 châu Á.

Ở độ tuổi ngoài 60, lịch trình ken dày các hoạt động phụng sự xã hội và truyền cảm hứng cho các thế hệ doanh nhân trẻ, song hiện diện tại bất cứ sự kiện nào, bà Dung luôn toát lên nguồn năng lượng tươi trẻ, bản lĩnh và đầy minh triết. 

ba dung 1.jpg
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tại một sự kiện ở Hà Nội đầu tháng 9/2023. 

Dù rất bận rộn, nhưng với tình cảm ưu ái dành cho phóng viên VietNamNet, bà đã nhận lời kể lại câu chuyện hành trình 35 năm ứng dụng công nghệ - kỹ thuật của PNJ, từ cơ sở chế tác kim hoàn của một quận nhỏ bứt tốc tăng trưởng thành nhà bán lẻ trang sức hiện đại, đưa ngành kim hoàn Việt Nam lên một tầm cao mới, làm rạng danh Việt Nam trên bản đồ kim hoàn thế giới.

Tiên phong ứng dụng công nghệ

35 năm trước, bà Cao Thị Ngọc Dung nhận nhiệm vụ xây dựng một đơn vị kinh doanh vàng bạc đá quý của quận Phú Nhuận (Thành phố Hồ Chí Minh) - tiền thân của Công ty PNJ. Ấp ủ ước mơ khôi phục và phát triển ngành kim hoàn Việt Nam, bà Dung tập trung đầu tư hoạt động sản xuất với sự tham gia của đội ngũ nghệ nhân lành nghề.

Năm 1992, cơ hội mở ra với PNJ khi một công ty nước ngoài đề nghị liên doanh hợp tác. Lãnh đạo PNJ nhìn ra hướng mới: Tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thì nhất định sẽ phát triển! 

Năm 1993, PNJ mạnh dạn đầu tư nhập khẩu máy móc thiết bị sản xuất hiện đại, và một năm sau chính thức sản xuất trang sức theo công nghệ máy móc tân tiến. Đồng thời sớm thành lập những đội nhóm thiết kế sáng tạo để trình làng những mẫu mã hiện đại, tinh tế.

“Nền tảng sản xuất có sự tham gia của đội ngũ nghệ nhân với tay nghề tinh xảo cùng đội ngũ kỹ sư nắm vững công nghệ mới chính là những yếu tố then chốt cho sự tồn tại và phát triển của PNJ lúc bấy giờ”, bà Dung nhớ lại. 

Quyết định ứng dụng công nghệ vào dây chuyền sản xuất, nâng cấp bài bản các khâu chế tác, giảm thiểu cách làm thủ công, cho thấy tầm nhìn sắc bén, thức thời của lãnh đạo PNJ. Những năm 90, việc có một công ty Việt Nam sản xuất nữ trang, trang sức theo công nghệ nước ngoài là điều rất… lạ. Sự tiên phong về công nghệ này đã giúp PNJ nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước.

pnj 2.jpg

“Nghệ nhân Việt Nam sở hữu tay nghề tinh xảo, sản phẩm làm ra không thua kém gì sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trên thế giới. Từng có một số công ty làm sản phẩm trang sức từ Indonesia hay Thái Lan thử thâm nhập thị trường Việt Nam nhưng sau đó nhanh chóng dừng bước vì thấy không thể cạnh tranh được với những doanh nghiệp Việt như PNJ, bởi họ không hiểu người dân Việt bằng doanh nghiệp Việt”, Chủ tịch PNJ cho hay.

Năm 1995, với sự hỗ trợ Hội đồng Vàng thế giới, PNJ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số nhà máy sản xuất trang sức trong khu vực. Nhờ đó, thế hệ những nhà thiết kế sáng tạo đầu tiên của PNJ được mở mang tầm mắt, có cái nhìn trực diện và khái quát về thị trường trang sức trong nước cũng như quốc tế.

“Tôi còn nhớ như in, có lần ở phi trường, một người bạn khoe rằng được chồng mua tặng món trang sức ở Dubai, nhưng nhìn kỹ thì tôi biết sản phẩm đó của PNJ. Và như vậy, vấn đề nằm ở câu chuyện marketing, truyền thông lúc bấy giờ còn non trẻ, không giới thiệu được sản phẩm của PNJ đến khách hàng”, bà Dung hồi tưởng. 

Vì vậy, năm 1997, PNJ đẩy mạnh phát triển mạng lưới bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, đánh dấu một bước chuyển mới trên hành trình ứng dụng công nghệ - kỹ thuật tạo bứt phá tăng trưởng. Nhiều chiến dịch xây dựng thương hiệu, truyền thông marketing được triển khai liên tiếp nhằm giới thiệu các bộ sưu tập trang sức hiện đại và tinh xảo của PNJ đến người tiêu dùng một cách trực tiếp, trên quy mô rộng, tích lũy đủ năng lực cần thiết của một nhà bán lẻ chuyên nghiệp.

Năm 2012, PNJ khánh thành Xí nghiệp nữ trang sau gần 18 tháng thi công. Với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng, công suất trên 4 triệu sản phẩm/năm, Xí nghiệp nữ trang PNJ được đánh giá là một trong những xí nghiệp chế tác nữ trang lớn nhất khu vực châu Á. PNJ đã chính thức chuyển mình mạnh mẽ từ cơ sở chế tác kim hoàn của một quận trong thành phố của Việt Nam thành nhà bán lẻ trang sức hiện đại tầm khu vực. 

Chuyển đổi số để bứt tốc tăng trưởng

Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung ngay từ sớm đã nhận ra chuyển đổi số là hoạt động “sống - còn” trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều biến động, có tác động tích cực, tạo ra nhiều thay đổi mạnh mẽ trong quá trình vận hành một bộ máy lớn với quy mô hơn 7.000 nhân sự như PNJ. Vì thế, doanh nghiệp này đã nhiều lần tái cấu trúc, lấy công nghệ là cốt lõi để bứt tốc tăng trưởng. Công nghệ số từng bước thâm nhập, song hành, và là “động cơ” chính để thúc đẩy “con tàu” PNJ “vươn ra biển lớn”. 

Ngay từ năm 2019, PNJ đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số, sau đó nhanh chóng triển khai chuyển đổi số tới tận cùng của hệ thống. Lãnh đạo PNJ kiên định theo hướng không bỏ qua các công nghệ mới nhưng cũng không vội vã áp dụng trên diện rộng nếu chưa chứng minh được tính hiệu quả, sự phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Một khi công nghệ hoặc xu hướng được chứng minh là hiệu quả, PNJ sẽ dành sự tập trung rất lớn để đẩy mạnh đầu tư.

Và rồi, chuyển đổi số đã thay đổi toàn diện, xuyên suốt chuỗi cung ứng, quy trình sản xuất của công ty. Điển hình, ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất tại nhà máy chế tác trang sức đã giúp PNJ giảm tới 50% thời gian đưa sản phẩm ra thị trường với các dự án nhỏ, và 30% với dự án lớn, đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Hoặc mô hình bán lẻ trước kia chủ yếu doanh thu đến từ hệ thống cửa hàng, nay còn có thêm nền tảng mạng xã hội và bán hàng đa kênh (Omnichannel). Nhờ đó, PNJ có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng ở các điểm chạm khác nhau trong hành trình mua sắm; mọi thông tin sản phẩm, chính sách bảo hành và các dịch vụ đi kèm luôn minh bạch và đồng bộ, vì thế tăng trải nghiệm hài lòng của khách hàng.

pnj 1.jpg

Trong số rất nhiều thành quả mà chuyển đổi số mang lại cho PNJ, dấu ấn đặc biệt đối với bà Dung là công nghệ đã đưa PNJ vượt cơn khủng hoảng do Covid-19 gây ra một cách khá ngoạn mục. 

“Với sự chuyển đổi số mạnh mẽ, kịp thời và chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, nên trong giai đoạn Covid-19, PNJ vẫn có thể giao sản phẩm tận tay khách hàng. Cùng với đó, các hoạt động quản trị, giao tiếp, bán hàng... đều diễn ra suôn sẻ trên các nền tảng trực tuyến, có sự kiểm soát của các công cụ đo lường hiệu quả hoạt động. Nhờ ứng dụng công nghệ, điều chuyển hệ thống phân phối sản phẩm qua các trung tâm số, trong giai đoạn 2019 – 2022, PNJ liên tục tăng trưởng kinh doanh trong khi rất nhiều doanh nghiệp khác lao đao vì đại dịch”, bà Dung chia sẻ.

Có thể nói, tầm nhìn xa, tư duy đổi mới liên tục cùng khả năng định vị chính xác vai trò của công nghệ trong doanh nghiệp đã trở thành “bí kíp” giúp PNJ thích ứng linh hoạt với những biến động của thị trường. Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ là công nghệ, mua sắm thiết bị mà còn là vấn đề thể chế, chính sách, nhận thức và năng lực của tổ chức. Nhiều chuyên gia từng nhấn mạnh, công nghệ chỉ đóng góp khoảng 20% thành công của chuyển đổi số, còn 80% phụ thuộc vào nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện.

Để đi đường dài, bên cạnh tầm nhìn và định hướng chiến lược về công nghệ kết hợp chiến lược kinh doanh, lãnh đạo PNJ đặc biệt coi trọng việc đầu tư vào năng lực số và văn hoá đổi mới sáng tạo, bởi chuyển đổi số không nằm ở kỹ thuật mà chính yếu ở văn hóa và con người.

“Cấy ghép ADN” mới vào tổ chức

Cũng theo Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung, chuyển đổi số đã giúp PNJ “cấy ghép” nguồn “ADN” mới vào tổ chức để có thể liên tục tái tạo và thích nghi với sự thay đổi. Nhờ ứng dụng các nền tảng vượt trội vào sản xuất, kinh doanh, tháng 9/2023, PNJ được vinh danh ở hạng mục "Công nghệ điện toán đám mây xuất sắc ngành bán lẻ" trong khuôn khổ giải thưởng Asian Technology Excellence Awards 2023. Các giải pháp từ nền tảng điện toán đám mây giúp PNJ tăng công suất hệ thống lên tới 500% và năng suất bán hàng đến 200%.

Lãnh đạo PNJ cho biết: “Chiến lược điện toán đám mây được triển khai hai năm qua là bước đầu trong tổng thể chiến lược chuyển đổi số của PNJ. Những giải pháp này không chỉ giúp công ty thay đổi “cuộc chơi”, mà còn thúc đẩy sự tăng trưởng mang tính cách mạng. Chúng tôi tin công nghệ không còn là lựa chọn, mà đã trở thành yếu tố then chốt giúp PNJ tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường”.

Những chiến lược công nghệ xuất sắc đã góp phần giúp PNJ “lập đỉnh” về hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2023, Brand Finance công bố giá trị thương hiệu PNJ là 428,43 triệu USD, tăng 17% so với năm 2022 và tăng 44% so với năm 2020.

Cùng năm 2023, Tạp chí Forbes bình chọn PNJ là thương hiệu trang sức duy nhất tại Việt Nam góp mặt tại bảng xếp hạng Top 25 thương hiệu công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng cá nhân và công nghiệp. 

Nhờ tốc độ tăng trưởng doanh thu tích cực, PNJ còn được vinh danh “Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2023” do Tạp chí Nhịp cầu đầu tư và Công ty Chứng khoán Thiên Việt công bố hồi tháng 9 năm nay. Mặt khác, việc 9 lần liên tiếp PNJ góp mặt trong danh sách "50 công ty niêm yết tốt nhất" cho thấy cổ phiếu PNJ luôn thu hút nhà đầu tư bởi sự tăng trưởng bền vững.

pnj 3.jpg

Tự nhận sứ mệnh không ngừng sáng tạo để mang lại những sản phẩm tinh tế với giá trị thật để tôn vinh vẻ đẹp cho con người và cuộc sống, PNJ đang tiếp tục hành trình trở thành công ty hàng đầu châu Á về chế tác trang sức và bán lẻ sản phẩm tôn vinh sắc đẹp, vươn tầm thế giới.

“Niềm tin” là từ khóa được “nữ tướng” PNJ nhiều lần nhắc tới khi kể câu chuyện PNJ. “Với PNJ, giá trị niềm tin là giá trị cốt lõi nhất. Doanh nghiệp cần phải tự tin về năng lực của mình, đồng thời tạo sự tin tưởng của xã hội đối với sản phẩm và thương hiệu của mình. Và đặc biệt là không để mất niềm tin ở bất kỳ tình huống khó khăn, khủng hoảng nào”, Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung nhấn mạnh.

Duy Khánh và nhóm PV, BTV