"Núi" quy trình, thủ tục
Một dự án thường theo các quy trình thủ tục như sau: “Tổ chức lập, thẩm định. Phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu có). Lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng để xem xét, quyết định đầu tư xây dựng và thực hiện công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án”.
Những công việc này, nói thì đơn giản, nhưng tốn rất nhiều thời gian. Tùy quy mô và tính chất dự án, quy trình này có thể kéo dài vài năm mới xong khâu thủ tục duyệt dự án.
Sau đó, cần triển khai tiếp các công việc khảo sát xây dựng và lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng, cấp giấy phép xây dựng (đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng), tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây lắp công trình, giám sát xây dựng rồi mới triển khai thi công. Chỉ một trong những quy trình trên gặp trở ngại sẽ kéo theo hàng loạt chậm trễ khác ở tất cả các khâu khác.
Khâu giải phóng mặt bằng, bồi thường giải tỏa, tái định cư mất nhiều thời gian, công sức nhất nhưng lại phụ thuộc vào quy trình dự án trước đó, chỉ sau khi được các thủ tục trên được duyệt thì mới có thể triển khai. Khâu giải phóng mặt bằng luôn là khâu chậm nhất với các dự án trọng điểm quốc gia.
Bộ Giao thông Vận tải từng phản ánh, thủ tục đầu tư các dự án cao tốc hết sức rườm rà. Hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đều tổ chức hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhưng họ có một điểm chung dễ thấy: nhiều nhà đầu tư tỏ ra quan tâm nhưng rất ít khi tham gia sau đó.
Luật PPP được Quốc hội thông qua đã hơn 3 năm, kỳ vọng thu hút nguồn lực ngoài ngân sách phát triển hạ tầng, trong đó có dự án giao thông. Quy định hạn mức vốn nhà nước tham gia không được phép quá 50% tổng mức đầu tư, còn lại nhà đầu tư phải thu xếp. Với các dự án lớn như đường bộ cao tốc có chi phí khá cao, ít nhà đầu tư có thể đáp ứng yêu cầu này. Rốt cuộc, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn vẫn phải sử dụng ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, nếu cứ theo quy định trình tự thủ tục cấp phép khai thác các mỏ cát, đất, đá thì nhiều dự án cao tốc, bao gồm các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đang thi công phải dừng chờ vật liệu, mà đơn giá trên thị trường đã đội lên hơn nhiều so với giá quy định, sẽ không thể hoàn thành theo kế hoạch để đưa vào sử dụng.
Xin nêu thực trạng như trên để cảnh báo, nếu cứ theo nguyên tắc, quy trình thủ tục thì hàng loạt dự án trên cao tốc trên trục Bắc - Nam, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Hà Nội khó có thể đáp ứng kịp, từ việc thông qua chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án để cơ sở cho khởi công trước ngày 30-6-2023.
Tư duy đột phá
Hàng loạt những dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn cần được hoàn thành xây dựng trong giai đoạn hiện nay để tháo gỡ nút thắt về cơ sở hạ tầng.
Thực tế này đòi hỏi, cần có những chủ trương đột phá, mạnh mẽ từ cấp thẩm quyền để tháo gỡ các quy trình, thủ tục rất phức tạp, rối rắm hiện nay. Dự án được Chính phủ trình và Quốc hội thông qua cho cơ chế đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi, các thủ tục được xúc tiến thực hiện một cách nhanh nhất từ trước tới nay, chỉ trong vòng một năm đã có thể khởi công thay vì kéo dài qua nhiều năm như trước. Nghị quyết Chính phủ cho phép ưu tiên mở mới, gia hạn, nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu phục vụ cao tốc.
Tái định cư song hành cùng công tác bồi thường nhà đất cần giải tỏa theo cơ chế mới sát hơn với giá thị trường sẽ khuyến khích người dân đồng thuận. Các khoản chi phí này vẫn có lợi hơn nhiều so với thời gian kéo dài dự án, chậm giải phóng mặt bằng, đội vốn…
Rõ ràng, cần có những nguyên tắc, quy định, trình tự thủ tục để quản lý vốn công nhưng khi các quy định này chất cao như núi, nó sẽ không giúp ích cho công tác quản lý chung mà còn mất khá nhiều thời gian, cản trở phát triển, thậm chí tạo mảnh đất để “xin-cho”.
Tôi cho rằng, chỉ cần đổi một vài bước trong quy trình hiện nay sẽ giúp dự án triển khai nhanh hơn. Ví dụ, cho phép áp dụng quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án có thu hồi đất và thực hiện trước bằng nguồn vốn riêng. Được tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế ranh giới giải phóng mặt bằng trong khi thiết kế cơ sở và dự án thành phần xây dựng chưa phê duyệt để thực hiện trước vì công việc này mất nhiều thời gian, sau đó cập nhật đảm bảo phù hợp dự án đầu tư được duyệt.
Thành phố đang nỗ lực
TP.HCM vừa qua tiếp tục xin cơ chế, chính sách đặc thù giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện cao tốc TP HCM - Mộc Bài. Dự án này được đưa vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia, cơ chế vốn và tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng các dự án thành phần theo từng giai đoạn… để có thể khởi công năm 2024, hoàn thành năm 2027.
Trước đó, Thành phố cũng đã đột phá trong thủ tục đầu tư nhà ở xã hội, giảm tối đa các loại hồ sơ không cần thiết, rút ngắn hơn 2/3 thời gian thực hiện từ 500 ngày xuống còn 153 ngày.
Nếu có đột phá trong cơ chế vốn sẽ giúp tạo thuận lợi cho xã hội hóa phát triển hạ tầng, giảm gánh nặng cho nhà đầu tư. Ví dụ, dự án đường vành đai 4 (Hà Nội), sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách là 41.860 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2025, 14.506 tỷ đồng giai đoạn 2026 - 2030. Còn lại vốn do nhà đầu tư thu xếp là 29.447 tỷ đồng.
Sự điều chỉnh chính sách, giảm thiểu quy trình, thủ tục hành chính không cần thiết chắc chắn giúp giảm đáng kể gánh nặng cho công tác quản lý nhà nước, phiền hà nhà đầu tư. Lợi ích lớn hơn mang lại là hiệu quả kinh tế, hoàn thành dự án sớm hơn, hạn chế phát sinh chi phí.
Giải pháp tổng thể thay vì tình huống
Hiện nay, nhiều quy trình thủ tục của các bộ ngành và cơ quan quản lý nhà nước đan xen, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Giải quyết một thủ tục cho một dự án ở ngành, lĩnh vực nào đó chỉ là xử lý tình huống trong ngắn hạn. Về lâu dài cần hướng đến giải pháp tổng thể mang tính toàn diện.
Một số dự án quan trọng quốc gia được tạo cơ chế đặc thù, đột phá đã chứng minh hiệu quả hơn trong đầu tư, phát triển kinh tế qua thực tiễn.
Điều xã hội kỳ vọng không chỉ dừng lại ở đó mà làm sao cơ chế, quy trình thủ tục hành chính thật sự trở thành công cụ thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng cho đất nước, mở đường thêm cho đầu tư sản xuất, kinh doanh thương mại, nâng cao chất lượng sống người dân.
Do vậy, những cải cách đúng đắn, đột phá nên được thực hiện trong các lĩnh vực khác để những ý tưởng hay, cách làm sáng tạo hiệu quả có thể phát huy tác dụng, lan tỏa và nhân rộng cho cả nước. Việc rà soát cải tổ cơ chế, chính sách, quy trình và thủ tục hành chính trong các lĩnh vực cần cơ quan chủ trì cấp Chính phủ làm cơ sở áp dụng cho cả nước.
Được vậy, không chỉ bớt đi các gánh nặng liên quan đến cơ chế, quy trình thủ tục bấy lâu nay mà còn giúp giảm bớt đầu việc trong cơ quan quản lý nhà nước. Nếu áp dụng cho cả nước chắc hẳn tiết kiệm đáng kể chi phí tiêu hao ngân sách, giấy tờ, công sức đi lại, thời gian họp bàn, văn bản qua lại hỏi ý kiến, giảm thiểu tình trạng “xin - cho”, thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển.
Điều này còn giúp tinh giản biên chế trong bộ máy công quyền và nâng thu nhập cho cán bộ, công chức vốn được xem có lương thấp, không đủ sống hiện nay.
Kỹ sư Trần Văn Tường