Bộ sách gồm 6 cuốn tranh màu nhỏ xinh, hướng đến độc giả cuối mẫu giáo đầu tiểu học để tạo dựng và định hình nhận thức xanh - sạch - hiểu sâu về thiên nhiên.
Nhân vật chính là em Tôm 6 tuổi luôn tò mò về thế giới xung quanh, yêu thiên nhiên và ham học hỏi, đồng thời cũng khá ngang bướng và hiếu động, như nhiều bạn nhỏ khác. Các câu chuyện diễn ra trong bối cảnh làng quê Việt Nam từ Bắc vào Nam với cỏ cây hoa lá, tôm cá cua còng... cùng những tác phong sinh hoạt đương đại của người Việt.
Cuốn Táo ơi táo rơi đất lành kể về nền nông nghiệp sạch với các thành viên tương hỗ trong tự nhiên, hạn chế can thiệp xâm lấn cưỡng bức đất đai và cách ủng hộ nông sản sạch.
Cá con bơi đi hướng dẫn trẻ yêu thương biển cả mênh mông, trân trọng mọi sinh vật trong nước biển, không đánh bắt và khai thác quá mức tài nguyên, giữ cho các sinh vật biển được lớn lên không bị tận diệt từ nhỏ.
Trong khi đó, Túi nilon khổ sở kể lại vòng đời của túi nilon, phân tích cách sử dụng đúng và không đúng, không đổ tội thái quá cho túi nilon mà tạo dựng thái độ tiết kiệm và sử dụng đúng mực.
Tớ bỏ quên giấc ngủ trong vườn miêu tả về thiên nhiên tươi đẹp thuần khiết, xây dựng tình yêu đất đai cây cỏ, hạn chế sử dụng quá mức các thiết bị nhân tạo như máy lạnh.
Úm ba la nảy mầm ra cây chuối giúp các bạn nhỏ gây dựng tình yêu hoa lá và cây ăn trái xung quanh, tạo dựng nhận thức thay thế rác thải nhựa bằng một số vật liệu khác.
Cuốn sách thứ 6, Không có nhiều củi khô đến thế đâu hướng lứa tuổi thiếu nhi sử dụng tài nguyên vừa phải vừa mức, không lạm dụng mọi nguồn nhiên liệu, không ngắt cây bẻ cành, không phá hủy thiên nhiên xung quanh.
Các trang sách được minh họa bằng nét vẽ sống động, gần gũi với đồng quê Việt của họa sĩ trẻ Hoàng Trúc Nhi. Ảnh: Nhã Nam.
Qua từng chi tiết như sâu ăn táo, nuôi thả cá con đến kỳ sinh nở, những tàu lá chuối rợp che giấc ngủ trưa hè, những mầm cây mọc lên từ hạt quả rơi vãi… các độc giả nhỏ hiểu dần về cây cối con vật xung quanh mình, lắng nghe “tiếng nói” của mọi loài sinh vật. Từ đó nghĩ ra cách tương tác với Mẹ Thiên nhiên sao cho an lành và để các bên cùng được sinh sôi.
Đặc biệt, mỗi trang sách đều có một hoạt động vui chơi kèm theo nội dung câu chuyện, mục đích để các độc giả nhí tập trung chú ý, không bị tiếp thu một chiều. Vừa đọc vừa rà lại kiến thức và làm “bài tập” vui nho nhỏ sẽ giúp các em phản biện, hiểu kỹ hơn, nhớ lâu hơn, ứng dụng tốt hơn. Cuối mỗi cuốn còn có phần giải đáp kiến thức khoa học đơn giản và hướng dẫn thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường.
Tác giả của Hít hà mùi đất nước, Nguyễn Hữu Quỳnh Hương (bút danh Mình là Hũ), được biết đến như một blogger truyền cảm hứng về sống xanh, quảng bá và truyền thông cho giới trẻ bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên.
“Tôi vốn là một đứa trẻ vùng nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lớn lên vào những năm đất nước chuyển giao mạnh mẽ. 15 tuổi, tôi rời ba mẹ lên thành phố Vũng Tàu đi học và bị cuốn vào những guồng quay mới mẻ của đô thị. Rất lâu sau, khi tìm lấy lối đi, tôi mới bừng tỉnh và nhận ra rằng mình đã quên mất sự kết nối mạnh mẽ với thiên nhiên, làng mạc và cảnh sắc rất đỗi Việt Nam. Thời gian dạy học, làm công việc bảo tồn, cũng như chạy các chiến dịch bảo vệ môi trường đã cho tôi thấm thía rằng: những hành động làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thiên nhiên đều bắt nguồn từ việc sự mất kết nối ấy”, tác giả Mình là Hũ kể.
Nhờ kinh nghiệm hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực môi trường và giáo dục trẻ em, thông qua bộ sách, người viết mong muốn nâng cao những hiểu biết, giá trị về thiên nhiên và môi trường, nhằm tạo ra một thế hệ thay đổi tích cực cho xã hội.