Tiền nhiều nhưng thanh khoản thấp
Theo báo cáo tài chính quý IV/2023 của các công ty chứng khoán (CTCK), số dư tiền gửi của khách hàng vào thời điểm cuối năm 2023 đạt hơn 80.000 tỷ đồng (khoảng 3,3 tỷ USD), tăng khoảng 20.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý.
Trong khi đó, dư nợ cho vay tại các CTCK vào cuối năm 2023 cũng rất lớn, ước đạt 180.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 7,2 tỷ USD), tăng 15.000 tỷ đồng so với quý trước đó. Trong đó, dư nợ cho vay ký quỹ margin đạt khoảng 172.000 tỷ đồng, tăng 13.000 tỷ đồng.
Như vậy, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán đang rất mạnh, lên tới cả chục tỷ USD đổ vào và sẵn sàng chảy vào cổ phiếu. Điều này hứa hẹn giao dịch sôi động và triển vọng tăng giá.
Tuy nhiên, trên thực tế, diễn biến thanh khoản lại khá trái ngược so với những con số tích cực nói trên.
Trong tuần 15-19/1, giới đầu tư ghi nhận sự trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài sau một năm bán mạnh và các doanh nghiệp niêm yết bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý IV với những số liệu ban đầu khá tích cực. Kỳ họp Quốc hội bất thường thông qua 2 luật quan trọng là: Luật Đất đai và Luật các Tổ chức Tín dụng (sửa đổi.)
Chỉ số VN-Index trong tuần tăng 26,8 điểm vượt ngưỡng 1.180 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản khá thấp. Khối lượng khớp lệnh trong tuần 15-19/1 vẫn thấp hơn 10,8% so với mức trung bình 20 phiên. Giá trị giao dịch trên 3 sàn giảm gần 29% so với tuần trước đó, xuống 15.868 tỷ đồng/phiên.
Trên thực tế, thanh khoản trên thị trường chứng khoán đã "tụt áp" từ đầu quý III/2023 với giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE trong những tuần đầu tháng 10/2023 xuống ngưỡng 13.000-15.000 tỷ đồng/phiên, so với giai đoạn thanh khoản bùng nổ tháng 7-9/2023 với rất nhiều phiên đạt ngưỡng tỷ USD.
Cho tới nay, thanh khoản vẫn chưa được cải thiện nhiều, chỉ quanh ở mức 15.000-17.000 tỷ đồng/phiên.
Số lượng tài khoản chứng khoán cá nhân tới cuối năm 2023 giảm còn hơn 7,2 triệu, chủ yếu do hoạt động rà soát và thanh lọc của các cơ quan chức năng về dữ liệu người tham gia chứng khoán. Còn trên thực tế, hàng tháng vẫn có hàng trăm nghìn tài khoản được mở mới.
Thanh khoản thấp diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến khá nặng nhọc, tăng lên chậm chạp dù nền kinh tế Việt Nam ghi nhận một năm hồi phục khá tốt so với thế giới và có triển vọng tích cực trong năm 2024. Tăng trưởng tín dụng cũng khá ấn tượng trong một năm mà chính sách tiền tệ được nới lỏng. Nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt trong năm vừa qua, như trường hợp Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và một loạt ngân hàng.
Thanh khoản sắp bùng nổ?
Có nhiều lý giải cho hiện tượng tiền vào thị trường chứng khoán dồi dào nhưng thanh khoản ở mức thấp.
Có người cho rằng, thanh khoản thấp mấu chốt là do dòng tiền lớn chưa thực sự nhập cuộc. Nợ trái phiếu và nợ xấu ngân hàng trong năm 2024 ở mức lớn. Một phần dòng tiền từ khoản vay các CTCK được dùng để xử lý các khoản nợ, giống như giai đoạn cuối năm 2022. Việc cổ đông lớn thế chấp cổ phiếu để vay nợ tại các CTCK có thể cho thấy các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng và phải dồn tiền cho các dự án dang dở.
Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, tình hình đã khác nhiều so với nửa cuối năm 2022 - khoảng thời gian có rất nhiều ông chủ doanh nghiệp bị bán giải chấp cổ phiếu để xử lý nợ như trường hợp tại Bất động sản Phát Đạt, Hải Phát, DIC Corp, Novaland… Hiện, nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh nợ nần, không ít tổ chức đã xóa sạch nợ trái phiếu như Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), Phát Đạt (PDR)…
Theo ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI, trên thực tế có hình thức vay qua nghiệp vụ repo cổ phiếu thông qua hình thức margin. Tuy nhiên, tỷ trọng lượng tiền mà các ông chủ và các doanh nghiệp vay qua các CTCK không nhiều.
Ông Kháng cho rằng, hoạt động cho vay của các CTCK tăng mạnh nhưng các nhà đầu tư giao dịch ít, vòng xoay thấp, dẫn tới thanh khoản thấp. Các nhà đầu tư có thể chỉ vay và mua bán một lần, chờ cổ phiếu lên giá mới bán. Thời hạn cho vay để thanh toán có thể kéo dài 3 tháng thông qua hình thức margin nếu không bị call margin.
Về khoản tiền vài chục nghìn tỷ đồng - cao kỷ lục trong vòng 2 năm - nằm chờ trên tài khoản của các nhà đầu tư chứng khoán vào cuối năm 2023, ông Kháng cho rằng, nó cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi thị trường có tín hiệu để mua lại, và không rút tiền đi gửi các kênh đầu tư khác.
Hiện tượng thanh khoản giảm cũng được một số chuyên gia cho rằng, do kho cổ phiếu lớn đang nằm im khi các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra. Bản chất của việc mua bán thông qua kho hàng chứng khoán giống với nghiệp vụ cho vay margin của các CTCK.
Bên cạnh đó, khi TTCK sôi động, giá cổ phiếu đi lên, các NĐT ít bị hạn chế chặt chẽ như thời kỳ thị trường giảm giá hoặc đi ngang.
Ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh Chứng khoán KB, cho rằng, một lượng tiền gửi của nhà đầu tư cá nhân tại CTCK không giao dịch vì có một thực tế là cho dù chỉ số VN-Index lên sát 1.200 điểm nhưng nhiều người không kiếm được lợi nhuận. Hơn thế, việc gần Tết nhiều nhà đầu tư cá nhân sợ rủi ro trong dịp nghỉ dài là hiện hữu.
Theo ông Nhân, việc thu gọn các khoản đầu tư cũng là hoạt động tổng kết hiệu quả đầu tư của một năm. Nếu có đầu tư mới, nhiều NĐT có thể chờ cơ hội sau đợt nghỉ Tết. Bên cạnh đó, cũng có thể có sức ép tài chính cận tết Nguyên đán hối thúc các động thái bán và rút một phần tài sản trên thị trường.
Ông Nhân cho rằng, hiện tượng một lượng tiền lớn nằm chờ ở tài khoản ở các CTCK cho thấy các NĐT sẵn sàng nhập cuộc sau dịp nghỉ Tết.
Chuyên gia này dự báo, sau Tết, thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh cho tới hết quý I/2024 trong bối cảnh những câu chuyện kém khả quan đã được hấp thụ trong năm 2023. Chỉ số VN-Index có nhiều cơ hội vượt vùng đỉnh tháng 9/2023 (mức 1.255 điểm) ngay trong tháng 2/2024, thậm chí chinh phục mốc 1.300 trong quý I/2024.