Trái đắng
Khi thị trường đất vùng ven Hà Nội lên cơn ‘sốt’ vào năm 2020 - 2021, bà Nguyễn Thị Vân ở Hà Nội tưởng rằng đây sẽ là thời điểm tốt để đầu tư lướt sóng kiếm lời nên đã đi xem đất ở Hòa Bình, Ba Vì (Hà Nội) để tìm kiếm cơ hội.
Bà Vân được môi giới dẫn xem lô đất rộng hơn 3.000m2 ở Ba Vì, trong đó có 300m2 đất ở; còn lại là đất vườn và khai hoang. Theo lời môi giới, mảnh đất này rất đẹp, hợp với việc đầu tư homestay nghỉ dưỡng nên rất dễ bán sang tay. Mảnh đất có giá 3 tỷ đồng.
Thậm chí, môi giới còn hứa, sau khi bà mua sẽ hỗ trợ bà bán lại và chắc chắn có lãi vài trăm triệu đồng chỉ sau vài tháng. Môi giới cũng không quên cho bà xem những mảnh đất khác đã đầu tư và bán lại có giá tăng gấp 2-3 lần chỉ chưa đầy một năm.
Thấy cơ hội, dù trong tay chỉ có 1,5 tỷ đồng, bà Vân quyết định thế chấp căn hộ đang ở, vay thêm 1,5 tỷ đồng ngân hàng để đủ tiền đầu tư mảnh đất này.
Không ngờ, sau khi mua xong, thị trường đất ven đô ngày càng sụt giảm mạnh. Bà nhờ môi giới bán lại nhưng vẫn không có khách hỏi mua. Bà liên tục tăng hoa hồng và nhờ nhiều môi giới cùng bán để nhanh ‘đẩy hàng’ nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Dù bán cắt lỗ 300 triệu đồng, nhưng đất vẫn không có người mua. Tiền nợ ngân hàng bà Vân phải trả đều hàng tháng.
Cơn sốt đất làm homestay nghỉ dưỡng qua đi, còn rất nhiều nhà đầu tư cá nhân mắc cạn, bán không nổi, giữ không xong, nợ ngân hàng đầm đìa.
Có phải cứ mua đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, trồng cây hàng năm là có thể chuyển đổi được sang đất ở hay có thể chuyển đổi mục đích sử dụng sang kinh doanh homestay nghỉ dưỡng?
Trả lời câu hỏi này của PV VietNamNet, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Phải có quy hoạch.
“Có quy hoạch đất nông nghiệp sẽ chuyển đổi sang khu đô thị, dân cư. Những trường hợp đó người ta thực hiện dự án. Chứ không phải người ta cho anh tự động muốn chuyển như thế nào thì chuyển. Dự án phải có nhà đầu tư, nhà đầu tư phải có năng lực tài chính, có vốn, có kinh nghiệm. Nhất là phải có giấy phép đăng ký kinh doanh bất động sản. Chứ không phải cứ muốn mua rồi tự chuyển đổi được. Cá nhân nhỏ lẻ lại càng khó chuyển đổi nếu không có quy hoạch”, ông Chính nói.
Theo vị Cục trưởng, việc mua đi bán lại đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, hàng năm rất rủi ro.
Chẳng hạn, trường hợp mảnh đất mua chẳng may thuộc diện Nhà nước thu hồi thì sẽ bồi thường theo sát thị trường, theo giá từng loại đất; trong khi nhà đầu tư phải mua với giá rất cao.
Theo ông Chính, mua đi bán lại, cứ ‘đẩy’ giá vượt quá cả thị trường thì chỉ có thiệt.
“Cơ hội để được chuyển đổi mục đích sử dụng không nhiều. Trừ những đất nông nghiệp là đất vườn, ao trong khu dân cư thì cho người dân tự chuyển mục đích sử dụng. Còn đất trồng cây lâu năm, hàng năm phải có dự án, có quy hoạch. Trong trường hợp mua các loại đất đó mà không sản xuất nông nghiệp, để hoang thì Nhà nước cũng thu hồi.
Mua đất trồng cây lâu năm, hàng năm rồi chờ chuyển đổi mục đích sử dụng sang kinh doanh homestay nghỉ dưỡng lại càng không được, phải theo quy hoạch. Đất sản xuất không thể làm homestay. Nguyên tắc đầu tiên phải có quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của từng địa phương phê duyệt”, ông Chính lưu ý.
Cũng trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết: Thời gian qua có nhiều nhà đầu tư cá nhân đua nhau mua đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp để chờ chuyển đổi sang đất ở. Người nọ sang tay cho người kia, giá ngày một tăng, tạo sức nóng ở một khu vực nào đó.
Theo ông Điệp, một số người giàu lên từ đất thông qua việc mua bán lướt kiếm lời, nhưng cũng có nhiều người đầu tư theo đám đông, phong trào, hứng chịu giá đất phải mua cao, rồi mắc kẹt khi không chuyển đổi được và không bán được.
“Khi đầu tư thì phải có tiềm lực tài chính, không thể đi vay ngân hàng để đầu tư đất sẽ rất rủi ro. Đồng thời, phải nắm được quy hoạch, am hiểu về các loại đất trước khi quyết định bỏ tiền vào mảnh đất nào, khu vực nào”, ông Điệp khuyến cáo.