Thu hồi siêu dự án, nhà đầu tư ngồi trên đống lửa
Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước vừa có văn bản chấp thuận chủ trương dừng thực hiện quy hoạch Khu công nghiệp (KCN) và dân cư Đồng Phú rộng 6.317ha.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ, đề xuất tham mưu UBND tỉnh Bình Phước kết thúc thực hiện dự án, thu hồi các công văn, quyết định liên quan đến KCN và dân cư Đồng Phú; Ban Quản lý Khu kinh tế làm việc với đơn vị nhằm kết thúc hợp đồng lập quy hoạch chung KCN và dân cư Đồng Phú.
Trước đó, năm 2019, UBND Bình Phước và Tổng công ty CP Becamex IDC Corp (Becamex IDC) ký thỏa thuận về việc quy hoạch dự án Khu công nghiệp và dân cư Đồng Phú với quy mô hơn 6.317ha. Dự án sẽ có diện tích phát triển công nghiệp hơn 3.100ha, đất dịch vụ khoảng 100ha và đất đô thị - tái định cư 3.100ha đáp ứng cho khoảng 350 ngàn người.
Dù mới chỉ là chủ trương, tuy nhiên những năm gần đây, giới đầu cơ bất động sản đã đổ xô lên Bình Phước săn đất “ăn theo” đại dự án này. Vì vậy thông tin dừng thực hiện quy hoạch KCN và dân cư Đồng Phú 6.317ha đang khiến giới đầu tư xôn xao. Nhiều nhà đầu tư thấp thỏm như ngồi trên đống lửa khi “trót” ôm đất đón đầu dự án ở thời điểm sốt đất, giá cao.
Anh Trần T. (TP.HCM) cho biết, vào thời điểm năm 2020, 2021, đã xuất hiện nhiều thông tin quảng cáo, rao bán các khu đất ở huyện Đồng Phú ăn theo dự án khu công nghiệp lớn. Anh cùng bạn bè cùng gom tiền mua vài khu đất gần khu vực có chủ trương làm khu công nghiệp này với hy vọng năm 2022 dự án sẽ được triển khai tạo ra đợt tăng giá mới cho khu vực.
“Sau khoảng thời gian sốt nóng, rồi dịch bệnh bất động sản gần như đóng băng. Vài tháng nay tôi rao bán nhưng gần như không có khách hỏi mua. Đến nay, thông tin về việc dừng thực hiện quy hoạch dự án việc thu hồi vốn sẽ càng trở nên khó khăn hơn”, anh T. cho biết.
Nhà đầu tư mắc cạn
Việc đầu tư, “lướt sóng” tại các dự án của các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn không phải là chuyện hiếm trên thị trường. Thực tế cho thấy, chạy theo quy hoạch có những nhà đầu cơ gặt hái được siêu lợi nhuận nhưng cũng có không ít người bị vỡ mộng khi có sự thay đổi về quy hoạch.
Có thể thấy từ cơn sốt đất năm 2020, tại xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội), bất chấp khuyến cáo tụ tập đông người trong mùa dịch Covid-19, hàng trăm người bao gồm cả môi giới và nhà đầu tư kéo về để kiếm cơ hội đầu tư, lướt sóng sau khi nghe thông tin một tập đoàn bất động sản lớn đề nghị xây dựng 2 khu đô thị tại địa phương này.
Giá đất trước khi sốt chỉ 6-9 triệu đồng/m2, thời điểm sốt "cò" đẩy lên đến 12-20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, cơn sốt này cũng chỉ kéo dài không quá 10 ngày rồi nhanh chóng hạ nhiệt khi chính quyền địa phương cho biết chưa nhận được bất cứ văn bản hay chỉ đạo nào của thành phố phê duyệt xây dựng khu đô thị.
Ghi nhận tại các khu vực sốt đất trước đó tại xã Đồng Trúc trong nhiều tháng nay các lô đất vẫn im lìm, xanh cỏ. Chị Đinh Th. (Cầu Giấy, Hà Nội) đầu tư hơn 1 tỷ vào đất tại Đồng Trúc đến nay chỉ biết nhìn cỏ mọc cao mỗi ngày trên khu đất.
“Bây giờ có rao bán cũng không ai hỏi mua nên nhiều tháng nay tôi đã dừng việc rao bán. Cả tỷ đồng chôn vào trong đất không biết bao giờ mới có thể rút ra được” – chị Th. Thở dài.
Hay tại Long An, khi tập đoàn bất động sản lớn có văn bản gửi UBND tỉnh Long An về việc dừng nghiên cứu lập quy hoạch dự án có quy mô 3.490ha tại xã Thạnh Hòa và xã Bình Đức, huyện Bến Lức cũng khiến nhiều nhà đầu tư “khóc dở, mếu dở”. Bởi trước đó, ngay sau khi có thông tin tập đoàn đầu tư dự án này đã có không ít nhà đầu tư đổ về đây săn tìm quỹ đất để chờ cơ hội. Khi doanh nghiệp dừng nghiên cứu lập quy hoạch sẽ khiến nhiều nhà đầu tư mắc cạn.
Việc chạy theo quy hoạch, đón đầu đại dự án, ăn theo các “ông lớn” bất động sản chỉ có ai nhanh nhạy mới có thể kiếm lời, còn đa số đầu tư theo đám mua đất khi giá cao ngất ngưởng sẽ nếm "trái đắng" khi cơn sốt xì hơi
Theo chuyên gia bất động sản, việc khó khăn trong tiếp cận các thông tin về quy hoạch đang vô tình tạo điều kiện cho cá nhân, nhóm lợi ích lợi dụng quy hoạch để đầu cơ, thổi giá bất động sản nhằm kiếm lời.
Ông Nguyễn Phong, Giám đốc một sàn bất động sản tại Hà Nội đánh giá, khi dự án hạ tầng được công bố, mọi người đổ về mua gom đất, chờ tăng giá. Thậm chí, có những dự án mới chỉ là chủ trương còn nằm trên giấy cũng trở thành thông tin “đẩy giá” bất động sản trong khu vực.
“Các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ, tìm hiểu kỹ tình hình, kế hoạch triển khai dự án có khả thi hay không chứ không phải cứ nghe một dự án được đầu tư mà kỳ vọng rồi ôm tiền đi "lướt sóng" sẽ rất dễ "chết chìm". Việc chạy theo cơn sốt thường mang tính cục bộ và có tính thời điểm nên khi thông tin hết nóng, nhà đầu cơ rút đi, dự án chưa được triển khai giá chắc chắn sẽ giảm hoặc “đóng băng” một thời gian dài", ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong, nhà đầu tư trước khi xuống tiền nên tìm hiểu kỹ các quy hoạch vùng liên quan, xem các dự án, khu đô thị có đảm bảo tính pháp lý hay không.
Theo Bộ Xây dựng, sau cuộc đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm, giá rao bán tại các dự án khu đô thị, nhà ở khu vực này đã đồng loạt tăng, tuy nhiên ghi nhận giao dịch rất ít.