Theo chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, vừa được Chính phủ phê duyệt tháng 4/2022, các cơ quan quản lý sẽ xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với thuốc lá, bia, rượu.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, việc tăng thuế suất thuốc lá là một trong những biện pháp hiệu quả để giảm ảnh hưởng của thuốc lá đến sức khỏe là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, khi xây dựng thiết kế chính sách, cần đưa ra những con số thuyết phục, những công cụ để đo lường và chứng minh tính hiệu quả của chính sách để những chính sách đó thực sự đi vào cuộc sống.
“Cần làm rõ nếu tăng như tính toán hiện nay thì tăng thu ngân sách từ các DN kinh doanh hợp pháp được bao nhiêu, thất thu ngân sách từ vấn nạn buôn lậu ở mức nào, số lượng người sẽ giảm hút thuốc lá ra sao, dự báo kinh doanh của ngành hàng chịu tác động, an sinh xã hội của những người dân ở vùng trồng, cung cấp nguyên liệu, những lao động trực tiếp cũng như gián tiếp ảnh hưởng thế nào…, từ đó chúng ta cân nhắc mức tăng và lộ trình như thế nào hợp lý, áp dụng thời điểm nào thì mang lại hiệu quả cao, cân bằng, hài hòa giữa các lợi ích”, ông Doanh đề xuất.
Hơn nữa, ông Doanh lưu ý, ở giai đoạn này, sau đại dịch thị trường chưa thể phục hồi như trước, Chính phủ đang mong các doanh nghiệp ổn định sản xuất để làm động lực cho tăng trưởng kinh tế thì bất cứ chính sách nào làm tăng chi phí kinh doanh cũng sẽ trở thành rào cản cho nỗ lực đưa doanh nghiệp trở lại đường đua tăng trưởng.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho rằng việc tăng thuế TTĐB cần cân nhắc kỹ lưỡng vì đây là những ngành công nghiệp lớn, có những đóng góp lớn cho ngân sách và tạo hàng triệu công ăn việc làm bền vững cho người dân.
Trong khi đó, tỷ lệ trốn thuế thông qua các mặt hàng lậu này cần phải phân tích, đánh giá toàn diện, cụ thể để làm rõ nếu tăng thuế thì tỷ lệ này sẽ thay đổi, gia tăng như thế nào, mục tiêu bảo vệ sức khỏe có đạt được hay không hay người tiêu dùng lại chuyển qua dùng hàng nhập lậu?. Vì thế, cần cân nhắc kỹ trong việc tính toán dự báo đánh giá tác động khi đề xuất tăng thuế, nhất là những tác động tiêu cực đối với việc tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước, bảo vệ công ăn việc làm và sản xuất trong nước…
Theo chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, các cơ quan quản lý sẽ xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế TTĐB với thuốc lá, bia, rượu. Điều này cũng phù hợp với định hướng trước đó của Chính phủ trong Quyết định 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, theo đó dự án thuế TTĐB sẽ được xem xét để đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật 2023-2025. Mốc thời gian này khá phù hợp để giúp đảm bảo ổn định môi trường kinh doanh cho các ngành sản xuất lớn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Cùng nỗi lo nhập lậu, ông Triệu Văn Thìn, Chủ tịch Hội Chống hàng giả & bảo vệ thương hiệu TP. Hà Nội nói: Tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá là giải pháp mà một số quốc gia đều cân nhắc đến khi cần phải tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, càng tăng thuế thì sự chênh lệch giá giữa thuốc lá hợp pháp và thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả càng rộng và điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình hình buôn lậu thuốc lá.
Vì vậy, nếu quyết định tăng thuế thì cần phải có những giải pháp tổng thể, đặc biệt là chương trình hành động chống buôn lậu thuốc lá. Tăng thuế mà không có giải pháp chống buôn lậu đi kèm thì hậu quả có thể nhìn thấy trước, như buôn lậu sẽ tăng cao. Trong khi đó, khi các DN sản xuất trong nước thu hẹp sản xuất sẽ khiến nông dân sẽ thu hẹp vùng trồng nên phải tính toán lại việc chuyển đổi cây trồng, tìm kiếm công ăn việc làm mới cho người lao động.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh, Trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi, các DN thuộc các ngành có đóng góp lớn cho NSNN vẫn đang chống đỡ với hàng loạt khó khăn, một chính sách hỗ trợ về thuế hiệu quả sẽ giúp DN tái tạo năng lượng, nhanh chóng lấy lại đà phát triển. Do vậy việc tăng thuế TTĐB cần tính toán kỹ các tác động kinh tế - xã hội, lưu tâm tới các đối tượng dễ bị tổn thương (công ăn việc làm, công nhân, nông dân...). Thời điểm thực hiện cũng vô cùng quan trọng để doanh nghiệp có thời gian hồi phục sau đại dịch. Nếu tăng thuế ở thời điểm hiện nay sẽ tác động trực tiếp đến ngành, dẫn đến giảm sản lượng và việc làm, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập người lao động và tiếp tục làm đứt gãy chuỗi cung ứng vốn chưa kịp lành sau đại dịch Covid-19.
Luật sư Hà Thị Thanh nhìn nhận, chúng ta không nên chỉ nghĩ tới việc tăng thuế lên thật cao mà cũng cần phải cân nhắc tới những tác động không mong muốn khác từ việc tăng thuế này, như sẽ gia tăng việc buôn lậu thuốc lá; hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp hợp pháp sẽ giảm và dẫn đến đóng góp các loại thuế khác giảm, kéo theo đời sống nông dân vùng trồng nguyên liệu thuốc lá sẽ gặp khó khăn..v..v...
Việt Nam đã có Luật Phòng chống tác hại thuốc lá từ năm 2012, quy định các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng, kiểm soát nguồn cung cấp và các điều kiện đảm bảo để phòng chống tác hại của thuốc lá. Sau 10 năm triển khai thực hiện, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phải có một báo cáo đánh giá, tiến hành rà soát toàn diện xem việc triển khai thực hiện đã triệt để và hiệu quả hay chưa và có giải pháp khắc phục trước khi đề xuất tăng thuế đối với mặt hàng này.
Toàn Thắng
Tổng số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến phát sinh được gia hạn 4 kỳ (từ kỳ tính thuế tháng 6 đến kỳ tính thuế tháng 9) là khoảng 9.300-11.400 tỷ đồng.