GS.TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, trao đổi với PV. VietNamNet xung quanh tầm quan trọng về việc ổn định vĩ mô của Việt Nam trong bối cảnh xuất hiện nhiều dấu hiệu đáng lo ngại.
Kiềm chế được 'con ngựa bất kham'
Thời gian qua, đặc biệt 5 năm qua, một trong những nỗ lực rất lớn của Chính phủ chính là duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định. Để kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, yếu tố nền tảng là kinh tế vĩ mô phải ổn định. Những chỉ số về kinh tế vĩ mô của chúng ta một số năm qua được đánh giá rất cao, như chỉ số về lạm phát dưới 4%, dự trữ ngoại tệ tăng gấp 10 lần trong 10 năm qua… Đó là một trong số nhân tố tạo ra sự bền vững trong tăng trưởng.
Tăng trưởng của Việt Nam dù chưa bứt phá nhưng khá ổn định. Hiếm có thời gian nào tốc độ tăng trưởng GDP lại cao hơn tốc độ tăng của lạm phát. Chính nền tảng ổn định vĩ mô được thiết lập trong gần 10 năm qua nên dù đại dịch tác động lớn, nền kinh tế Việt Nam xét theo năm vẫn đạt tăng trưởng dương.
Điều đó cho thấy, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô là rất quan trọng. Đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực liên tục. Bởi lẽ, một khi ổn định vĩ mô bị suy sụp thì nó sẽ tàn phá rất nhanh. Một khi người dân, doanh nghiệp đã mất niềm tin, suy giảm niềm tin thì bao nhiêu công lao ổn định vĩ mô sẽ trôi đi rất nhanh.
Ví dụ những biến động vô cùng bất thường của thị trường tài chính Việt Nam thời gian qua cũng nói lên một điều giữ được ổn định vĩ mô khó thế nào. Bởi lẽ, khi đã mất ổn định thì sẽ không thể kiểm soát được nữa. Giống như một nền kinh tế có mức lạm phát vượt ngưỡng nhất định thì lạm phát sẽ trở thành con ngựa bất kham, không thể kiểm soát được trong một sớm một chiều. Lạm phát có xu hướng tăng cao sẽ sinh ra lạm phát kỳ vọng. Sóng lạm phát nối nhau như thế sẽ phá vỡ ổn định vĩ mô.
Khi đó các nhà đầu tư sẽ giảm niềm tin vào nền kinh tế. Một nền kinh tế không có đầu tư thì rõ ràng không có động lực tăng trưởng. Suy giảm đầu tư thì suy giảm động lực tăng trưởng. Cho nên, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là bài học quý giá.
Bài học ổn định vĩ mô từ thị trường tài chính
Hiện nay, nguồn vốn trong nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào ngân hàng, chiếm khoảng 90-95%, đây là bất cập và là điểm yếu của thị trường tài chính Việt Nam so với các nước. Điều đó nói lên rằng chúng ta phải phát triển các kênh huy động vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu.
Việc phát triển thị trường tài chính sẽ giúp những DN hoạt động lành mạnh, có nhu cầu phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng, lấy nguồn tín dụng đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Nếu thị trường trái phiếu, cổ phiếu bị mất niềm tin, thì chúng ta đánh mất một dư địa vô cùng lớn để phát triển thị trường vốn.
Tiềm năng để cho Việt Nam phát triển thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu còn rất lớn. Thị trường trái phiếu của chúng ta tỷ trọng còn rất thấp so với khu vực, thị trường cổ phiếu cũng vậy. Số lượng nhà đầu tư rất đông nhưng quy mô thị trường cổ phiếu vẫn còn rất thấp so với tỷ trọng trên GDP.
Chúng ta lành mạnh hóa thị trường tài chính nhưng không siết chặt. Các biện pháp đưa ra phải gửi một thông điệp rõ ràng là Chính phủ luôn luôn nuôi dưỡng, phát huy một thị trường tài chính lành mạnh. Đây cũng là bài toán cân đối giữa phát triển nó và kiểm soát nó để thị trường phát triển. Muốn phát triển lành mạnh phải có kiểm soát. Kiểm soát tức là ngay từ đầu khi chớm nảy sinh ra vấn đề là phải có chế tài phát hiện.
Ví dụ đối với trái phiếu DN, không phải DN nào cũng có thể phát hành trái phiếu DN được mà phải có xếp hạng tín nhiệm DN, phải có tổ chức xếp hạng tín nhiệm DN, DN phải có những tiêu chuẩn nhất định mới được phát hành trái phiếu. Phát hành cổ phiếu ra công chúng cũng như vậy. Phải yêu cầu các DN niêm yết báo cáo theo tiêu chuẩn nhất định, thường xuyên giám sát. Nhìn vào biến động của thị trường cổ phiếu chúng ta có thể dễ dàng đoán được cổ phiếu nào bị lái, cổ phiếu nào không bị lái.
Thực sự thời gian quan, cơ quan hữu trách đã lỏng lẻo, chưa khẳng định hết vai trò giám sát, để khiếm khuyết bung ra quá lớn. Để rồi sau đó, cơ quan quản lý lại đưa ra những biện pháp siết chặt lại. Lẽ ra, thị trường tài chính ổn định là không có những dao động mạnh. Do kiểm soát chưa tốt nên thị trường tăng trưởng ‘nóng’ xong lại tụt rất nhanh. Phương sai và độ trồi sụt của thị trường tài chính như vậy là rất lớn. Ổn định kinh tế vĩ mô là phải làm cho phương sai của nó nhỏ đi.
Nhìn chung, ổn định kinh tế vĩ mô thời gian qua, chưa nói đến các chỉ số khác, chỉ nói về thị trường tài chính thì chúng ta thấy rằng thị trường này có những biến động bất thường, phương sai rất lớn. Khi biến động như vậy sẽ làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư và đó là bài học cần lưu ý trong việc ổn định vĩ mô thời gian tới.
Lương Bằng (ghi)
Ngày 4/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022.