Ông Đỗ Cao Bảo, Phó tổng giám đốc FPT |
10h sáng ngày 28/11, website bán vé online của VFF đã chính thức mở bán vé trận bán kết giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Philippines vào ngày 6/12. Tuy nhiên, do nhu cầu đặt mua vé quá lớn, website của VFF đã bị quá tải và liên tục thông báo hết vé.
Trong số hàng trăm nghìn người hâm mộ tham gia mua vé sáng nay, có ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT. Nói về trải nghiệm mua vé, ông Đỗ Cao Bảo cho biết, đây là phần mềm tệ nhất trong tất cả phần mềm mà ông đã từng sử dụng suốt 34 năm qua.
Ông chia sẻ, ngay từ phần kiểm tra người hay robot ông đã gặp khó khăn: "Mình phải qua bước này đến không dưới 20 lần, với ít nhất 50 lần trả lời câu hỏi xem cái ảnh ấy là gì (xe bus, xe đạp, đèn đường, cứu hoả...). Có những lần nó hỏi mình đến 6 lần. Chả nhẽ người với robot lại không thể phân biệt trong 2 câu hỏi."
Đến khi lọt vào vòng trong, chọn được mệnh giá 500.000 đồng và số vé mua là 4 vé, đến phần thanh toán thì hệ thống "quay tít thò lò đến 3 phút, sau đó trả lời không kết nối được với máy chủ"
Khi ông làm lại thủ tục mua vé thì hệ thống thông báo tên này, số điện thoại này, email này đã có người mua.
Sau khi không thể mua được vé online, ông Đỗ Cao Bảo đã quyết định sẽ quay lại với phương án truyền thống, là vé chợ đen. "20 năm qua (từ 1998) mua vé chợ đen thấy đời tươi sáng hơn nhiều", ông Bảo nói.
Vị Phó Tổng giám đốc FPT còn cho rằng, phần mềm của VFF quả là phần mềm tệ nhất, dở nhất mà ông từng dùng, đến sinh viên năm 3 cũng không làm ra phần mềm tệ đến thế. "Buồn cho VFF, buồn cho giới phần mềm Việt Nam", ông Bảo kết luận.
Chia sẻ của ông Đỗ Cao Bảo trên mạng xã hội
Ai dựng website bán vé cho VFF
Được biết, website bán vé của VFF được vận hành bởi GMO-Z.com RUNSYSTEM. VFF cho biết, đây là thành viên của Tập đoàn GMO Internet, tập đoàn Internet số 1 Nhật Bản. Đối tác này đã cam kết với VFF rằng sẽ vận hành hệ thống bán vé online ổn định để phục vụ người hâm mộ truy cập vào các trang bán vé. Tuy nhiên, với những gì đã xảy ra, dường như việc bán vé đã diễn ra không mấy suôn sẻ.
Theo thông tin trên website GMO-Z, đây là công ty hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất phần mềm, cung cấp các giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường Việt Nam và Nhật Bản.
Công ty này đã có 1.250 dự án, 365 khách hàng, 36 đối tác và có đội ngũ nhân sự 420 người.
Theo Trí Thức Trẻ