Theo Forbes, tính đến 9/11, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) có số tài sản tròn 1 tỷ USD (xếp thứ 2.429 trong danh sách những người giàu nhất trên thế giới), giảm 58 triệu USD so với lần đánh giá trước đó và giảm 2,2 tỷ USD với bảng xếp hạng trong tháng 3/2022.
Trong phiên giao dịch ngày 9/11, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục giảm thêm 150 đồng xuống 13.000 đồng/cp. Cổ phiếu này đã giảm hơn 70% kể từ đỉnh cao hơn 44.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) ghi nhận hồi tháng 10/2021 xuống mức đáy hơn 2 năm như hiện tại.
Nếu cổ phiếu HPG còn tiếp tục giảm, ông Long sẽ sớm ra khỏi danh sách các tỷ phú USD Việt Nam trong bảng xếp hạng của Forbes.
Và nếu đúng như vậy, đây sẽ không phải lần đầu ông Long ra khỏi danh sách này do cổ phiếu HPG là cổ phiếu chu kỳ, biến động mạnh theo giá thép trong nước và thế giới, cũng như biến động theo giá nguyên liệu đầu vào, trong đó có quặng sắt và than cốc.
Trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới của Forbes năm 2018 công bố hồi tháng 3/2018, ông Trần Đình Long và chủ tịch Thaco Trần Bá Dương lần đầu tiên được công nhận là tỷ phú USD. Khi đó, Việt Nam có 4 đại diện, cùng với 2 gương mặt trước đó là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet.
Khi đó, ông Long nắm giữ khối tài sản trị giá 1,3 tỷ USD, xếp thứ 1.756 trên thế giới.
Tuy nhiên, trong tháng 12/2018, ông Long có 2 lần rớt khỏi danh sách của Forbes, với tài sản sụt giảm khoảng 9.000 tỷ đồng. Cổ phiếu HPG tụt giảm khoảng 37% từ đỉnh cao 47.500 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) ghi nhận hồi tháng 3/2018 khi ông Long vào bảng xếp hạng của Forbes. Chỉ số VN-Index lập đỉnh hơn 1.200 điểm vào hôm 9/4/2018 và sau đó rớt về ngưỡng 900 điểm hồi cuối năm 2018.
Trong nửa cuối năm 2018, cổ phiếu HPG giảm mạnh còn do khối ngoại bán ra mạnh và giới đầu tư lo ngại vào tương lai của cổ phiếu HPG sau khi doanh nghiệp này đẩy mạnh vay tiền và dồn vốn vào đại dự án Thép Dung Quất. Khi đó, thị trường bất động sản kém sôi động và rơi vào thời kỳ khó khăn hơn khi Chính phủ thực thi các chính sách thắt chặt để đảm bảo phát triển bền vững, giảm tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.
Trong đợt cổ phiếu sụt giảm lần này (tháng 4/2022-11/2022), Hòa Phát của ông Long gặp rất nhiều khó khăn. HPG lỗ nặng gần 1.800 tỷ đồng trong quý III/2022 do nhu cầu thép trong nước suy giảm và nguyên vật liệu đầu vào như than cốc tăng cao, còn thị trường bất động sản trầm lắng. Tình trạng tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh cũng tác động tiêu cực tới doanh nghiệp.
Theo số liệu mới nhất từ Forbes, tính đến hôm qua (9/11), Việt Nam vẫn còn đủ 7 tỷ phú USD như trong bảng xếp hạng hồi tháng 3/2022. Tuy nhiên, 7 tỷ phú này có tài sản giảm tổng cộng 8,9 tỷ USD, từ mức 21,2 tỷ USD ghi nhận trong bảng xếp hạng hồi tháng 3/2022, xuống còn 12,3 tỷ USD.
Ông Phạm Nhật Vượng là người mất nhiều tiền nhất, với khối tài sản giảm 2,3 tỷ USD. Ông Vượng vẫn xếp vị trí số 1, trong khi đó ông Long xuống vị trí cuối bảng.
Sở dĩ các tỷ phú Việt Nam chứng kiến tài sản giảm mạnh là do thị trường cổ phiếu Việt Nam lao dốc kể từ đầu tháng 4 tới nay. Chỉ số VN-Index tụt từ mức trên 1.520 điểm xuống 985 điểm tính tới ngày 9/11.
Bộ 3 cổ phiếu Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail của tỷ phú Vượng giảm mạnh. Cổ phiếu Vingroup mất khoảng 50% giá trị. Gần đây, cổ phiếu Novaland của ông Nhơn giảm sàn nhiều phiên liên tiếp, khiến tài sản ông Nhơn bốc hơi 1,6 tỷ USD so với tháng 3/2022, xuống còn 1,3 tỷ USD.
Chứng khoán Việt Nam ghi nhận dòng vốn sụt giảm sau khi tăng bùng nổ trong năm 2021.