'Ông trùm' WPP lần thứ 3 bị xử phạt

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Truyền thông WPP (GroupM). 

Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Công ty TNHH Truyền thông WPP bị xử phạt do doanh nghiệp này tiếp tục có vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. 

youtube mxh 1226.jpg
Công ty WPP bị Bộ TT&TT xử phạt do quảng cáo trên kênh YouTube vi phạm pháp luật. 

Cụ thể, GroupM đã có hành vi đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty TNHH Procter & Gamble Việt Nam và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam vào kênh mạng xã hội YouTube có nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng. Tổng mức phạt đối với GroupM là 35 triệu đồng.

Trong năm 2023, GroupM đã 3 lần bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm hành chính đối với cùng một hành vi. Ở 2 lần trước đó, GroupM bị xử phạt vi phạm hành chính do đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty TNHH Bayer Việt Nam và Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam vào nội dung vi phạm pháp luật trên kênh mạng xã hội YouTube. 

Với hành vi tái phạm nhiều lần, cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra cảnh báo, thời gian tới sẽ có các hình thức xử lý quyết liệt hơn nếu GroupM vẫn tiếp tục có vi phạm.  

Công bố 38 nền tảng số quốc gia

Cụ thể, trong lần công bố thứ 2, danh mục nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số gồm 38 nền tảng, với 21 nền tảng do cơ quan nhà nước chủ quản, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, làm chủ công nghệ lõi, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công phục vụ xã hội; và 17 nền tảng do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ lõi, cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và xã hội.

Theo danh mục nền tảng số quốc gia mới được Bộ TT&TT ban hành để thay thế cho danh mục công bố lần 1, có 4 nền tảng được bổ sung gồm hóa đơn điện tử, bảo hiểm xã hội số, cảng biển số và cửa khẩu số.

chuyen doi so dia phuong 1 587.jpg
Nền tảng số được xác định là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. (Ảnh minh họa: Q.Bảo)

Nền tảng thuế điện tử cung cấp công cụ quản lý thuế thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp.

Nền tảng bảo hiểm xã hội số thiết lập kênh giao tiếp và tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp cận thông tin, thực hiện các dịch vụ công một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng nhất, từng bước thực hiện việc thay thế sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế giấy.

Nền tảng cảng biển số chuyển đổi toàn bộ hoạt động của một cảng biển lên môi trường số, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của cảng biển.

Nền tảng tự động hóa quy trình, giảm thiểu thời gian cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; tăng cường công tác quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp cảng, hãng tàu, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp xuất nhập khẩu…

Với nền tảng cửa khẩu số, đây là nền tảng cung cấp công cụ quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động tại khu vực cửa khẩu. Nền tảng tự động hóa quy trình, giảm thiểu thời gian cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; tăng cường công tác quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bến bãi tại cửa khẩu…

Kyber cam kết bồi thường cho các nạn nhân 

Vụ tấn công mạng nhằm vào startup Kyber Network của Việt Nam đã lấy đi số tài sản mã hóa trị giá hơn 48,8 triệu USD, tương đương hơn 1.100 tỷ đồng tiền Việt.

Trước những lo lắng của người dùng bị thiệt hại, Kyber Network đã lần đầu tiên lên tiếng về việc sẽ bồi thường cho những người dùng bị ảnh hưởng bởi sự cố

kyberswap startup blockchain 3 109.jpg
Kyber Network là một trong những startup blockchain thành công nhất của người Việt. 

Tối ngày 1/12, đội ngũ phát triển Kyber Elastic cho biết họ đang chuẩn bị phương án dự phòng nhằm đền bù thiệt hại cho người dùng, nhà đầu tư và các bên cung cấp thanh khoản cho giao thức phi tập trung này trong trường hợp cuộc thương lượng với hacker không đạt được kết quả như mong muốn.

“Hãy để Kyber Network là người cuối nhận đòn tấn công như vậy và là người duy nhất chịu đòn. Điều chúng ta nên làm là tìm ra cách để DeFi trở nên an toàn hơn”, CEO Trần Huy Vũ của Kyber Network nói.

Bình luận về vụ việc này, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đánh giá cao sự quyết tâm của Kyber Network.

Ra mắt nền tảng quản lý đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ

Tại sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2023, Bộ TT&TT đã khai trương nền tảng hỗ trợ quản lý đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

w nen tang attt 1 1037.jpg
Lễ khai trương nền tảng hỗ trợ quản lý đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

Đây là nền tảng do Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) xây dựng nhằm chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng.

Sự ra đời của nền tảng này là bước ngoặt quan trọng trong hoạt động chuyển đổi số về quản lý và tổ chức thực thi công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng nói chung và bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ nói riêng.

Điều này nhằm từng bước chuyển đổi số toàn diện công tác quản lý đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ. 

Nền tảng hỗ trợ quản lý đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ sẽ cung cấp một công cụ quản lý đồng bộ, tập trung trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin từ trung ương đến địa phương.

Sau khi nền tảng đi vào hoạt động ổn định, Bộ TT&TT sẽ lấy thông tin, dữ liệu từ nền tảng để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đánh giá, xếp hạng công tác bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ của các bộ, ngành, địa phương. 

Đà Nẵng ẵm 4 giải thành phố thông minh

Ngày 30/11, lễ công bố và trao giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam năm 2023 được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam – VINASA tổ chức tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2023.

w da nang ioc 1 1228.jpg
Đà Nẵng đã đưa vào vận hành Trung tâm giám sát, điều hành thành phố thông minh với 15 nhóm dịch vụ. (Ảnh: Hồ Giáp)

Trong 32 giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam vừa được trao, có 7 giải thuộc về 4 tỉnh, thành phố. Ngoài giải đơn vị xuất sắc trong xây dựng đô thị thông minh, Đà Nẵng còn được xướng tên ở ba hạng mục khác gồm: Thành phố điều hành, quản lý - hạ tầng - dịch vụ công thông minh; Thành phố Quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch; Thành phố hấp dẫn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo.

Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, sau 5 năm triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh, đến nay Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả, đồng đều trên 6 trụ cột và 16 lĩnh vực ưu tiên.

Hà Nội đồng thắng giải Thành phố hấp dẫn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo cùng Đà Nẵng. Trong khi, Tây Ninh được vinh danh ở Giải thưởng thành phố điều hành, quản lý thông minh (IOC). TP HCM được xướng tên ở giải Các ứng dụng thông minh đang được triển khai, đem lại hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp và cộng đồng, xã hội với Hệ thống thu phí sử dụng hạ tầng, công trình, dịch vụ tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển.

Theo thống kê, đến nay đã có 142 giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam được trao, trong đó có 23 giải cho các đô thị, 3 giải dành cho các dự án bất động sản, và 116 giải dành cho các giải pháp công nghệ.