Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ARD của Đức hôm 28/1, ông Zelensky nhận định, Thủ tướng Đức Olaf Scholz dường như cũng nhận thức được nguy cơ nói trên. Lãnh đạo Ukraine cho rằng, nếu Nga tấn công một quốc gia thuộc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đó sẽ là “sự khởi đầu của chiến tranh thế giới thứ 3”.
Khi đề cập đến sự yếu kém trong phản ứng của phương Tây trước việc bán đảo Crưm sáp nhập vào Nga năm 2014 như tiền lệ cho Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng vào tháng 2/2022, ông Zelensky cho rằng đó không chỉ là phản ứng của Đức, của ông Scholz, mà còn cả “các nhà lãnh đạo của châu Âu và Mỹ".
Theo Reuters, người đứng đầu Kiev cũng khoe Ukraine đã nhận được sự ủng hộ của tất cả các phe phái chính trị Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ. Trước câu hỏi liệu viễn cảnh cựu lãnh đạo Nhà Trắng Donald Trump tái đắc cử nhiệm kỳ 2 có ảnh hưởng đến sự ủng hộ dành cho Kiev hay không, ông Zelensky nhấn mạnh, chính sách của Mỹ không phụ thuộc vào một cá nhân nào.
Ukraine muốn có các tàu chiến cũ của Anh
Phó Đô đốc Ukraine Aleksey Neizhpapa chia sẻ với hãng thông tấn Sky News rằng, nước này sẽ rất vui nếu nhận được 2 tàu chiến của Hải quân Anh mà London dự kiến sắp cho “nghỉ hưu”.
Theo đài RT, phát biểu của ông Neizhpapa liên quan đến thông tin do tờ The Telegraph đăng tải hồi đầu tháng này rằng, 2 tàu khu trục HMS Westminster và HMS Argyll sẽ ngừng hoạt động vào cuối năm nay, trong bối cảnh Hải quân Anh khó tuyển đủ thủy thủ để vận hành chúng.
Hồi giữa tháng 12/2023, Bộ Quốc phòng Anh đã công bố kế hoạch chuyển giao cho Kiev 2 tàu rà phá bom mìn như một phần của liên minh hàng hải mới, bao gồm cả Na Uy. Tuy nhiên, các tàu này vẫn chưa đến được bờ biển Ukraine, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho chúng đi qua các eo biển Bosphorus và Dardanelles nối Biển Đen với Địa Trung Hải.
Theo Thỏa thuận Hợp tác an ninh Anh - Ukraine được ký vào ngày 12/1, London đã cam kết sẽ “hỗ trợ Ukraine phát triển hải quân và lực lượng cảnh sát biển.
>> Đọc thêm tin quân sự thế giới khác trên báo VietNamNet