Oppo Find X2 Pro. Ảnh: DPA |
Khi Huawei đối diện với tình hình không mấy thuận lợi tại châu Âu, công ty đồng hương Oppo lại tăng cường nỗ lực tại khu vực này. Chủ tịch Oppo châu Âu Maggie Xue cho biết thị trường châu Âu là chìa khóa để Oppo gia nhập phân khúc smartphone cao cấp và kế hoạch mở rộng ra quốc tế.
“Kế hoạch của chúng tôi tham vọng nhưng hoàn toàn có thể đạt được đối với sự phát triển của Oppo tại Tây Âu. Chúng tôi hi vọng có thể trở thành thương hiệu mà người dùng địa phương yêu thích và tin tưởng trong vòng 3 tới 5 năm nữa”, bà trả lời Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.
Theo hãng nghiên cứu Counterpoint, smartphone Trung Quốc chiếm 35% thị phần châu Âu trong quý II. Trong đó, Huawei chiếm thị phần lớn nhất – 16% - còn Oppo chỉ có 3%. Tuy nhiên, cả Xiaomi và Oppo đều ghi nhận doanh số tại đây tăng lần lượt 55% và 41% so với một năm trước, còn Huawei giảm 46% trong cùng kỳ. Họ thu hút được người dùng tiềm năng của Huawei nhờ cấu hình hấp dẫn, giá bán hợp lý.
Huawei, công ty dẫn đầu về thiết bị mạng 5G và smartphone toàn cầu, bị Mỹ xem là nguy cơ an ninh quốc gia. Mỹ cấm Huawei tiếp cận sản phẩm, dịch vụ Mỹ, bao gồm các ứng dụng Google như Gmail, YouTube. Điều này làm ảnh hưởng tới khả năng bán smartphone cho khách hàng phương Tây.
Oppo, nổi tiếng với tư cách nhà sản xuất thiết bị bình dân, hiện là thương hiệu smartphone lớn thứ 5 thế giới. Công ty hiện diện mạnh mẽ hơn tại các thành phố thấp cấp của Trung Quốc và thị trường đang phát triển như Đông Nam Á. Hãng mới chỉ tiếp cận thị trường châu Âu thời gian gần đây, nơi người dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các mẫu máy cao cấp và thị trường đang do thiết bị trung – cao cấp thống trị. Đầu năm nay, Oppo ra mắt Find X2 Pro, mẫu smartphone đắt nhất trong lịch sử công ty. Bản 5G có giá bán lẻ 1.199 EUR.
Marta Pinto, Giám đốc nghiên cứu IDC, nhận định thiếu vắng các thiết bị trang bị Google của Huawei, Oppo có cơ hội trong phân khúc cao cấp. Một lợi thế khác của hãng là không lệ thuộc vào châu Âu để sống sót. Họ hoàn toàn có thời gian để tìm hiểu thị trường và xây dựng mạng lưới kinh doanh.
Theo bà Xue, 5G là thành phần quan trọng trong chiến lược châu Âu của Oppo. Dù việc phát triển 5G có thể không suôn sẻ và trải qua nhiều thăng trầm, nó vẫn là xu hướng và tương lai. Châu Âu triển khai 5G chậm hơn Trung Quốc nhưng vẫn có cơ hội thị trường nên được thâu tóm trong vòng 2 năm tới.
Gần đây, Oppo hợp tác với các nhà mạng khu vực lớn như Orange, Vodafone, Deutsche Telekom và Telefonica để phát hành điện thoại 5G. Họ cũng tung chiến dịch quảng cáo với câu lạc bộ đá bóng Barcelona vào đầu tháng này.
Oppo đẩy mạnh hoạt động tại châu Âu trong bối cảnh cạnh tranh tại quê nhà ngày một khốc liệt hơn. Huawei tăng cường nỗ lực tại Trung Quốc để bù đắp cho thiệt hại trên thị trường quốc tế. Năm 2019, doanh số điện thoại Oppo ở đây giảm 20%, theo IDC. Oppo cũng gặp rào cản tại Ấn Độ vì phong trào “bài Trung” sau cuộc đụng độ giữa quân linh hai nước.
Bà Xue chia sẻ không quá lo về thị phần công ty tại châu Âu hay kiếm được bao nhiêu từ đây. Thay vào đó, làm thế nào để trở thành đối tác chiến lược của khách hàng là điều quan trọng và đáng chú ý hơn với Oppo.
Du Lam (Theo SCMP)
Thiếu chip Kirin, smartphone Huawei trở nên vô vị
Smartphone Huawei sẽ mất đi yếu tố hấp dẫn người dùng nếu không còn sử dụng chip tự phát triển Kirin.