PGS.TS Vũ Minh Khương cho rằng, xác định giá điện dựa trên cơ chế thị trường như Singapore là bước đi cấp thiết. Việt Nam cần có những thay đổi lớn về cả tư duy, cơ cấu tổ chức trong quản lý và phát triển ngành năng lượng - điện.
PV. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) về thị trường điện của Việt Nam.
"Nếu không có một hệ thống quản trị, Việt Nam không thể đi xa dù A0 có chuyển về đâu"
- Thưa ông, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương đưa Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) về Bộ Công Thương trong tháng 8/2023 theo mô hình Công ty TNHH MTV. Ông đánh giá như thế nào về quyết định này?
PGS.TS Vũ Minh Khương: Đây là một quyết định đúng hướng nhưng cần những cải cách rộng, đồng bộ và căn bản trong quản trị ngành năng lượng để trở thành một cú hích chiến lược.
A0 với tổ chức như hiện trạng có thể làm tốt hơn rất nhiều nếu nó được giám sát và quản trị chặt chẽ, với thông tin minh bạch và cơ chế đánh giá kịp thời, chuẩn xác.
- Bộ Công Thương cũng từng băn khoăn về cơ chế chính sách cho A0 sau khi về Bộ, như tiền lương. Theo ông, cơ chế nào để A0 có thể duy trì được hoạt động và làm tốt công tác điều độ hệ thống điện cũng như thị trường điện?
Tiền lương là yếu tố cần, thậm chí rất cần, nhưng chưa đủ. Nó chỉ là một cấu phần nhỏ trong hệ thống quản trị của một ngành trọng yếu có tính sống còn như ngành điện - năng lượng. Đáng lưu ý, sự hội tụ trong quản trị và kinh doanh giữa ngành năng lượng và điện đang trở thành một xu thế chủ đạo. Vì vậy, nó đòi hỏi những thay đổi lớn về cả tư duy và cơ cấu tổ chức trong quản lý và phát triển ngành năng lượng - điện.
Về nguyên lý, để ngành năng lượng - điện Việt Nam phát triển xứng tầm, hệ thống quản trị phải nâng cấp căn bản trên năm trụ cột nền tảng.
Đó là, chiến lược mạch lạc và sáng suốt với tầm nhìn thời đại; cấu trúc tổ chức hiệu quả cho phép phát huy cao độ sức mạnh tổng lực và khả năng cộng hưởng của cả hệ sinh thái; quy trình ra quyết định sắc bén và tối ưu với trách nhiệm giải trình rõ ràng của các cơ quan quản lý; nguồn nhân lực chất lượng cao; và chế độ đãi ngộ và cơ chế đánh giá - tưởng thưởng xứng đáng.
Tôi rất mong có những cải cách lớn về quản trị ngành theo năm trụ cột trên để quyết định điều động A0 về Bộ Công Thương sẽ đem lại những kết quả kỳ vọng.
- Việc chuyển A0 về Bộ Công Thương có là cú hích cho việc thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam, nhất là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh dự kiến sẽ vận hành sau năm 2024?
Phát triển thị trường điện cạnh tranh trong cả bán buôn và bán lẻ là một bước đi tất yếu cần triển khai càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, các thiết chế hiện tại, cả về tổ chức và pháp lý, đều chưa sẵn sàng cho những bước tiến lớn về cải cách trong lĩnh vực này.
Cách đáp ứng với thách thức của chúng ta chủ yếu vẫn dựa vào tháo gỡ, tìm điểm nghẽn thay vì kiến tạo nền tảng thiết chế cho một ngành điện tiến tới đẳng cấp thế giới vào năm 2045, với tầm nhìn Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển.
Đáng lưu ý, vào năm 2045, với sản lượng dự kiến trên 1.000 tỷ kWh, ngành điện Việt Nam sẽ có quy mô tương đồng với các nước G7, trong đó có Nhật và Đức.
Vì vậy, nếu không có một hệ thống quản trị tương xứng, Việt Nam không thể đi xa cho dù A0 có chuyển về đâu.
- Vậy với thực tế hiện nay, liệu Việt Nam liệu có đi đúng lộ trình phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, nơi EVN không còn độc quyền?
Đây là vấn đề rất cấp bách, chiến lược và thực tế. Để thực hiện, chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều từ các nước đi trước như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức.
Hiện nay, Bộ Công Thương có Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, nhưng chức năng phân tán và hạn chế.
Vì vậy, bước khởi đầu cần là phải (tái) lập Tổng cục Năng lượng quốc gia, với các thiết chế tổ chức và pháp lý giúp nó thực hiện tốt nhất sứ mệnh được giao. Với bước đi này, tiền lương hay biên chế chỉ là việc rất nhỏ, giống như việc bỏ tem phiếu trong những năm đầu của đổi mới.
Kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của Cục Tác nghiệp Thị trường Điện (Energy Market Authority, EMA) của Singapore và Tổng cục Năng lượng (Korea Energy Agency, KEA) của Hàn Quốc rất đáng tham khảo.
Giải bài toán giá điện "nhảy múa" bằng cách nào ?
- Hạn chế của giá điện theo thị trường là có thể sẽ bị đẩy lên rất cao, vượt sức chi trả của người dân, nhất là đối tượng thu nhập thấp, vậy giải quyết vấn đề này thế nào ?
Theo kinh nghiệm của Singapore, dù theo cơ chế giá thị trường, điện cũng như xăng dầu không tăng thái quá và có nhiều lúc giảm đáng kể. Chẳng hạn, năm 2019-2021, giá điện ở mức thấp hơn 20% so với hiện nay. Hơn nữa, trong những tình huống đặc biệt, Chính phủ có thể duy trì giá ở mức ổn định thêm 1-2 quý, dùng Quỹ bình ổn giá, để tránh biến động lớn không cần thiết.
Chúng ta có lợi thế về nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo khá cao nên có thể giúp tránh các cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu ngắn hạn.
Chính phủ, đặc biệt là các địa phương, cần có danh sách cập nhật thường xuyên về các hộ nghèo với mức tiêu thụ điện rất thấp. Cần có quỹ hỗ trợ các hộ này ở mức chênh lệch 50 Kwh so với giá hiện nay.
Với cải cách ngành điện mạnh mẽ, đầu tư vào lĩnh vực này sẽ bùng nổ, có thể lên tới 15-20 tỷ USD mỗi năm. Việt Nam sẽ mạnh lên rất nhanh cả về thực lực và hình ảnh quốc tế, giúp đất nước thuận lợi hơn nhiều trong thu hút đầu tư FDI và từ nội lực. Khi đó, khoản tiền hỗ trợ cho các hộ nghèo có thể còn rộng rãi và hiệu quả hơn nhiều.
- Ông có cho rằng giá điện hiện nay là nút thắt khiến Việt Nam không thu hút được đầu tư vào nguồn điện mới ?
Xác định giá điện dựa trên cơ chế thị trường, như ở Singapore là bước đi cấp thiết. Ta có lợi thế là thủy điện và năng lượng tái tạo dồi dào nên là điểm tựa tốt để giá điện của Việt Nam có sức cạnh tranh cao, có thể ở mức 60% của Singapore.
Theo tôi, cung cấp điện dồi dào, tin cậy, với giá công khai minh bạch, sẽ được người dân và doanh nghiệp ủng hộ. Giá thấp nhưng hệ thống điện ọp ẹp và cơ chế quản lý thiếu minh bạch như hiện nay không phải là lựa chọn mà người dân và doanh nghiệp mong muốn.
Từ góc nhìn so sánh toàn cầu và khát vọng Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045 khi đất nước kỷ niệm 100 năm độc lập, cải cách toàn diện ngành điện Việt Nam là một 'chiến dịch' mới mà toàn dân sẽ dốc lòng ủng hộ.
Theo TS Vũ Minh Khương, bài học với những bước đi căn bản từ Singapore rất thiết thực cho Việt Nam.
Trước hết, đó là thiết lập Tổng cục Năng lượng (EMA) với thiết chế tổ chức và pháp lý hoàn hảo để thực hiện sứ mệnh đảm bảo nguồn cung ứng năng lượng (chủ yếu là điện và khí) một cách dồi dào và tin cậy.
Thứ hai, EMA có ba chức năng rất rõ là vận hành hệ thống điện, quản lý nhà nước ngành năng lượng - điện và phát triển ngành điện - năng lượng. Với chức năng vận hành lưới điện, EMA quản lý trực tiếp trung tâm điều độ hệ thống điện, là cơ quan chịu trách trách nhiệm tổ chức thị trường điện cạnh tranh trong cả bán buôn và bán lẻ.
Thứ ba, Singapore Power (SP) Group - vị thế gần như EVN ở Việt Nam - có vai trò rất lớn trong phát triển hệ thống điện , đặc biệt trong đầu tư và quản lý hệ thống lưới, cung cấp dịch vụ đóng và ngắt điện, đo công tơ, thu tiền điện. Đặc biệt, SP Group là nơi bán điện với giá quy định nếu khách hàng tự nguyện lựa chọn trên thị trường bán lẻ cạnh tranh. Nghĩa là, nếu khách hàng không chọn các nhà cung cấp điện cạnh tranh khác, họ sẽ được SP Group lo chu đáo trong cung cấp điện.
Các nhà cung cấp cạnh tranh thường cố gắng tạo ra cơ chế giá và thanh toán hấp dẫn để thu hút khách hàng, nhưng giá có thể biến động mạnh theo thị trường vì 95% điện của Singapore phụ thuộc vào nguồn khí hóa lỏng nhập khẩu.
Thứ tư, cơ chế định giá điện của SP Group được xác định hàng quý dựa trên biến động thị trường bình quân trong quý trước, với cấu trúc minh bạch, hợp lý. Chẳng hạn, giá điện bán lẻ quý III (1/7-30/9) năm 2023, bao gồm cả thuế GTGT là 27,74 xu/Kwh (đô la Singapore, tương đương 4.838 VND) gồm bốn cấu phần được thông báo công khai. Đó là:
(i) Giá mua điện từ các nhà cung cấp (xác định dựa trên giá nhiên liệu thế giới bình quân ở quý trước): 21 xu/Kwh;
(ii) Phí truyền tải điện (6,25 xu/Kwh);
(iii) Phí dịch vụ hỗ trợ thị trường điện (đọc công tơ, hóa đơn, phân tích và quản lý dữ liệu): 0,43 xu/Kwh;
(iv) Phí vận hành lưới điện (trả cho dịch vụ điều độ và tính toán giá cả): 0,06 xu/Kwh.
Với cấu trúc rõ ràng như vậy, mọi doanh nghiệp, kể cả DNNVV, có thể xin giấy phép tham gia thị trường bán lẻ điện với những hình thức phong phú và sáng tạo.
Một tác dụng đặc biệt lớn của thực hiện định giá theo cơ chế thị trường là người dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về biến động thị trường và có ý thức tốt hơn về tiết kiệm điện. Nó cũng giúp tránh đầu tư vào các ngành thâm dụng năng lượng, tăng tính bền vững của mô hình tăng trưởng.