Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính,
Kính thưa Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái,
Kính thưa các đồng chí UV TWĐ, các đồng chí lãnh đạo các bộ ngành,
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN,
Thưa các đồng chí,
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước lớn nhất cả nước, cả về qui mô vốn, tài sản, nhân lực, thì phải đi đầu về chuyển đổi số, tức là đi đầu về cái mới, luôn đi đầu về cái mới. Chi cho CNTT của Tập đoàn hàng năm hiện đang rất nhỏ, chưa đến 0,3% tổng chi phí. Một doanh nghiệp muốn chuyển đổi số mạnh mẽ thì cũng phải chi ít nhất là 1%. Hiện đại hoá quản trị và hoạt động của một doanh nghiệp thì chính là chuyển đổi số. PVN mà chi cho chuyển đổi số, đặt ra những bài toán lớn cho giới công nghệ số nước nhà, thì không chỉ là hiện đại hoá chính mình mà còn là góp phần phát triển công nghệ số Việt Nam.
Tập đoàn Dầu khí đang là địa chỉ tấn công của những hacker hàng đầu thế giới. Đây lại chính là thuận lợi căn bản để xây dựng một hệ thống phòng thủ tấn công hàng đầu thế giới, để không chỉ bảo vệ PVN mà còn bảo vệ các hạ tầng trọng yếu khác của Việt Nam. Về an toàn, an ninh mạng thì không có cách nào tốt hơn để phát triển là bị tấn công, mà phải bị tấn công hởi những hacker hàng đầu. Bộ TTTT và các Bộ Công an, Quốc phòng có thể tập hợp những chuyên gia hàng đầu Việt Nam để bảo vệ PVN và qua đó hoàn thiện công nghệ an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Người Việt Nam đã làm chủ tới 97% hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng. Và các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang chiếm trên 50% thị phần an toàn, an ninh mạng. Không nhiều nước trên thế giới có được sự làm chủ này.
Tập đoàn Dầu khí đã đi qua 47 năm phát triển, đã được đất nước nuôi dưỡng, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, đã hình thành nên một tổ chức mạnh, có tiềm lực về tài chính, cơ sở vật chất và con người, thì nay hãy nhận lấy một nhiệm vụ chiến lược quốc gia mới, một sứ mệnh quốc gia mới, để qua đó tạo ra một sự phát triển mới cho Tập đoàn, đưa Tập đoàn lên một tầm vóc mới, không chỉ là dầu khí. Đó tốt nhất là lĩnh vực công nghiệp và công nghệ. Làm công nghiệp và công nghệ cao thì phải là những doanh nghiệp đã thành công ở lĩnh vực dịch vụ, từ đó có tiềm lực về tài chính, con người, tổ chức và thị trường, để dấn thân vào công nghiệp và công nghệ, thí dụ như Viettel là từ dịch vụ viễn thông, VinGroup là từ bất động sản, Trường Hải là từ lắp ráp, và gần đây là một số ngân hàng đầu tư sang lĩnh vực công nghệ số. Muốn công nghiệp hoá, hiện đại hoá Việt Nam thì phải có những doanh nghiệp công nghiệp, công nghệ lớn. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao cho Tập đoàn Dầu khí nhiệm vụ phát triển công nghiệp năng lượng mới, nhất là năng lượng gió, nghiên cứu chế tạo được thiết bị năng lượng tái tạo, chứ không chỉ là đầu tư vào năng lượng gió. Tập đoàn đã có những bước đi ban đầu, nhưng mới là làm thuê về xây lắp, vận hành. Mục tiêu là phải làm chủ công nghệ chế tạo. Tôi tin là Tập đoàn Dầu khí có thể làm chủ được công nghệ này trong 2 năm, nếu hợp tác với các doanh nghiệp điện tử, cơ điện tử trong nước, thí dụ như Viettel, thì có thể sẽ nhanh hơn, hết 2023 là có sản phẩm.
Cái gì đang tốt thì cũng không tốt mãi. Dầu khí cũng vậy. Trong lúc đang tốt này thì hãy khởi tạo một cái mới có tương lai lớn. 50 năm tới và có thể lâu hơn nữa, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số sẽ là 2 chuyển đổi quan trọng nhất của nhân loại. Tập đoàn Dầu khí hướng vào 2 chuyển đổi này thì chắc chắn sẽ là đúng hướng. Nhân đây cũng xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nếu các doanh nghiệp nhà nước chỉ được làm một lĩnh vực, không được mở rộng có chọn lọc lĩnh vực kinh doanh thì các doanh nghiệp nhà nước có nguy cơ ngày một nhỏ đi, rồi sẽ đến lúc không còn là lực lượng vật chất để nhà nước điều tiết hay định hướng chiến lược quốc gia, tức là định hướng XHCN. Các tập đoàn nhà nước chỉ làm một cái thì cũng là cực đoan, làm tất cả mọi thứ thì cũng là cực đoan, mở rộng có chọn lọc, có định hướng quốc gia trung và dài hạn, dựa trên thế mạnh cốt lõi thì sẽ là sự phát triển phù hợp. Nhà nước thì nên mạnh trong trung và dài hạn, thị trường tự do thì thường chỉ mạnh trong ngắn hạn.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang tái tạo lại mình. Cách tốt nhất để tái tạo lại mình là làm việc cũ với cách mới, là làm việc cũ với mục tiêu cao hơn, với sứ mệnh mới to lớn hơn, và đặc biệt là khởi tạo một việc mới, một không gian mới. Không thể làm việc cũ với cách cũ mà có thể tái tạo mình. Chỉ có đổi mới thì mới có khả năng tái tạo. Công nghệ số, chuyển đổi số thì tạo ra cách làm mới, còn chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng xanh thì tạo ra không gian mới. Tức là các điều kiện khách quan cho Tập đoàn Dầu khí tái tạo đã sẵn sàng, phần còn lại là phụ thuộc vào những người lãnh đạo Tập đoàn.
Xin trân trọng chúc Tập đoàn Dầu khí đến năm 2025-2030 sẽ đạt được một tầm vóc mới trong sự phát triển của đất nước!