Hoà nhạc quốc gia Điều còn mãi 2022 đã diễn ra thành công tốt đẹp, VietNamNet xin đăng lại bài toàn văn của Tổng biên tập Phạm Anh Tuấn:
Kính thưa toàn thể quý vị
Giờ phút này cách đây 77 năm, tại Quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 12 năm qua, Chương trình hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi đã thông qua âm nhạc để làm sống lại mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc vào đúng thời khắc thiêng liêng 2h chiều ngày 2/9.
Năm nay, sau những ngày dài đất nước phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh, Điều còn mãi trở lại, mong muốn truyền đi một thông điệp xuyên suốt và cũng là chủ đề của chương trình: Khát vọng Việt Nam.
Điểm khởi đầu của mọi thành tựu luôn là khát vọng. Một khát vọng được cộng hưởng có sức mạnh vĩ đại, có thể đẩy lùi mọi khó khăn, thách thức và đạt tới những thành tựu lớn lao. Khát vọng được sống, được hồi sinh của mỗi người dân trong đại dịch đã giúp chúng ta vượt qua và hồi phục mạnh mẽ là một minh chứng rõ ràng cho việc này. Và hôm nay, Chúng ta hòa nhịp cùng âm nhạc đỉnh cao của nền âm nhạc Việt Nam nhằm khơi dậy khát vọng lớn lao: vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phồn vinh, hạnh phúc.
Suốt những tháng năm chiến tranh gian khó, nơi sự sống và cái chết chỉ là trong gang tấc, âm nhạc vang lên như những khúc tráng ca của tình yêu cuộc sống và khát vọng lớn lao cho sự sống của một dân tộc. Những người lính trong nhà tù đã cùng nhau hát vang giai điệu của Bài ca hy vọng để đập tan xiềng xích của kẻ thù, để giữ vững niềm tin vào chiến thắng không xa của dân tộc:
Về tương lai đàn chim ơi cùng ta
Cất cánh kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu
Ở thời bình, âm nhạc là “âm thanh ngày mới” nâng bước con người lao động sản xuất, xây dựng đất nước hóa rồng với công nghệ mới:
Em có nghe chăng âm thanh ngày mới,
Nâng bước ta đi phương xa thẳng tới.
Nhìn về tương lai, âm nhạc là nơi để thế hệ trẻ đưa ra tuyên ngôn của mình về lẽ sống về những hoài bão, ước mơ cháy bỏng muốn được dâng hiến, được sống như những đóa hoa tỏa ngát hương thơm cho đời:
Chẳng gì ngăn được tôi và những ước mơ này
Vì tôi yêu lắm lắm cuộc đời và tôi tin vào con tim tôi
Những tác phẩm trên được lựa chọn trình diễn trong buổi hòa nhạc hôm nay với mong muốn làm sống lại những điều mãi của lịch sử bằng thanh âm: đó là tình yêu quê hương đất nước, là niềm tự hào, là sự hy sinh và phụng sự tổ quốc.
Những nhạc phẩm bất hủ này nhắc nhớ chúng ta về những người đã ngã xuống để đất nước được trường tồn, về những gian lao mà đất nước đã đi qua. Trong chiến tranh, dân tộc Việt đã làm được những điều kỳ vĩ trước áp lực nước mất và chịu cảnh nô lệ. Còn thời kỳ xây dựng đất nước thì sao?
Chỉ 3 ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trong bức thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ mới, ngày 5/9/1945, Bác viết: “Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Có thể coi đây là bản Tuyên ngôn về đất nước hùng cường sau bản Tuyên ngôn Độc lập.
"Bất kỳ quốc gia nào đã "hoá rồng, hóa hổ" đều dựa vào sức mạnh tinh thần là chính. Sức mạnh này chỉ được kích hoạt khi quốc gia đó có một giấc mơ lớn, một khát vọng lớn. Đại hội XIII của Đảng lần đầu nói đến việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc.
Đại hội XIII của Đảng đã khởi tạo con đường phát triển đi qua 3 mốc: năm 2025, năm 2030 và năm 2045, để đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào thời điểm nước Việt Nam mới tròn 100 năm vào năm 2045, trên cơ sở động lực tăng trưởng chính là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Để làm được điều này, mỗi chúng ta hãy bắt đầu khát vọng lớn bằng một việc nhỏ, và hãy làm việc nhỏ ấy với một khát vọng lớn, một tình yêu lớn. Mỗi nghệ sĩ trên sân khấu này hôm nay sẽ là một nốt nhạc làm nên một dàn giao hưởng về khát vọng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Xin chúc quý vị một buổi thưởng thức âm nhạc trọn vẹn.
Xin trân trọng cảm ơn