Trong thông tin mới chia sẻ với VietNamNet, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, đúng theo kế hoạch, ngày 29/6, việc sửa chữa, khắc phục sự cố xảy ra trong tháng 3/2023 trên nhánh S7 của tuyến cáp quang biển quốc tế APG đã hoàn thành.
Với việc cáp nhánh S7 được sửa xong, thời điểm hiện tại, các kênh truyền kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế trên 2 hướng cáp kết nối đi HongKong (Trung Quốc) và Nhật Bản của tuyến APG đã được khôi phục.
Tuy nhiên, đại diện ISP này cũng cho hay, mặc dù nhánh cáp S7 gần trạm cập bờ Đà Nẵng của tuyến APG đã hoàn thành sửa chữa, song kết nối trên toàn tuyến cáp chưa được khôi phục hoàn toàn do phát sinh lỗi mới trên nhánh S1.7 hướng kết nối đi Singapore.
“Hiện tại, ước tính dung lượng của tuyến cáp biển APG đã được khôi phục khoảng 50%”, đại diện ISP chia sẻ thêm.
Với sự cố mới trên nhánh S1.7 hướng kết nối đi Singapore của tuyến cáp biển APG, các nhà mạng tại Việt Nam hiện chưa nhận được thông tin về nguyên nhân sự cố cũng như kế hoạch sửa chữa.
Được đưa vào khai thác từ cuối năm 2016, tuyến cáp quang biển quốc tế APG có chiều dài khoảng 10.400 km, được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương và có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam.
Tuyến cáp biển APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Viettel, VNPT, CMC Telecom, FPT Telecom và được nhận định là tuyến cáp góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam.
Liên tiếp vào cuối tháng 12/2022 và tháng 1/2023, tuyến cáp APG gặp sự cố trên các nhánh S6 hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc) và S9 với vị trí cáp lỗi cách trạm cập bờ SEA khoảng 151 km. Hai sự cố này khi đó đã gây mất toàn bộ dung lượng trên tuyến cáp APG.
Vào cuối tháng 3 và giữa tháng 4/2023, các sự cố trên nhánh S9 và S6 của tuyến cáp biển này đã lần lượt được sửa xong. Tuy nhiên, lưu lượng trên toàn tuyến chưa được khôi phục do phát hiện lỗi mới trên nhánh S7. Đây là phân đoạn cáp APG rẽ nhánh vào Việt Nam, với điểm cập bờ tại Đà Nẵng.
Cũng trong thời gian cuối năm 2022 và đầu năm 2023, ngoài APG, còn có 4 tuyến cáp biển khác là AAG, AAE-1, IA (còn gọi là Liên Á) và SMW3 gặp sự cố, gây ảnh hưởng nhất định đến chất lượng dịch vụ Internet quốc tế cung cấp cho người dùng Việt Nam. Trong hai tháng 4 và 5 vừa qua, sự cố trên 4 tuyến cáp biển AAG, AAE-1, SMW3 và IA đã được khắc phục xong, khôi phục hoàn toàn dung lượng.
Để tăng tính chủ động của Việt Nam, Bộ TT&TT dự kiến từ nay đến năm 2025 sẽ nâng tổng số tuyến cáp quang biển mà các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng lên khoảng 10 tuyến, gấp đôi hiện nay. Bộ cũng dự kiến chỉ đạo các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng khoảng 2 tuyến cáp biển quốc tế do nhóm các doanh nghiệp trong nước liên minh với nhau đầu tư, làm chủ.
Dự kiến, vào cuối năm nay và đầu năm 2024, 2 nhà mạng Việt Nam là VNPT và Viettel sẽ cùng các liên minh cáp đưa thêm 2 tuyến cáp biển SJC2 và ADC vào hoạt động, nâng tổng số tuyến cáp kết nối Internet Việt Nam với quốc tế lên 7. Cả 2 tuyến ADC, SJC2 đều có trạm cập bờ được đặt tại Bình Định.
Trao đổi với VietNamNet, đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam nhận định, thời gian tới sẽ có thêm các tuyến cáp biển với hướng kết nối đa dạng hơn, giúp giảm thiểu tình trạng đồng thời đa số các tuyến cáp biển không sử dụng được. Điều này không chỉ liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ của các nhà mạng, mà còn liên quan đến tính an toàn của Internet Việt Nam nói chung.
“Tôi cho rằng, để tăng thêm độ ổn định và an toàn cho Internet Việt Nam, có lẽ cần hướng tới vài nhóm giải pháp. Ngoài việc dễ thấy là đầu tư thêm các tuyến cáp quang biển với hướng kết nối đa dạng, việc thúc đẩy sự "vào Việt Nam" của các nền tảng toàn cầu nhằm đưa dữ liệu về gần người dùng Việt Nam cũng như thúc đẩy nội dung nội địa, là những lựa chọn đáng quan tâm”, đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam nêu quan điểm.