Hội nghị dự án cáp biển ADC vừa được Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel - Viettel Solutions đăng cai tổ chức từ ngày 5/6 đến 9/6 tại TP.HCM.
Trong 5 ngày hội nghị, 8 nhà đầu tư gồm NT, China Telecom, China Unicom, PLDT Inc., Singtel, SoftBank Corp., Tata Communications, Viettel và nhà thầu NEC đã tập trung chính vào việc tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai dự án cáp biển ADC.
Cụ thể, theo thông tin từ Viettel Solutions, các nhà đầu tư đã rà soát toàn trình tiến độ của dự án, đưa ra các chủ đề thảo luận xoay quanh những vấn đề cả kỹ thuật và thương mại. Hội nghị thông qua kế hoạch lắp đặt thiết bị tại trạm cập bờ còn lại, xác định thời gian dự kiến hoàn thành trạm cập bờ của tuyến cáp tại Singapore, đây cũng là điểm cập bờ cuối cùng của dự án cáp biển ADC.
Bên cạnh đó, các kế hoạch tích hợp, đo kiểm, nghiệm thu dự án, kế hoạch đào tạo nhân sự tại các trạm cập bờ, các điều khoản và các điều chỉnh liên quan quyền lợi và trách nhiệm của các đối tác thành viên của hệ thống ADC cũng được đưa ra bàn luận, đảm bảo tiến độ của toàn dự án.
ADC là tuyến cáp biển dài khoảng 9.800 km kết nối Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Hệ thống cáp ADC với thiết kế 8 cặp sợi quang, có khả năng truyền tải hơn 140 Tbps lưu lượng dữ liệu, cho phép truyền tải dung lượng cao qua khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Đây cũng là tuyến cáp quang biển sử dụng công nghệ truyền tải hiện đại, giúp kết nối các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với tổng vốn đầu tư ban đầu là 290 triệu USD.
Hiện tại, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam đang tham gia đầu tư, khai thác 5 tuyến cáp quang biển quốc tế gồm AAG, APG, SMW3, AAE-1 và IA. Theo kế hoạch dự kiến, cuối năm nay, liên minh cáp biển có VNPT sẽ đưa vào vận hành tuyến cáp biển mới SJC2. Thời gian khai thác vận hành tuyến cáp quang biển ADC có Viettel tham gia đầu tư là trong quý I/2024.
Một điểm khác biệt của 2 tuyến cáp quang biển SJC2 và ADC sắp được đưa vào vận hành là so với các tuyến cáp biển mà Việt Nam đang khai thác, 2 tuyến mới được kết nối vào Việt Nam tại Quy Nhơn, Bình Định. Theo nhận định của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, điều này giúp tăng tính an toàn cho hệ thống các kết nối quốc tế của Việt Nam, không tập trung hết tại một địa điểm cập bờ.
Mặt khác, việc 2 tuyến cáp SJC2, ADC vẫn kết nối tới HongKong, Singapore khẳng định một thực tế về vai trò lớn của 2 hub chính này, song cũng cho thấy Việt Nam có thể từng bước có cơ hội trở thành 1 trạm trung chuyển, kết nối của khu vực nếu hạ tầng kết nối sang các nước phía Tây cũng như hạ tầng trong nước được phát triển mạnh mẽ hơn.
Đánh giá về 2 tuyến cáp biển ADC và SJC2, ông Vũ Thế Bình cho biết, 2 tuyến cáp biển này đều được áp dụng những công nghệ mới nhất, do đó dung lượng và giá thành đều có khả năng tốt hơn các tuyến cáp biển hiện tại. Chắc chắn rằng, khi các tuyến cáp quang biển mới đưa vào hoạt động, sự phụ thuộc của Việt Nam vào các tuyến cáp biển hiện nay sẽ giảm đi; cùng với đó, độ an toàn, ổn định chất lượng dịch vụ cũng sẽ tăng lên.
Trong thông tin chia sẻ hồi tháng 2/2023, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho hay, để tăng tính chủ động của Việt Nam, Bộ TT&TT đang chỉ đạo các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng khoảng 2 tuyến cáp biển quốc tế do nhóm các doanh nghiệp trong nước liên minh với nhau đầu tư, làm chủ. Bộ TT&TT sẽ là đầu mối để tập hợp, vận động các doanh nghiệp viễn thông trong nước phối hợp xây dựng, trong đó sẽ có doanh nghiệp lớn, mạnh đứng đầu triển khai và các doanh nghiệp khác tham gia, góp sức.
Tiếp đó, tại cuộc họp báo tháng 5 của Bộ TT&TT diễn ra ngày 5/5, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc cho biết, thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, xây dựng thêm từ 4 - 6 tuyến cáp quang biển mới, phù hợp với dự thảo “Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông 2021 - 2030 để bảo đảm đáp ứng nhu cầu đến năm 2030”.