Là lỗ hổng bảo mật ảnh hưởng mức cao, CVE-2021-42321 tồn tại trong Microsoft Exchange Server cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa. Đây là 1 trong 55 lỗ hổng bảo mật đã được Microsoft đã phát hành bản vá vào ngày 10/11.
CVE-2021-42321 cũng là 1 trong những lỗ hổng bảo mật ngay trong ngày 10/11 đã được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý, cùng với các lỗ hổng khác trong sản phẩm của Microsoft như CVE-2021-38631, CVE-2021-41371, CVE-2021-42292, CVE-2021-26443, CVE-2021-43208 và CVE-2021-43209.
Lỗ hổng bảo mật CVE-2021-42321 trong Microsoft Exchange Server cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa (Ảnh minh họa: Internet) |
Trong thông tin vừa chia sẻ ngày 17/11, Trung tâm NCSC cho biết, qua công tác giám sát từ 10/11 cho đến nay, Trung tâm đã ghi nhận dấu hiệu tấn công vào một số hệ thống thư điện tử tại Việt Nam sử dụng sử dụng máy chủ Microsoft Exchange, bị đối tượng tấn công khai thác qua lỗ hổng CVE-2021-42321.
Các chuyên gia NCSC cho biết, lỗ hổng bảo mật CVE-2021-42321 ảnh hưởng tới máy chủ thư điện tử Microsoft Exchange, trong khi đó tại Việt Nam có tới 70% máy chủ thư điện tử sử dụng Microsoft Exchange.
Không giống như các lỗ hổng zero-day liên quan đến các vụ tấn công hàng loạt hệ thống Exchange Server vào đầu năm nay, để khai thác lỗ hổng CVE-2021-42321 kẻ tấn công cần xác thực vào hệ thống mục tiêu. Tuy nhiên, Microsoft Exchange Server luôn là một mục tiêu ưa thích của các nhóm tấn công mạng; và việc có một tài khoản email để vượt qua bước xác thực đối với hacker không phải là việc khó khăn.
Chính vì thế, để hạn chế nguy cơ bị tấn công qua lỗ hổng bảo mật CVE-2021-42321, Trung tâm NCSC khuyến nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần rà soát, kiểm tra xem hệ thống của đơn vị mình có bị ảnh hưởng hay không.
Trường hợp hệ thống của cơ quan, tổ chức bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng CVE-2021-42321, đơn vị đó cần kịp thời ngăn chặn các nguy cơ tấn công bằng cách cập nhật phiên bản mới nhất đã được hãng Microsoft công bố tại trang msrc.microsoft.com.
Trong các tháng đầu năm nay, Cục An toàn thông tin đã nhiều lần có cảnh báo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc về các lỗ hổng bảo mật trong phần mềm Microsoft Exchange Server. Đơn cử như, ngày 3/3, Trung tâm NCSC đã cảnh báo về 4 lỗ hổng bảo mật trên Microsoft Exchange Server, trong đó nguy hiểm nhất là CVE-2021-26855 (còn gọi là lỗ hổng ProxyLogon), ảnh hưởng trực tiếp tới các phiên bản phần mềm Microsoft Exchange Server 2013/2016/2019, cho phép đối tượng tấn công truy cập vào máy chủ hệ thống, chèn và thực thi mã từ xa.
Tiếp đó, vào ngày 14/4, Trung tâm NCSC lại phát cảnh báo rộng rãi về 4 lỗ hổng bảo mật mới trong Microsoft Exchange Server; trong đó đối tượng tấn công có thể khai thác thành công mà không cần xác thực với 2 lỗ hổng CVE-2021-28480 và CVE-2021-28481.
Thống kê cho thấy, riêng trong quý III, Cục An toàn thông tin đã cảnh báo hơn 10 lỗ hổng cho các đơn vị chuyên trách về CNTT, an toàn thông tin và mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia. Trong đó, có một số lỗ hổng quan trọng như Windows Print Spooler, Cisco Firepower Device cùng nhiều lỗi CVE (định danh chuẩn hóa cho các lỗ hổng bảo mật trên toàn cầu) khác.
Cục An toàn thông tin cho biết, để đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin thời gian tới cơ quan này sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, chủ động rà quét không gian mạng Việt Nam; đồng thời chú trọng đôn đốc việc rà soát các điểm yếu, lỗ hổng, dấu hiệu tấn công mạng.
Vân Anh
Cảnh báo 7 lỗ hổng bảo mật ảnh hưởng cao và nghiêm trọng trong sản phẩm Microsoft
Trong 55 lỗ hổng bảo mật mới được Microsoft công bố và phát hành bản vá, Cục An toàn thông tin lưu ý các cơ quan, đơn vị về những lỗ hổng bảo mật gây ảnh hưởng nghiêm trọng.