Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) cho biết đã phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân ung thư 91 tuổi là bà T.T.L (Bình Định). Trước khi nhập viện 1 tháng, bà L. có biểu hiện sút cân, đại tiện khó, phân kèm nhầy lẫn máu.
Trước nhập viện 3 ngày, bệnh nhân đau bụng quặn từng cơn. Đi khám tại bệnh viện tỉnh, bác sĩ phát hiện bà có khối u đại tràng Sigma nghi ung thư. Do bà L. lớn tuổi và mang nhiều bệnh lý nền nguy hiểm, bác sĩ đã tư vấn chuyển vào Bệnh viện Quân y 175.
Tại Khoa Quốc tế (A16), bệnh nhân được nâng đỡ thể trạng, thực hiện các xét nghiệm và cận lâm sàng, đi đến chẩn đoán xác định là bán tắc ruột do ung thư đại tràng Sigma. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi hơn 60 phút, cắt đoạn đại tràng sigma - trực tràng, nối ngay, nạo vét hạch toàn bộ cho bệnh nhân.
Sau khi phẫu thuật, người bệnh được chăm sóc kỹ lưỡng, sinh hiệu ổn định, đường tiêu hóa lưu thông tốt. Sau 7 ngày, bà L. được xuất viện.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Thành, Khoa Quốc tế, thời gian qua, nhiều bệnh nhân trên 90 tuổi đã được phẫu thuật thành công tại bệnh viện. Bác sĩ cho biết người lớn tuổi thường có các bệnh lý nền nguy hiểm, dinh dưỡng kém gây nhiều thách thức cho phẫu thuật viên. Ngoài ra, khi phát hiện ung thư, người lớn tuổi thường có tâm lý chán nản, ngại đi viện vì sợ ảnh hưởng kinh tế gia đình.
“Tuổi tác là một trong những vấn đề cần cân nhắc khi tiến hành điều trị ung thư nhưng không nên vì thế mà vội từ bỏ. Trong điều kiện cho phép và bảo đảm kỹ thuật, bệnh nhân vẫn nên tiến hành phẫu thuật giúp nâng cao chất lượng sống”, bác sĩ Thành nói.
Ung thư đường tiêu hóa là loại ung thư thường gặp. Trong đó, ung thư đại trực tràng và dạ dày đang có xu hướng tăng lên.
Theo bác sĩ Thành, để phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa, người dân nên hạn chế ăn đồ chiên xào, thịt đỏ. Đồng thời, ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ, hạn chế thức uống có cồn, bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, A, vận động, thể dục thể thao đều đặn, không hút thuốc…
Người dân nên duy trì kiểm tra sức khỏe định kỳ và khám sàng lọc ung thư, đặc biệt với người trên 50 tuổi hoặc gia đình có người từng mắc bệnh ung thư đường tiêu hóa. Mức độ nguy hiểm của loại bệnh này phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Nếu phát hiện càng sớm, tỷ lệ điều trị thành công càng cao.
Riêng với ung thư đại trực tràng, yếu tố nguy cơ bao gồm: tiền sử bị polyp đại trực tràng, nhất là những polyp có kích thước lớn hoặc đa polyp; những người có tiền căn viêm loét đại tràng; tiền sử gia đình có người bị ung thư đại trực tràng khiến nguy cơ mắc bệnh tăng từ 2-3 lần; chế độ ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ, béo phì, lười vận động, thiếu vitamin, thiếu can xi, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia…
Người bệnh có thể bị các triệu chứng như chảy máu trực tràng, thay đổi khuôn phân, rối loạn lưu thông ruột (thay đổi thói quen đại tiện, giờ giấc, số lần đi ngoài, có khi bị táo bón, tiêu chảy hoặc xen kẽ), đau vùng hạ vị, buồn đi ngoài, cảm giác đi ngoài không hết phân, u gây biến chứng như tắc ruột.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể thiếu máu, gầy sút, suy kiệt... Khi có các dấu hiệu trên, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra, chẩn đoán sớm.
Ung thư đại trực tràng là một trong những ung thư đường tiêu hóa hay gặp trên thế giới và Việt Nam, tăng nhanh qua từng năm. Ghi nhận từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), hằng năm Việt Nam phát hiện hơn 14.000 ca mắc mới và hơn 7.500 ca tử vong do ung thư đại trực tràng.