Cuối tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã nhấn mạnh: Đại hội XIII của Đảng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, định hướng XHCN.
Đại hội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc, của việc phát huy sức mạnh nội sinh trong việc hướng tới những mục tiêu chiến lược đó. Trong đó, tôn giáo được khẳng định là một trong những nguồn lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Đề cập đến những giá trị tích cực của tín ngưỡng, tôn giáo trong chiến lược xây dựng và phát triển, hôm nay, Báo Vietnamnet tổ chức tọa đàm “Những giá trị tích cực của tín ngưỡng, tôn giáo góp phần xây dựng và phát triển đất nước” với 2 vị khách mời:
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Tiến sĩ Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ.
>> Mời quý độc giả xem video buổi Tọa đàm:
Khẳng định nguồn lực của tôn giáo và việc phát huy nguồn lực tôn giáo
Nhà báo Lê Diệu Thúy: Thưa tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh, xin ông cho biết quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy giá trị đạo đức, văn hóa và nguồn lực tôn giáo?
TS. Nguyễn Văn Thanh: Trước hết, Hồ Chí Minh đã được kế thừa các tinh hoa văn hóa của dân tộc, cộng với quá trình đi tìm đường cứu nước, Người đã kết hợp được rất nhiều tinh hoa văn hóa của nhân loại. Ngay từ đầu Người luôn luôn trân trọng các giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp, rất nhân văn, bác ái của các tôn giáo và Hồ Chí Minh cũng nhìn thấy được các lãnh tụ của các tôn giáo đều là những bậc hiền trí của nhân loại.
Chính vì vậy Hồ Chí Minh chủ trương là muốn giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước thì phải phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Và trong sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đó, đồng bào các tôn giáo đóng vai trò rất quan trọng. Bác chủ trương đồng bào các tôn giáo ai cũng là người Việt Nam, ai cũng mang trong mình dòng máu con Lạc, cháu Hồng, ai cũng có lòng ái quốc. Do đó phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết của các tôn giáo cùng với toàn dân để hoàn thành sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc và đất nước.
Bên cạnh đó, Người cũng luôn trân trọng các giá trị văn hóa, giá trị kiến trúc nghệ thuật cũng như các giá trị về mặt tri thức của các tôn giáo đóng góp cho văn minh nhân loại cũng như cho sự phát triển tiến bộ trong tư duy, nhận thức của con người.
Người chủ trương chúng ta phải biết “gạn đục khơi trong” và phát huy những điểm tốt đẹp của các tôn giáo trong quá trình kháng chiến kiến quốc, cũng như sau này trong quá trình xây dựng CNXH ở miền Bắc, Người luôn nâng niu, trân trọng và phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và đặc biệt là nguồn lực của tôn giáo, trong đó nguồn lực con người vẫn là nguồn lực rất vô tận. Vì vậy chúng ta phải biết có cơ chế, chính sách cụ thể và cả những hành vi ứng xử cụ thể để phát huy các giá trị và nguồn lực đó.
TS. Lê Thị Liên: Tôi rất đồng tình với phân tích của TS. Nguyễn Văn Thanh. Có thể nói quan điểm của Hồ Chí Minh đối với nguồn lực tôn giáo, đặc biệt là giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo… là nền tảng để Đảng, Nhà nước có những quan điểm về tín ngưỡng, tôn giáo như hiện nay. Bác là danh nhân thế giới, là nhà văn hóa kiệt xuất, do vậy dù bất cứ hoàn cảnh nào Bác luôn nhìn tôn giáo với cách nhìn của nhà văn hóa.
Giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo đã được Bác đúc kết và trở thành một trong những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo. Chính từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa mà trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ chúng ta đã đoàn kết rất tốt đồng bào các tôn giáo cùng với toàn dân kháng chiến cứu quốc và đến ngày nay là xây dựng CNXH.
Cùng với đó, tư tưởng của Bác với tôn giáo là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào. Bác đánh giá rất cao các tín đồ tôn giáo và nguồn lực của tôn giáo như anh Thanh vừa chia sẻ là nguồn lực con người. Đấy chính là giá trị nhân văn khi Bác nhìn nhận tín đồ tôn giáo là những người mang trong mình niềm tin, giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo.
Bác đánh giá cao giá trị triết lý của mỗi tôn giáo, Bác nói: “Chúa Giêsu dạy: đạo đức là bác ái, Phật Thích ca dạy: đạo đức là từ bi, Khổng tử dạy: đạo đức là nhân nghĩa", "Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? họ đều muốn mưu phúc lợi cho loài người, mưu hạnh phúc cho xã hội… Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy
Điều đó cho thấy Bác rất đề cao giá trị trong những triết lý của các tôn giáo. Đồng thời Bác cũng đánh giá cao vai trò của các vị lãnh tụ các tôn giáo là những người sáng lập nên tôn giáo và mang giá trị đó đến dân tộc và nhân loại.
Tôi nghĩ rằng quan điểm của Bác là kim chỉ nam đặt nền móng để cho Đảng, Nhà nước khai thông, phát huy giá trị đó, nhìn nhận giá trị đó trong công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam hiện nay. Ở bất cứ lĩnh vực công tác nào Bác đều căn dặn cán bộ, chiến sĩ luôn luôn phải đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.
Tôi nghĩ quan điểm của Bác rất rõ trong vấn đề nhìn nhận tôn giáo là văn hóa, là giá trị, là đạo đức rất phù hợp với đạo đức của dân tộc, chính là động lực và là mẫu số chung để chúng ta phát huy giá trị đạo đức tôn giáo trong xây dựng đạo đức xã hội.
TS. Nguyễn Văn Thanh: Có thể nói các tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như về công tác tín ngưỡng, tôn giáo là sự phát triển mới của học thuyết Mác - Lênin về phát triển và tập hợp lực lượng cách mạng. Trong tư tưởng của các nhà kinh điển như Các Mác, Ăngghen, thậm chí sau này đến thời kỳ của LêNin đã giành được chính quyền, hầu như chúng ta chưa thấy đặt ra vấn đề tập hợp lực lượng của các tôn giáo, nhất là đối với chức sắc, nhà tu hành hay tín đồ các tôn giáo.
Chỉ đến Hồ Chí Minh mới đặt ra vấn đề cần phải đoàn kết, vận động, tập hợp đồng bào các tôn giáo và thấy được các nguồn lực, sức mạnh, lòng ái quốc của đồng bào các tôn giáo Việt Nam. Phát triển từ nền tảng tư tưởng đó của Hồ Chí Minh đã hình thành phương châm mang tính kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam, đó là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Như chúng ta vừa đề cập, Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc và trong đó tôn giáo được khẳng định là một trong những nguồn lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Thưa Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh, ông có thể điểm những nét nổi bật về tôn giáo được nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng?
TS. Nguyễn Văn Thanh: Xuyên suốt trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc từ thời kỳ đổi mới năm 1986 đến nay luôn nhất quán quan điểm là tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Tại Đại hội VI chúng ta đã nhấn mạnh đến phát huy các giá trị đạo đức của tôn giáo. Đến Đại hội X chúng ta khẳng định phát huy giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo
Nhưng đến văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung một mệnh đề rất mới, đó là phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo để phát triển đất nước bền vững. Có thể nói việc bổ sung, phát triển quan điểm là phát huy nguồn lực tôn giáo để thúc đẩy và hỗ trợ và coi như là một nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước là điểm nổi bật nhất.
TS. Lê Thị Liên: Nghiên cứu rất kỹ những quan điểm liên quan đến tôn giáo trong văn kiện Đại hội Đảng XIII, tôi nghĩ rằng qua rất nhiều kỳ Đại hội Đảng, chưa lần nào mà văn kiện nói nhiều về tôn giáo như vậy.
Trong văn kiện Đại hội Đảng XIII có 3 quan điểm rất rõ ràng đối với tôn giáo. Một, đấy là Đảng tiếp tục nhấn mạnh, khẳng định đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Điều này xuyên suốt ngay từ khi thành lập nước và đến bây giờ tôi nghĩ đó là nền móng rất quan trọng trong quan điểm của Đảng, khẳng định Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến đồng bào các tôn giáo.
Quan điểm thứ hai, là mục tiêu đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều này cũng vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Hiện đồng bào các tôn giáo chiếm 27% dân số cả nước, nếu tính đồng bào theo tín ngưỡng nữa thì con số này là 95% dân số, chưa tính chúng ta có 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có hơn 2 triệu là đồng bào các tôn giáo.
Do vậy, mục tiêu đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề mà trong văn kiện Đại hội lần này Đảng tiếp tục nhấn mạnh để tập hợp lực lượng và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Có lẽ chưa một đất nước nào trên thế giới có chiến tranh nhân dân trừ Việt Nam, chính nhờ đại đoàn kết toàn dân tộc chúng ta mới có được sức mạnh như vậy.
Quan điểm thứ ba như TS. Nguyễn Văn Thanh vừa chia sẻ. Đó là lần đầu tiên chúng ta đưa vào văn kiện khẳng định nguồn lực của tôn giáo và chỉ rất rõ, đó là phát huy nguồn lực tôn giáo trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đời sống ở khu dân cư. Chúng ta không nói đến vấn đề nguồn lực tôn giáo ở một nghĩa mang tính chất định hướng, tuyên ngôn mà nói rất rõ để phát triển cái gì, phục vụ cái gì?
Cùng với ba quan điểm đó thì trong những chiến lược, nhiệm vụ cho giai đoạn tới văn kiện cũng chỉ rất rõ trong nhiệm vụ trong 2 giai đoạn dài hạn và ngắn hạn - từ 2021 - 2030 và từ 2025 – 2030, chúng ta cần chủ động hơn, tích cực hơn và để thực hiện tốt hơn mục tiêu mà ba quan điểm về công tác tôn giáo của Đại hội Đảng XIII đã đưa ra.
Khi nghiên cứu các văn kiện và nghị quyết Đại hội Đảng trước đây chúng tôi thấy vấn đề phát huy nguồn lực tôn giáo không phải đến Đại hội XIII mới đề cập, nhưng trước đây mới đề cập ở những văn bản mang tính chất hẹp, mang tính chất chỉ đạo, ở phương diện nào đó có thể nó chưa được công bố rộng rãi. Nhưng đến văn kiện Đại hội XIII thì được nâng lên tầm mới, vừa đưa vào văn kiện, vừa mang tính chất thông tin rộng rãi và công khai trong vấn đề mà Đảng, Nhà nước chúng ta nhìn nhận việc phát huy nguồn lực tôn giáo.
Tôi nghĩ đấy chính là một bước phát triển rất rõ nét trong nhận thức cũng như quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với nguồn lực tôn giáo hiện nay. Và đấy sẽ là một bước quan trọng để từ đó các bộ, ban, ngành, thể chế hóa các vấn đề đó, đưa vào các văn bản pháp luật để nó được thực hiện tốt hơn trong đời sống.
Vậy bà đánh giá như thế nào về những nội dung liên quan đến tôn giáo, đến công tác tôn giáo đã được đề cập trong văn kiện Đại hội Đảng XIII.
TS. Lê Thị Liên: Nghiên cứu các văn kiện, nghị quyết của các kỳ Đại hội trước chúng ta thấy rằng ở mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi giai đoạn phát triển đất nước thì tình hình tôn giáo, công tác tôn giáo đều được đưa ra phù hợp với giai đoạn đó. Đến giai đoạn hiện nay thì cách mà văn kiện đưa ra rất quan trọng. Đó là hoàn toàn chúng ta chủ động trong công tác tôn giáo; trong vấn đề tiếp xúc, gặp gỡ chức sắc; trong vấn đề phát huy hiệu quả, hiệu lực của công tác tôn giáo; trong vấn đề công tác vận động quần chúng; trong vấn đề đảm bảo đời sống của đồng bào các tôn giáo.
Công tác tôn giáo trước đây được thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của các ngành. Nhưng bây giờ Đảng đặt vấn đề cao hơn, công tác tôn giáo là của cả hệ thống chính trị, do vậy mà công tác đó chủ động, rõ nét hơn và phân ra các giai đoạn rõ ràng hơn. Như vậy, công tác tôn giáo tiệm cận rất sát với sự biến đổi của đời sống tôn giáo cũng như tình hình đất nước chúng ta ngày càng đổi mới và hội nhập.
Có như vậy thì tất cả mọi việc liên quan đến tôn giáo, từ vấn đề đảm bảo quyền của đồng bào các tôn giáo; từ vấn đề là chúng ta định đoán, đón nhận những luồng văn hóa, tư tưởng, kể cả tôn giáo từ nước ngoài vào... đến những vấn đề phát sinh của tôn giáo trong nước hoàn toàn chủ động.
Do đó tôi nghĩ rằng tình hình đảm bảo đời sống tôn giáo để góp phần quan trọng trong công tác xã hội, ổn định phát triển đất nước là nhiệm vụ mà văn kiện Đại hội Đảng XIII đã yêu cầu các bộ, ban, ngành. Từ đó chúng ta đã có một loạt những triển khai liên quan đến vấn đề xây dựng những nội dung liên quan đến tôn giáo trong các nghị quyết chuyên ngành, dẫn đến những thay đổi trong vấn đề xây dựng các luật để phù hợp hơn trong nhiệm kỳ tới và giai đoạn đổi mới đất nước.
TS. Nguyễn Văn Thanh: Tôi nhất trí với quan điểm TS. Lê Thị Liên vừa trao đổi. Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm, về vấn đề công tác tôn giáo trong văn kiện Đại hội VIII của Đảng, chúng ta thấy là có mấy quan điểm. Một là chúng ta khẳng định kế thừa tiếp tục quan điểm về bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Thứ hai là khẳng định trách nhiệm trong việc vận động, tập hợp đồng bào các tôn giáo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba là việc nghiêm trị. Chúng ta phát huy mặt mạnh, mặt tốt, phát huy điểm sáng. Nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng nhấn mạnh việc cần phải nghiêm trị các đối tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm phạm đến an ninh quốc gia…
Đó là 3 điểm mà chúng ta tiếp tục kế thừa các văn kiện Đại hội trước, và có hai điểm mới mà chúng ta vừa trao đổi. Đó là việc phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo.
Và điểm mới thứ hai, ẩn chứa trong các mảng khác trong văn kiện, đó là việc trước đây chúng ta khẳng định công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nội dung cốt lõi là công tác vận động quần chúng. Nhưng đến văn kiện Đại hội Đảng XIII, Đảng đã nhấn mạnh đến cả trách nhiệm, không chỉ là hệ thống chính trị, mà phải huy động và thấy được vai trò của chính các tổ chức, cá nhân tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trong việc tham gia triển khai thực hiện công tác tôn giáo và các chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước.
Nguồn lực tinh thần của tôn giáo mang giá trị trường tồn
Thưa tiến sĩ Lê Thị Liên, xin bà chia sẻ về những giá trị đạo đức văn hóa của tôn giáo tại Việt Nam?
TS. Lê Thị Liên: Những năm gần đây, giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo được nhắc đến, đề cập rất nhiều trong nhiều môi trường chứ không chỉ là môi trường về tôn giáo và rất nhiều diễn đàn, rất nhiều nhà nghiên cứu, rất nhiều bài viết đã được đăng tải liên quan đến những giá trị này.
Tôi cho rằng điều đó là phù hợp. Bởi đất nước đã vững vàng trên con đường tiến lên CNXH và trong tiến trình hội nhập quốc tế, thì nhìn nhận khách quan để phát huy giá trị đạo đức văn hóa tôn giáo trong xây dựng đất nước là cần thiết.
Bản thân tôn giáo khi sinh ra đã mang trong mình giá trị đạo đức, văn hóa. Những triết lý, những lời răn, giáo huấn của tôn giáo chính là những giá trị đạo đức không có gì xa lạ mà còn gắn bó với giá trị đạo đức truyền thống của Việt Nam như 10 điều răn của Thiên chúa, ngũ giới của Phật giáo... Tất cả các tôn giáo khi xây dựng chủ thuyết, giáo lý đều hướng đến chân thiện mỹ, đó chính là giá trị đạo đức tôn giáo.
Có thể thấy rất rõ giá trị đạo đức tôn giáo ở hai lĩnh vực.
Một là, như tôi vừa đề cập là trong triết lý, trong lời răn dạy tín đồ để trở thành người có ích cho xã hội, làm điều thiện, tránh điều ác, những điều ảnh hưởng đến gia đình, xã hội, đến cá nhân và chính cộng đồng tôn giáo.
Hai là, giá trị ở những công trình nghệ thuật kiến trúc của tôn giáo cũng chính là văn hóa. Những công trình biểu tượng từ Nhà thờ Lớn, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đến chùa Một Cột, tháp Phổ Minh, những ngôi chùa lớn, tòa thánh Cao Đài, v.v... tất cả chính là giá trị văn hóa vật thể trong đại gia đình văn hóa kiến trúc của Việt Nam. Những kiến trúc, công trình của tôn giáo chính là những nét chấm phá, những giá trị để lại lâu đời cho cả các thế hệ sau này.
Chúng ta rất cần phải giữ gìn, phát triển và khai thác để đưa vào làm cho giá trị đạo đức của dân tộc tốt đẹp hơn, bồi bổ thêm những cái mà trong quá trình phát triển của xã hội còn có những khuyết thiếu, mai một.
Tôi cho rằng đó là sự phát triển rất hữu ích và đúng đắn, phù hợp với chủ trương chính sách về tôn giáo của Đảng, Nhà nước.
Vâng, tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh, ông có bổ sung gì thêm? Theo ông, giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo đóng vai trò thế nào trong hệ giá trị chung của văn hóa Việt Nam?
TS. Nguyễn Văn Thanh: Lịch sử đất nước mấy nghìn năm, giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo đã được nói đến từ thời lập quốc. Các giá trị văn hóa, đạo đức của tín ngưỡng, tôn giáo đã hòa nhập và lan tỏa sâu đậm trong đời sống xã hội và nó là nhân tố rất quan trọng để hun đúc và bồi đắp nên bản lĩnh, trí tuệ cũng như chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tất cả các tư tưởng đó cũng hội tụ, vun bồi để tạo thành chủ nghĩa yêu nước, đồng thời cũng xây dựng truyền thống đại đoàn kết dân tộc qua suốt chiều dài lịch sử, là mạch nguồn lịch sử dân tộc từ thời dựng nước, giữ nước đến thời hiện nay. Và trong tư tưởng hiện nay chúng ta thấy có rất nhiều mục tiêu và giá trị đẹp đẽ của văn hóa, đạo đức tôn giáo rất tương đồng với các mục tiêu xây dựng CNXH. Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh có sự tương đồng lớn với tư tưởng từ bi, bác ái và rất nhiều tư tưởng khác của các tín ngưỡng, tôn giáo.
Và đó là mẫu số chung để chúng ta quy tụ, đoàn kết toàn dân, kể cả người có tôn giáo hay không tôn giáo, người ở trong nước cũng như người ở nước ngoài, tất cả đều hướng tới một Tổ quốc mẹ hiền Việt Nam để có động lực, khát vọng, sự dấn thân, cống hiến cho đất nước và theo đường hướng vừa xây dựng đất nước vừa hội nhập với thế giới.
Chúng ta đã đề cập nhiều đến nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam, vậy thì theo TS. Lê Thị Liên, nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam về tinh thần, về vật chất như thế nào?
TS. Lê Thị Liên: Nguồn lực tôn giáo Việt Nam thể hiện ở 3 khía cạnh.
Một là nguồn lực tinh thần thì nãy giờ chúng ta bàn nhiều rồi. Đó là cái giá trị cốt lõi của các tôn giáo thể hiện trong các triết lý, giáo lý tôn giáo. Và tôi nghĩ nguồn lực tinh thần này mới là nguồn lực bền vững của tôn giáo, vì bản thân tôn giáo khi sinh ra đã mang theo nguồn lực đó và bao nhiêu đời, bao nhiêu lớp, thế hệ các tín đồ tôn giáo và chức sắc tôn giáo đã gìn giữ, lưu truyền, phát triển nó. Nếu xa rời nguồn lực này thì chắc chắn giá trị tôn giáo sẽ giảm đi, không còn lan tỏa trong đời sống xã hội nữa.
Những lời răn, lời dạy, sự làm gương của các chức sắc tôn giáo… dạy cho con người hướng đến chân thiện mỹ... chính là nguồn lực tinh thần của tôn giáo mang giá trị trường tồn. Tôi nghĩ rằng duy trì, định hướng, phát triển đúng và đưa giá trị này về đúng với giá trị truyền thống của các tôn giáo mới là cái bền vững và cần thiết mà các cơ quan chức năng cũng như chính các tổ chức tôn giáo phải quan tâm.
Thứ hai là nguồn nhân lực. 27% dân số Việt Nam là tín đồ tôn giáo, đây chính là nguồn nhân lực đang làm ra của cải cho xã hội, là một bộ phận không thể thiếu của dân tộc Việt Nam, là nguồn lực vô cùng quan trọng, không thể tách rời. Đất nước phát triển có đóng góp của nguồn nhân lực này.
Khi nguồn nhân lực này được định hướng, phát triển đúng và được giáo dục tuyên truyền đúng thì nó là sức mạnh. Nếu thiếu đồng thuận, một chút đi chệch hướng thì nó sẽ thành vấn đề không chỉ là của tôn giáo mà của cả xã hội.
Trong nguồn nhân lực này có nguồn lực của tín đồ tôn giáo, đồng thời có nguồn lực mà trong nghiên cứu chúng tôi thường gọi là “nguồn nhân lực chất lượng cao”. Đó chính là hệ thống các chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo là những người chuyên hoạt động tôn giáo.
Họ là người chăm lo đời sống tinh thần cho tín đồ, đời sống tinh thần của tín đồ được định hướng bởi chức sắc tôn giáo. Giá trị đạo đức của một tôn giáo có được lan tỏa hay không là chính do nguồn lực chất lượng cao này. Do đó vai trò của nguồn lực này rất quan trọng trong vấn đề dẫn dắt và kể cả trong vấn đề hướng dẫn các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng chính sách pháp luật và đồng thuận với chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Thứ ba là nguồn lực vật chất, thể hiện rất đa dạng, phong phú: nguồn lực vật chất sẵn có, rồi nguồn lực vật chất từ kinh phí mà bản thân tín đồ đóng góp cho tôn giáo, rồi nguồn lực vật chất mà chính các chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo kêu gọi từ xã hội để trở thành nguồn lực của tôn giáo và lấy nguồn lực đó để quay trở lại đóng góp cho xã hội.
Nguồn lực này rất lớn. Điều này thể hiện rất rõ trong đại dịch Covid-19. Với sự kêu gọi của các tổ chức tôn giáo, những đóng góp trở thành nguồn lực của tôn giáo và tôn giáo đóng góp trở lại nguồn lực đấy cho cộng đồng xã hội, chung tay cùng cả nước phòng chống dịch.
Dù vậy, theo quan điểm của tôi, nguồn lực này không phải là nguồn lực mang tính chất quyết định và bền vững như nguồn lực tinh thần của tôn giáo. Nguồn lực vật chất thì tùy từng thời kỳ, từng giai đoạn, từng vụ việc thì nó nổi hơn hay chìm hơn... phụ thuộc nhiều vào điều kiện khách quan và chủ quan. Nhưng nguồn lực giá trị về văn hóa, đạo đức, về triết lý tôn giáo, những giá trị mà mỗi một tôn giáo mang đến và ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng, xã hội mới chính là nguồn lực bền vững của mỗi tôn giáo mà nếu tôn giáo chệch hướng khỏi nó thì cho dù hai nguồn lực kia có là bệ đỡ thì cũng không thể nào mà có thể phát huy được giá trị tích cực như thế.
Bởi vì chúng ta nhìn thấy tôn giáo là nhìn thấy đạo đức xã hội, nhìn thấy tôn giáo là nhìn thấy sự thánh thiện, sự linh thiêng mà người dân đều hướng đến. Khi ở bên ngoài chúng ta có thể ăn nói vui vẻ, cười đùa to tiếng với nhau, nhưng một khi đã bước vào một không gian tôn giáo, tham dự một cuộc lễ thì chắc chắn tự bản thân chúng ta phải kiềm chế tất cả sự bộc phát và trở thành một con người được giá trị đạo đức soi vào, phải tự định hình lại bản thân.
Đó là lý do vì sao những buổi lễ trong nhà thờ, chùa chiền, những sinh hoạt tôn giáo lại thu hút được nhiều tín đồ đến vậy. Và mỗi tín đồ sau khi thỏa mãn được những niềm tin của mình, quay trở về họ lại giáo dục, lan tỏa những giá trị của tôn giáo đến người thân, gia đình mình.
Đánh giá đúng về bản chất phát huy nguồn lực của các tôn giáo
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh, việc quán triệt quan điểm của Đảng trong phát huy giá trị đạo đức, văn hóa và nguồn lực tôn giáo như Tiến sĩ Lê Thị Liên vừa đề cập hiện nay như thế nào?
TS. Nguyễn Văn Thanh: Các quan điểm của Đảng về tôn giáo nói chung và phát huy các nguồn lực tôn giáo nói riêng, nhất là sau Đại hội Đảng XIII, đã có sự triển khai rất đồng bộ và bài bản. Chẳng hạn, hiện nay nhờ cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ số, chúng ta đã có những hội nghị trực tuyến triển khai mà ở đó trực tiếp Tổng Bí thư, nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước trực tiếp trao đổi, chỉ đạo việc triển khai rất nhiều nội dung cụ thể, quan trọng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, từ đó lan tỏa trong toàn quốc, thậm chí ra cả nước ngoài.
Trước đây các hội nghị quán triệt, triển khai chỉ có số lượng tham dự hạn chế. Giờ số lượng một hội nghị có thể có hàng chục nghìn người và không những là lãnh đạo ở cấp tỉnh, cấp huyện, các sở, ban, ngành mà đến tận cơ sở và cấp cán bộ, đảng viên, thậm chí là nhân dân từ khu dân cư cũng được nghe trực tiếp các lãnh đạo cấp cao trao đổi, truyền đạt nhiều tư tưởng quan trọng của Đại hội. Ngoài ra trong chính từng hệ thống, từng bộ, ban, ngành cũng có sự triển khai đồng bộ và các hệ thống giáo dục của quốc gia cũng tham gia triển khai. Tất cả nói chung là toàn bộ hệ thống chính trị.
Và bản thân nhiều tổ chức tôn giáo cũng có sự phối hợp với UBMTTQ Việt Nam ở các cấp để triển khai, giới thiệu các nội dung rất quan trọng của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, trong đó có nội dung liên quan đến phát huy nguồn lực tôn giáo vào trong đời sống xã hội.
Bên cạnh đó cũng có rất nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề chuyên sâu liên quan đến phát huy nguồn lực tôn giáo. Chẳng hạn TS. Lê Thị Liên là chủ nhiệm một đề tài khoa học cấp Bộ liên quan đến phát huy nguồn lực tôn giáo và tôi cũng là chủ nhiệm một đề tài khoa học cấp Bộ liên quan đến phát huy nguồn lực tôn giáo trong hoạt động an sinh xã hội. Rồi là bên Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng tích cực triển khai các đề tài nhiều cấp khác nhau liên quan đến việc phát huy nguồn lực tôn giáo.
Như vậy chúng ta thấy không chỉ dừng lại các quan điểm mệnh đề chung của nghị quyết mà đã lan tỏa thành nhiều đề tài, công trình và đưa vào đào tạo đại học, sau đại học liên quan các đề tài cụ thể cho các học viên Cao học, nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Thậm chí nhiều quý vị chức sắc các tôn giáo đang theo học thạc sĩ, làm NCS tiến sĩ tại các trung tâm đào tạo cũng nghiên cứu các đề tài và giới thiệu để phát huy các nguồn lực của từng tôn giáo cụ thể.
Trong khi triển khai các quan điểm lớn của Đảng như vậy thì có những điểm đặc trưng. Chẳng hạn với nguồn lực vật chất của tôn giáo, việc phát huy đối với mỗi tôn giáo, mỗi vùng, miền có đặc trưng khác nhau, phải nắm được các đặc trưng cụ thể của từng tôn giáo và từng vùng, miền để có sự khai thông, tạo điều kiện hỗ trợ phát huy tốt hơn.
Lấy ví dụ Phật giáo Hòa Hảo có các hoạt động đặc trưng rất tốt và chúng ta cần phát huy đó là việc tổ chức bếp ăn từ thiện miễn phí ở các bệnh viện, ở những khu vực, địa phương có đông đồng bào Phật giáo Hòa Hảo. Hay như hiện nay tất cả các xã có đồng bào Phật giáo Hòa Hảo đã tổ chức ít nhất được 2 xe cứu thương miễn phí để chuyển bệnh nhân nghèo đến các bệnh viện cấp tỉnh hoặc Trung ương. Bên cạnh đó họ còn tham gia vào việc xóa cầu khỉ, xây dựng cầu bê tông... tại các tỉnh Nam Bộ, những nơi có điều kiện phương tiện giao thông còn khó khăn.
Hay bên Tịnh Độ Cư Sĩ Phật hội Việt Nam cũng có truyền thống tham gia hoạt động an sinh rất tốt. Chẳng hạn tại các chùa của Tịnh Độ Cư Sĩ Phật hội Việt Nam đều có cơ sở phòng khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân, có thể khám bằng Đông y, Tây y hoặc Đông Tây y kết hợp. Đó là một thế mạnh, đặc trưng của Tịnh Độ Cư Sĩ Phật hội Việt Nam cần được phát huy và hỗ trợ về mặt chính sách, cơ chế.
Với bên Phật giáo, nguồn lực rất lớn, và liên quan các hoạt động an sinh xã hội họ tập trung làm rất mạnh, rất tốt là việc đi cứu trợ thiên tai, các nơi đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, bão, lũ… Không những là cứu trợ trong nước mà kể cả hỗ trợ nhân dân các nước trong khu vực khi có thiên tai, động đất, sóng thần xảy ra.
Bên Công giáo thì có nhiều loại hoạt động. Bên cạnh các hoạt động an sinh xã hội thì tham gia dạy nghề cũng là một lĩnh vực mà Công giáo có thế mạnh. Hiện nay có rất nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề của bên Công giáo hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động có tay nghề phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Bên Tin lành thì có một hoạt động rất nổi trội, rất tiêu biểu, đặc trưng đó là việc tổ chức cai nghiện cho những người nghiện ma túy. Đó là hoạt động rất kỳ công, phải có chuyên môn và có sự dấn thân...
Việc phát huy nguồn lực tôn giáo là chủ trương của Đảng, của Nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai thì đã có những nơi nhận thức tốt về vấn đề này, từ đó phát huy tốt nguồn lực tôn giáo, nhưng cũng có những nơi và có những lúc chưa phát huy tốt. Theo TS. Lê Thị Liên, làm thế nào để chúng ta không bị lãng phí các nguồn lực xã hội nói chung và đặc biệt là nguồn lực tôn giáo nói riêng?
TS. Lê Thị Liên: Nói đến phát huy nguồn lực tôn giáo đã có rất nhiều những nghiên cứu và triển khai, từ vấn đề nghiên cứu trong thực tiễn để mà chúng ta xây dựng lý luận và tham mưu cho Đảng, Nhà nước đưa ra quan điểm liên quan, đấy là vấn đề cực kỳ quan trọng.
Phát huy nguồn lực tôn giáo là quan điểm mới trong tiến trình đổi mới công tác tôn giáo. Đổi mới công tác tôn giáo Đảng ta bắt đầu từ năm 1990, và quan điểm phát huy nguồn lực tôn giáo là quan điểm đột phá.
Tuy nhiên một điều chúng ta cũng phải nhìn nhận là mặc dù quan điểm như vậy nhưng quá trình triển khai và nhận thức còn khác nhau rất nhiều. Khác nhau không những đối với lại hệ thống chính trị chúng ta mà khác nhau ngay cả đối với chính tôn giáo.
Vấn đề phát huy nguồn lực tôn giáo là vấn đề rất lớn, rất cần thiết và đã được Nhà nước chúng ta khẳng định. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là chúng ta lấy quan điểm phát huy nguồn lực tôn giáo để tạo một áp lực cho bất cứ một chủ thể nào, mà chúng ta cần một sự đánh giá rất tường minh, rõ ràng. Bởi vì nguồn lực các tôn giáo là hoàn toàn khác nhau.
Với một tổ chức tôn giáo thì nhiệm vụ quan trọng là chăm lo đời sống tôn giáo của bà con. Đấy mới là vấn đề mấu chốt, quan trọng, chính là nguồn lực tinh thần mà họ đã mang lại và cũng chính là sự sống còn của các tổ chức tôn giáo.
Việc phát huy nguồn lực giá trị đạo đức, tinh thần thì đương nhiên không bàn nữa rồi vì nó gắn liền, không thể tách rời với đời sống, với hoạt động, sinh hoạt tôn giáo. Nhưng các nguồn lực vật chất mà tôn giáo đóng góp thì tôi nghĩ rằng chúng ta đưa ra cho họ một đường biên, đường ray, còn tôn giáo có khả năng thế nào thì họ sẽ thực hiện như thế.
Cũng không vì bên tôn giáo này đóng góp nhiều hơn thì tôi tạo điều kiện tốt hơn cho tôn giáo đấy hoạt động, tôn giáo này đóng góp ít hơn thì tôi không quan tâm nhiều... Vấn đề đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là đảm bảo trên góc độ toàn diện và các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, không có tôn giáo lớn, tôn giáo nhỏ chỉ có tôn giáo đông tín đồ và tôn giáo ít tín đồ, đối với sinh hoạt tôn giáo, các tôn giáo đều như nhau.
Với nguồn lực tôn giáo cần có một nhận thức rõ là khả năng tôn giáo nào có đến đâu thì chúng ta phát huy đến đó chứ không cào bằng và không cầu toàn phải phát huy bằng được những cái không phải là điểm mạnh của họ. Bởi như thế không cẩn thận ta sẽ khiến tôn giáo đi chệch hướng và xao nhãng mất nhiệm vụ chính là chăm lo đời sống tinh thần của bà con mà lại đi vào phát huy nguồn lực vật chất. Bởi vì khi tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh xã hội với tư cách chủ thể đầu tư, quản lý thì đương nhiên nó sẽ phải có sự khác biệt so với các hoạt động tôn giáo, phải có sự tách biệt.
Do vậy có hai điều mà tôi nghĩ rất cần thiết. Một là bản thân chúng ta phải nhận thức rất đúng, khảo sát thật kỹ, đánh giá đúng về bản chất phát huy nguồn lực của các tôn giáo. Tôn giáo nào mạnh ở điểm nào thì ta phát huy điểm đó và đánh giá đúng, không khắt khe nhưng không tô hồng, không đẩy lên quá mức để tạo áp lực.
Thứ hai chúng ta phải có cơ chế, chính sách rõ ràng. Trong cơ chế chính sách đó, tôn giáo nào thực hiện được thì họ sẽ đi theo đúng phân luồng, phân làn mà pháp luật đã đề ra và họ thực hiện. Còn tôn giáo nào mà trong khả năng của mình họ chỉ tập trung được vào các hoạt động như từ thiện, cứu trợ nhân đạo, các phong trào của MTTQ... thì phát huy điểm đó. Phải rất rõ ràng về mặt này, có như vậy mới phát huy được thế mạnh của các tôn giáo nhiều hơn là mang tính chất một sự đặt để.
Cuối tháng 8 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt, biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi cho rằng bản thân việc tổ chức sự kiện đó cũng thể hiện rõ là chúng ta đang kêu gọi theo từng khả năng, thế mạnh, đặc trưng, nguồn lực của mỗi tôn giáo. Đấy là thể hiện sự trân trọng chứ chúng ta không tạo áp lực nào cả.
Ý kiến của TS. Nguyễn Văn Thanh thế nào ạ?
TS. Nguyễn Văn Thanh: Tôi thấy về cơ bản chủ trương chúng ta triển khai vừa qua là tốt để đảm bảo không lãng phí các nguồn lực của tôn giáo. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải sớm thể chế được quan điểm của Đảng thành các chính sách pháp luật cụ thể liên quan. Có rất nhiều việc mà tôn giáo nhiều năm qua đã, đang tham gia rất tốt và từng tôn giáo có thế mạnh riêng. Chính vì vậy, trong các thế mạnh đó có một số lĩnh vực mà các tôn giáo đang tham gia rất tốt thì phải có sự khai thông về mặt chính sách và có các quy định cụ thể, thậm chí có những hỗ trợ.
Chẳng hạn, để tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thì thời gian qua các tôn giáo đã tham gia đóng góp rất nhiều nguồn lực vật chất, tinh thần. Có một điểm rất quan trọng đó là khảo sát cho thấy những địa phương có đông đồng bào tôn giáo thì đều là những địa phương đầu tiên được công nhận hoàn thành nông thôn mới.
Hay chẳng hạn để phát huy nguồn lực tôn giáo trong bảo vệ môi trường thì chúng ta đã có Luật bảo vệ môi trường mới thì cần có những văn bản, nghị định dưới luật để có các quy định cụ thể hơn, để tôn giáo tham gia việc này tốt hơn.
Rồi liên quan đến khám, chữa bệnh, kỳ họp này của Quốc hội sẽ thảo luận để sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh thì chúng ta cũng phải thiết kế những điều, những quy định cụ thể để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo phát huy nguồn lực của mình tham gia khám, chữa bệnh.
Thời gian qua tất cả các tôn giáo đều có rất nhiều hình thức cụ thể để tham gia khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của nhân dân tại các cơ sở khám, chữa bệnh trực tiếp cũng như tổ chức khám, chữa bệnh lưu động, v.v... hoặc là huy động nguồn lực của Y tế, trang thiết bị y tế từ nước ngoài và hỗ trợ để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Liên quan đến bảo trợ xã hội cũng là một lĩnh vực lâu nay các tôn giáo tham gia rất là tốt, như lập các trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ em khuyết tật hoặc chăm sóc người già cô đơn không nơi nương tựa... Về mặt này chúng ta cũng có các quy định cụ thể liên quan, các nghị định, các thông tư của Bộ LĐTBXH để tạo điều kiện các tôn giáo tham gia tốt hơn.
Hoặc liên quan đến lĩnh vực cai nghiện ma túy thì nhiều tổ chức của đạo Tin lành đã tham gia rất tốt. Chúng ta đã có Luật phòng, chống ma túy... và một số các luật liên quan khác thì cần có quy định cụ thể để thể chế hóa quan điểm phát huy nguồn lực thành các quy định của văn bản quy phạm pháp luật.
Khi thành các quy định cụ thể, các văn bản quy phạm pháp luật có tính chất xã hội hóa và có tính chất ràng buộc tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội khi triển khai cụ thể đều phải thực hiện, kể cả các tổ chức, cá nhân tôn giáo. Chúng ta cần phải bổ sung và sửa đổi kịp thời các bất cập để phát huy tốt nguồn lực tôn giáo.
Sự hưởng ứng, đóng góp rất tích cực, đầy tình yêu nước, trách nhiệm
Thời gian qua trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và đất nước ta đã phải trải qua thời điểm tương đối khó khăn. Tới nay chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và đi vào phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.
TS. Nguyễn Văn Thanh đánh giá ra sao về sự tham gia tích cực của đồng bào tôn giáo, các chức sắc, chức việc, các tổ chức tôn giáo trong nỗ lực đồng hành cùng chính quyền, cùng MTTQ và cùng cả nước vượt qua khó khăn, nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế xã hội sau dịch bệnh?
TS. Nguyễn Văn Thanh: Qua hơn 2 năm tham gia phòng, chống và kiểm soát đại dịch Covid-19, tôi cho rằng từ trước tới nay chưa có hoạt động, phong trào hay cuộc vận động nào mà có sự tham gia đồng tình, hưởng ứng đồng bộ, đồng loạt và có sức lan tỏa mạnh mẽ, đầy chất nhân văn như sự tham gia của các tôn giáo trong phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua.
Điều này thể hiện ở việc lần đầu tiên tất cả 43 tổ chức tôn giáo, thuộc 16 tôn giáo đều có rất nhiều văn bản hướng dẫn dừng ngay tất cả các hoạt động tôn giáo lớn, rồi tổ chức rất nhiều các hoạt động tôn giáo phù hợp hoặc đổi sang hoạt động trực tuyến.
Rồi tất cả các tôn giáo không chỉ ở cấp Trung ương mà tất cả các tổ chức tôn giáo trực thuộc đều không chỉ một lần mà rất nhiều lần có văn bản khác nhau để hướng dẫn, chỉ đạo, động viên các tổ chức, cá nhân thuộc tôn giáo mình tham gia hưởng ứng các chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, của Tổng Bí thư, của Chính phủ, của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Bên cạnh đó còn rất nhiều hoạt động cụ thể. Đó là hàng triệu phần quà an sinh xã hội, rồi rất nhiều mô hình như các siêu thị 0 đồng, cây ATM gạo miễn phí, ngân hàng Oxy miễn phí, v.v... Không chỉ vậy, bản thân các chức sắc, nhà tu hành, tín đồ của các tôn giáo đã dấn thân đăng ký vào tuyến đầu phòng, chống dịch.
Đây là sự hưởng ứng, sự cộng tác chung tay không chỉ của bản thân tôn giáo, mà tất cả các hoạt động đó đều có sự chung tay phối hợp với các cơ quan chính quyền, Mặt trận, đoàn thể của địa phương, các tôn giáo khác.
Chúng ta chứng kiến những hình ảnh tràn đầy đoàn kết, nhân văn, xúc động, như việc Hội đồng giám mục Việt Nam tham gia hỗ trợ cho các bếp ăn yêu thương trong vùng tâm dịch của chùa Vĩnh Nghiêm khi thấy chùa hàng ngày cung cấp từ 15.000 - 20.000 suất ăn miễn phí cho các trung tâm cách ly, bệnh viện dã chiến, v.v... Rồi sự hỗ trợ của bên Phật giáo cho cộng đồng Hồi giáo có thêm nguồn lực hỗ trợ các gia đình tín đồ Hồi giáo trong lúc khó khăn, v.v...
Bên cạnh đó, lần đầu tiên chúng ta thấy đồng loạt tại một thời điểm tất cả các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trong cả nước, tất cả 43 tổ chức tôn giáo đều tham gia rung chuông cầu siêu, cầu nguyện, thắp nến hoặc thả đèn hoa đăng để tưởng niệm những đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và tử vong trong đại dịch Covid-19.
Qua đó vừa chia sẻ tình yêu thương, sự đoàn kết với các gia đình không may có người thân hy sinh hoặc tử vong trong đại dịch Covid-19, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự cam kết, đoàn kết với Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam của các tôn giáo, khẳng định quyết tâm đoàn kết để vượt qua đại dịch.
Nhờ huy động được sức mạnh đại đoàn kết, qua 2 năm đại dịch nền kinh tế của chúng ta đã mở cửa lại rất sớm so với rất nhiều nước. Kỳ họp Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 vừa qua đã khẳng định các thành tựu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, như mức tăng trưởng ngoạn mục, đạt gần 9%. Dự trữ ngoại tệ tiếp tục cao, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục được duy trì, phát triển.
Vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới cũng được củng cố, nâng cao và chúng ta đã tham gia đóng góp như một thành viên rất tích cực trong các hoạt động cụ thể của Liên hợp quốc.
Như vậy, chúng ta thấy trong thành quả của đất nước về đối nội, đối ngoại, về an ninh quốc phòng, về bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ đều có sự tham gia hưởng ứng, đóng góp rất tích cực, chủ động, đầy tình yêu nước, trách nhiệm và tình cảm của đồng bào các tôn giáo, của quý vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo trong đó.
TS. Lê Thị Liên: Qua đại dịch thì chúng ta cũng như ngay bản thân các tổ chức tôn giáo đã thấy một điều rằng đại dịch, hiểm họa không trừ bất cứ ai. Do vậy sau đại dịch, mỗi một thành phần trong xã hội cũng các tổ chức tôn giáo đều ý thức hơn, trách nhiệm hơn rất nhiều với cộng đồng xã hội. Trước đây có thể mỗi một tôn giáo một thế mạnh, một phạm vi nhưng ngay trong đại dịch và sau đấy chúng ta thấy sự liên kết của các tôn giáo rất tốt, đặc biệt liên kết trong sự hỗ trợ tín đồ phát triển, trong vấn đề kêu gọi tín đồ đóng góp cho đất nước.
Tôi cho rằng mô hình đó hiện đang rất phát triển ở các giáo xứ. Vừa rồi chúng tôi có một số nghiên cứu, khảo sát thì nhận thấy sau đại dịch nhiều giáo xứ, nhà chùa đã tổ chức hoạt động liên kết trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho bà con từ những vùng miền quê về với thành phố.
Hỏi ra thì mới biết rằng là mô hình đó đã được triển khai trong đại dịch. Bằng ảnh hưởng, vai trò của mình các chức sắc tôn giáo đã kêu gọi tín đồ hỗ trợ những bà con vùng khó khăn hơn, tiêu thụ sản phẩm họ đang sản xuất ra. Rồi kêu gọi các DN tôn giáo, DN ngoài tôn giáo để thực hiện mô hình đó.
Đấy là những việc làm nhỏ nhưng tạo nên đóng góp lớn và cái nhỏ ấy nó sẽ lan tỏa trở thành không chỉ trách nhiệm của mỗi tín đồ, mỗi tổ chức tôn giáo mà là trách nhiệm chung cho xã hội. Do đó vấn đề phát triển kinh tế tín đồ và đặc biệt nâng cao trình độ văn hóa, nhận thức tín đồ hiện được các tổ chức tôn giáo rất quan tâm, thể hiện qua việc kêu gọi gia đình, các tổ chức tín đồ phát triển làm ăn kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật, cho con đi học, học nâng cao, v.v...
Tôi cho rằng phải thay đổi nhận thức rất nhiều trong hoạt động tôn giáo hiện nay, hoạt động tôn giáo mà gắn với sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi tín đồ, mỗi gia đình tôn giáo thì nó sẽ phát triển mạnh. Có thể nói đó là sự đóng góp của tôn giáo mà sau đại dịch họ đã, đang làm để cùng với cả xã hội để phục hồi, phát triển kinh tế, tạo nên rất nhiều thành quả mà chúng ta đã đạt được sau 3 năm đại dịch mà như anh Thanh vừa chia sẻ.
Thưa TS. Nguyễn Văn Thanh, trong những năm qua việc vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó, đồng hành và chia sẻ trách nhiệm với xã hội trên tinh thần tốt đời, đẹp đạo và việc các tổ chức tôn giáo tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ và các ban, ngành khác phát động đã diễn ra như thế nào?
TS. Nguyễn Văn Thanh: Tôi thấy các mục tiêu của phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động có sự tương đồng rất lớn, cũng như phù hợp với mục tiêu hướng tới của các tôn giáo - đều mong muốn cho đời tốt, đạo đẹp, tất cả đều vì chăm lo cho con người. Chính vì vậy, các phong trào trong thời gian qua đã có sự tham gia hưởng ứng ngay từ đầu của rất nhiều tổ chức, cá nhân tôn giáo và được triển khai rất đồng bộ, có những phong trào được triển khai đồng bộ đến tất cả các tôn giáo, có những phong trào mang đặc trưng trong từng tôn giáo và có những phong trào mang tính chất khu vực.
Chẳng hạn có phong trào lan tỏa sâu rộng đến hầu khắp các tôn giáo là phong trào bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đã triển khai có sự ký kết của tất cả 40 tổ chức tôn giáo với Mặt trận và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Lại có những chương trình ký kết riêng giữa các tổ chức tôn giáo với các tổ chức chính trị xã hội. Chẳng hạn chương trình của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký kết về các hoạt động an sinh xã hội với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã ký kết các chương trình phối hợp với Hội đồng Giám mục Việt Nam về vận động chức sắc, tu sĩ và bà con giáo dân tham gia đảm bảo tốt an toàn giao thông, v.v...
Rất nhiều phong trào như vậy. Hay là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thì có sự tham gia rất nhiệt tình, tích cực, trách nhiệm và lan tỏa chung trong toàn quốc tất cả 63 tỉnh, thành phố của các tôn giáo và có rất nhiều mô hình rất tốt.
Bên cạnh đó có phong trào mang tính chất riêng của tôn giáo, chẳng hạn như phong trào “xây dựng chùa cảnh tinh tiến, gương mẫu” chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Phật giáo các tỉnh phía Bắc đã ký kết với Mặt trận ở các địa phương và triển khai rất tốt. Còn ở các tỉnh phía Nam thì đạo Cao Đài cùng với Phật giáo Hòa Hảo có phong trào “nồi cháo tình thương” cho các bệnh viện; tổ chức các bếp ăn tình thương cho học sinh nghèo, v.v...
Trong phong trào chung lại có nhiều phong trào riêng, phù hợp với đặc điểm của từng tôn giáo, từng địa phương thì chúng ta cũng đều có sự khuyến khích và tạo điều kiện để làm sao cho tất cả các hoạt động đó của các tôn giáo tham gia được tốt nhất. Chúng tôi nhận thấy là ngoài sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị thì chính bản thân các tổ chức tôn giáo cũng đặt ra vấn đề muốn thúc đẩy các hoạt động tốt và các nguồn lực của các tôn giáo.
Khi chính các vị lãnh đạo cấp cao của các tôn giáo đặt ra yêu cầu đó và tham gia chủ động, phát huy được vai trò nêu gương của người đứng đầu thì các hoạt động đó cũng sẽ triển khai gắn với các phong trào của Mặt trận, của Đảng, Nhà nước hoặc của các ban, ngành khác phát động.
Đã có nhiều vị lãnh đạo tôn giáo đặt thẳng vấn đề là khi tổ chức đại hội nhiệm kỳ thì ngay trong Hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo cũng cần sửa đổi, bổ sung, thêm vào đó một điều hoặc ít nhất một quy định trong lời nói đầu của Hiến chương, điều lệ là các tổ chức tôn giáo khuyến khích các chức sắc, chức việc, tín đồ của mình tham gia các phong trào cụ thể. Rồi các kế hoạch hoạt động hàng năm của các tổ chức tôn giáo cũng đưa vào thành một yêu cầu, một nội dung cụ thể.
Như vậy khi đưa vào chương trình hoạt động hàng năm thì cuối năm có sơ kết đánh giá, còn đưa vào Hiến chương, điều lệ thì 4-5 năm tổng kết nhiệm kỳ đại hội một tổ chức tôn giáo họ cũng đưa ra để đánh giá và rút kinh nghiệm. Và cũng qua đó các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận thấy được sự cam kết, sự đồng tình, tham gia và có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực, cụ thể và hiệu quả hơn.
Thưa TS. Lê Thị Liên, là một người có rất nhiều chuyến đi thực địa, nhiều chuyến đi thực tế để nghiên cứu về đời sống sinh hoạt tôn giáo thì bà chia sẻ cảm nhận như thế nào qua những chuyến đi đó về cái tinh thần đồng hành, sự chia sẻ trách nhiệm với xã hội nói chung của các tổ chức tôn giáo theo tinh thần “tốt đời đẹp đạo”.
TS. Lê Thị Liên: Chúng ta nhận thấy là đời sống tôn giáo của thế giới và Việt Nam bây giờ khác ngày xưa rất nhiều. Các nhà nghiên cứu thường hay sử dụng cụm từ là “tôn giáo thế tục”, nghĩa là tôn giáo đi vào đời sống của xã hội bằng chính những cái giá trị vốn có và phát huy trong đó.
Với những phong trào do các cấp chính quyền đề ra như anh Thanh vừa đề cập được các tôn giáo hưởng ứng rất mạnh mẽ. Trong sự hưởng ứng này, tôi nghĩ ngay tự bản thân mỗi tín đồ, chức sắc tôn giáo người ta đã ý thức được vấn đề là công dân, họ có nhiệm vụ và quyền lợi trong vấn đề đó. Bởi vì khi xây dựng một phong trào nào đó, nó mang lại tầm ảnh hưởng thì người thụ hưởng cũng chính là người dân, trong đó có tín đồ, chức sắc tôn giáo.
Có thể nói rằng tư duy của tôn giáo bây giờ đã tiệm cận rất sát trong vấn đề phát triển cùng với xã hội. Mặt khác, bản thân các tôn giáo cũng muốn thể hiện được vai trò, ảnh hưởng trong xã hội, vì vậy họ tham gia vào cái mẫu số chung này. Các phong trào như thi đua yêu nước, đại đoàn kết dân tộc... chính là mẫu số chung của tất cả xã hội chứ không phải của bất cứ một ngành, một lĩnh vực nào.
Khi các tôn giáo tham gia vào đó với tư cách một tổ chức, một tập thể của những người có niềm tin tôn giáo thì vai trò và ảnh hưởng của họ trong xã hội được nâng lên, đây là cái lợi hai chiều của cả xã hội cũng như của chính bản thân các tôn giáo.
Nhờ đó hầu hết tất cả các phong trào của địa phương phát động đều được đồng bào các tôn giáo hưởng ứng rất mạnh mẽ. Chẳng hạn, chúng ta ai cũng biết “tấc đất tấc vàng”. Vậy nhưng thực tế là đã có rất nhiều tín đồ tôn giáo hiến đất để làm đường giao thông, làm trường, trạm, để xây dựng các cơ sở ở địa phương.
Năm 2021 tôi có tham mưu cho Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức một hội thảo liên quan đến thực trạng và giải pháp để phát huy nguồn lực tôn giáo trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Hội thảo này chúng tôi chỉ tổ chức riêng cho tín đồ, chức sắc tôn giáo, không có sự tham gia của chính quyền. Chúng tôi muốn nghe được tiếng nói từ chính các vị chức sắc, các tín đồ của các tôn giáo.
Đã có rất nhiều chức sắc tôn giáo gửi bài viết đến hội thảo và nhiều ý kiến phát biểu chia sẻ trong hội thảo. Qua đó chúng tôi mới thấy rằng khi những phong trào của chúng ta đúng đắn và hữu ích cho xã hội thì sự hưởng ứng của tôn giáo sẽ là không có giới hạn. Những con số minh chứng họ đưa ra khiến bản thân những người tổ chức hội thảo cảm thấy rất xúc động.
Tôi nghĩ rằng trong xây dựng, phát triển chung của đất nước cũng như trong những điều nhỏ nhặt nhất của đời thường khi chúng ta mang lại lợi ích chung cho xã hội thì không có tôn giáo nào không có hưởng ứng bằng cách này hay cách kia.
Thể chế hóa để tạo ra hành lang pháp lý
Thưa TS. Nguyễn Văn Thanh đất nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng. Vậy về mặt đối ngoại nhân dân, ông đánh giá tôn giáo đã đóng góp ra sao và làm thế nào để tăng cường sự đóng góp của tôn giáo trong lĩnh vực đối ngoại của đất nước nói chung?
TS. Nguyễn Văn Thanh: Về mặt này, tôi nghĩ rằng thời gian qua các tôn giáo đều tham gia với rất nhiều hình thức cụ thể. Ngay bản thân trong các tổ chức tôn giáo đều có các bộ phận, các tổ chức trực thuộc phụ trách liên quan mảng đối ngoại nhân dân hoặc hợp tác quốc tế.
Quan điểm của Đảng và Nhà nước cũng là phát huy các thế mạnh của tôn giáo trong lĩnh vực mở rộng đối ngoại nhân dân phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua đã có rất nhiều hoạt động từ vĩ mô đến vi mô mang lại đóng góp rất hiệu quả.
Thí dụ, nhiều năm vừa qua, trong các đoàn cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm nước ngoài, Liên hợp quốc chúng ta thấy đã có thành phần là các vị đại diện lãnh đạo các tôn giáo như các vị Hòa thượng bên Phật giáo, các vị Linh mục bên Công giáo, các vị Mục sư của bên Tin lành... đã tham gia. Trước đây không có. Hoặc trong nhiều cuộc đón các đoàn nước ngoài vào Việt Nam thì ngoài việc thăm chính thức ra còn có hoạt động đến thăm các cơ sở tôn giáo chúng ta.
Thứ ba có thể kể đến là hoạt động của các tổ chức tôn giáo Việt Nam hàng năm tham gia các sự kiện, các hội nghị, hội thảo khu vực và quốc tế. Tại các diễn đàn đó ta đã thể hiện được các màu sắc, hồn cốt của Việt Nam, thể hiện được chủ nghĩa nhân văn và tư tưởng khoan dung, đoàn kết, hòa hợp của người Việt Nam, của tôn giáo Việt Nam đóng góp vào đó. Qua đó vừa quảng bá được hình ảnh vừa tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Việt Nam, làm cho bạn bè thế giới hiểu Việt Nam là thành viên rất thân thiện, rất có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Mặt khác cũng góp phần đấu tranh chống các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc Việt Nam vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Rất nhiều đoàn của chính các tổ chức tôn giáo đã có tiếng nói rất khách quan, đấu tranh phản bác trực diện tại các hội nghị, hội thảo quốc tế trước những lực lượng thế lực xấu muốn phủ nhận hoặc xuyên tạc, vu cáo về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam. Chính bản thân quý vị chức sắc, nhà tu hành khi tham gia đã lên tiếng và đấu tranh trực diện thì rất khách quan và hiệu quả.
Rồi việc tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.
Bên cạnh đó, chung tay tham gia phòng, chống Covid-19, rất nhiều tổ chức tôn giáo của chúng ta đã có tiếng nói vận động các tổ chức, cá nhân nước ngoài đóng góp, ủng hộ vaccine, vật chất, trang thiết bị y tế... Đồng thời, các tổ chức tôn giáo Việt Nam cũng đóng góp ủng hộ cho các tổ chức tôn giáo ở nước ngoài, chẳng hạn ủng hộ nhân dân Ấn Độ, Campuchia... trang thiết bị y tế, các vật chất cụ thể để phòng, chống Covid-19. Qua đó góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thưa Tiến sĩ Lê Thị Liên, để tôn giáo tham gia giải quyết các vấn đề đạo đức xã hội, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thì rất cần có những cơ chế, chính sách rõ ràng và chúng ta đã có chủ trương. Tuy nhiên theo bà có cần phải thể chế hóa để tạo ra hành lang pháp lý cho tôn giáo phát huy được những giá trị của mình trong đời sống xã hội nói chung?
TS. Lê Thị Liên: Theo tôi việc này rất quan trọng và cần thiết. Nếu chúng ta không thể chế hóa được thì quan điểm của Đảng về phát huy giá trị tích cực của tôn giáo, nguồn lực tôn giáo sẽ chỉ mang tính chất tuyên ngôn và mãi mãi dừng ở thay đổi nhận thức. Còn khi đi vào cụ thể bắt buộc nó phải được thể chế bằng các luật, các nghị định, văn bản hướng dẫn ở những luật chuyên ngành mà tôn giáo có thế mạnh.
Tôi nghĩ rằng bước đầu tiên trong vấn đề thể chế hóa nguồn lực tôn giáo là sau văn kiện Đại hội Đảng XIII, tháng 6/2022 vừa rồi Đảng đã ban hành ngay Nghị quyết số 18 liên quan đến vấn đề đất đai thay thế Nghị quyết 19. Nghị quyết 18 đã thể hiện rất rõ rằng Nhà nước đảm bảo cho đất đai liên quan đến cơ sở thờ tự và trụ sở tôn giáo. Còn những hoạt động mà tôn giáo sử dụng vào mục đích khác được xử lý như các pháp nhân khác.
Có nghĩa rằng chúng ta đã đưa nội dung trong văn kiện của Đảng thành nghị quyết và từ nghị quyết này thì các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ TN&MT đang rất sát sao và nỗ lực trong vấn đề sửa đổi Luật đất đai, trong đấy bao gồm việc thể chế vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo để có thể phát huy được nguồn lực của tổ chức tôn giáo. Vì bản thân họ muốn phát huy nguồn lực thì chúng ta phải có cơ chế, chính sách, phải có điều kiện đảm bảo cho họ mới phát huy được. Chứ nếu chúng ta chỉ nói suông phát huy thì khó.
Do vậy mà cơ chế chính sách rất quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý. Trong cơ chế, chính sách đó, tôn giáo nào có thế mạnh ở mặt nào họ sẽ thực hiện như là pháp nhân khác. Còn tôn giáo nào chưa đạt được thì họ chỉ tham gia với tư cách từ thiện nhân đạo, cứu trợ, v.v... thôi thì lại đi theo cơ chế chính sách liên quan đến Mặt trận, Hội chữ thập đỏ...
Còn với tôn giáo mà họ tham gia với tư cách là chủ đầu tư, quản lý thì tôi nghĩ nếu không thể chế thành những quy định pháp luật chúng ta sẽ rất khó có thể phát huy nguồn lực của các tổ chức tôn giáo ở tầm vĩ mô, cũng rất khó có một hành lang để tôn giáo hoạt động tốt hơn.
Và nếu không có cơ chế chính sách rõ ràng thì sẽ có nguy cơ phát sinh vấn đề lợi dụng, phát huy nguồn lực tôn giáo vào những hoạt động phức tạp cho chính tổ chức tôn giáo và chính xã hội và nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến sự hoạt động lệch chuẩn trong lĩnh vực từ thiện, nhân đạo của tổ chức tôn giáo.
Ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh như thế nào ạ?
TS. Nguyễn Văn Thanh: Tôi cũng đánh giá cao tầm quan trọng của việc thể chế hóa. Mặt khác tôi cho rằng việc thực hiện chính sách liên quan đến cán bộ, đảng viên và đến người dân cụ thể. Chính vì vậy là chúng ta thấy nhiều khi phải từ kinh nghiệm thực tiễn vì nó có giá trị thấm sâu và tác động đến nhận thức, hành vi của địa phương khác hoặc của cán bộ, đảng viên ở những lĩnh vực, bộ, ngành khác nhau.
Trong rất nhiều lĩnh vực liên quan đến an sinh xã hội và các hoạt động như chúng ta gọi chung là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì thực tế hàng chục năm qua đã có rất nhiều hoạt động và mô hình tốt của các tôn giáo kể cả khi các quan điểm phát huy nguồn lực chưa được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng.
Do đó, tôi nghĩ việc chia sẻ, quảng bá về các mô hình tốt của các tôn giáo cho tất cả cán bộ, nhân dân đều thấy được cũng như chia sẻ các mô hình đó để giữa các tôn giáo có thể học hỏi lẫn nhau cũng là một hoạt động rất quan trọng. Lâu nay chúng ta chưa chú ý nhiều và các phương tiện thông tin đại chúng có đề cập đến nhưng để thành kế hoạch, thành bài bản thì cần quan tâm hơn nữa về việc lan tỏa các mô hình tốt và giới thiệu thành các diễn đàn giữa các tôn giáo, trao đổi, chia sẻ lẫn nhau.
Chẳng hạn diễn đàn như thế có sự tham gia của một vài vị lãnh đạo của các tôn giáo, họ có thể giới thiệu các mô hình chia sẻ của các tôn giáo thì nhiều khi qua các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn đó lan tỏa để các cán bộ, đảng viên cũng như các tôn giáo khác thấy được và có thể học hỏi kinh nghiệm. Lâu nay vẫn tồn tại một hạn chế, đó là nhiều khi cán bộ chúng ta nói đến tôn giáo thì đồng nghĩa đó là lĩnh vực nhạy cảm. Ngược lại lịch sử hàng trăm năm, quá trình một số tôn giáo khi du nhập Việt Nam có vấn đề bị lợi dụng hoặc hiện nay vẫn có các thế lực xấu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, vì đây là lĩnh vực tập hợp lực lượng, nó có sự tham gia rất lớn của của quần chúng nhân dân.
Chúng ta thấy là không thể tránh khỏi có việc lợi dụng như vậy, nhưng do việc lợi dụng đó, thậm chí là do vấn đề lịch sử để lại đã tạo ra sự mặc cảm từ phía một số cán bộ, đảng viên với một số tôn giáo và ngược lại một số bộ phận chức sắc, tín đồ cũng có sự mặc cảm nhất định của với các chủ trương hoặc còn hoài nghi với đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế của Đảng. Sự mặc cảm có từ hai phía đó đã giải quyết được rất nhiều nhưng vẫn cần phải tiếp tục.
Và sự tiếp tục đó chính bằng khi cả hai bên nhìn thấy các mô hình, các hoạt động cụ thể của các tôn giáo có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị với các tôn giáo trong rất nhiều hoạt động an sinh, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hoạt động đối ngoại nhân dân hay bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Điều đó sẽ xóa đi mặc cảm, xóa đi khoảng cách, chúng ta thấy mình đều là con cháu Lạc Hồng, đều là con cháu của Lạc Long Quân và Âu Cơ thì đều thấy trách nhiệm chung dù có theo tín ngưỡng, tôn giáo nào hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.
Vậy thì ngoài việc giúp đỡ giải quyết các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân thì việc chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc cũng rất cần được quan tâm. Ý kiến của TS. Lê Thị Liên trong vấn đề này ra sao?
TS. Lê Thị Liên: Bất cứ một giai đoạn lịch sử nào, một môi trường nào mà đã có hoạt động lợi dụng cái này, cái kia để đi ngược lại lợi ích của dân tộc, lợi ích của đồng bào, lợi ích của chính tôn giáo truyền thống và thuần túy thì rất cần sự lên án và rất cần loại ra khỏi hoạt động đó. Tôi nghĩ đây là quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước chúng ta từ khi thành lập nước đến bây giờ, chưa có văn kiện, nghị quyết nào của Đảng, Nhà nước về vấn đề tôn giáo mà không nêu cao tinh thần này.
Và tinh thần này không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đâu mà là trách nhiệm của toàn dân, trong đấy đối với khối tôn giáo là trách nhiệm của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và chính tín đồ. Bởi vì hoạt động lợi dụng này ảnh hưởng rất sâu sắc, nguy hiểm, không chỉ đến cộng đồng xã hội mà ngay cả chính bản thân tôn giáo và ảnh hưởng của tôn giáo đó đối với đời sống xã hội.
Mỗi một tôn giáo phát triển được như ngày nay đều phải trải qua rất nhiều giai đoạn có sự thăng trầm, mất mát, sự được mất, rất nhiều bậc tiền bối, những lớp chức sắc, nhà tu hành, tín đồ dày công xây dựng để được như ngày hôm nay, tạo ra giá trị được cả xã hội ghi nhận. Nhưng chỉ cần một số phần tử cực đoan đi ngược lại lợi ích của tôn giáo đó hoặc lợi dụng tôn giáo đó để đi ngược lại lợi ích dân tộc thì thật sự sẽ rất nguy hiểm và nó xóa nhòa, làm mờ đi, làm xấu đi hình ảnh mà tôn giáo đó bao nhiêu năm, hàng thế kỷ xây dựng trong cộng đồng dân tộc.
Tôi tin rằng cho dù tôn giáo đó đã có đóng góp bao nhiêu chăng nữa, giá trị tốt đẹp bao nhiêu chăng nữa mà cứ để cho tồn tại những hoạt động lợi dụng đó trong tôn giáo và sử dụng tôn giáo, sử dụng tín đồ như một con bài để thực hiện những mưu đồ không tốt của các thế lực xấu thì chắc chắn sẽ không bao giờ được xã hội đón nhận.
Trong thực tế thì quá trình phát triển của tôn giáo Việt Nam, sự thăng trầm với lịch sử dân tộc cũng khá nhiều, sự lợi dụng cũng không phải là ít. Và ngày nay dù đất nước đã đổi mới, trình độ dân trí được nâng lên rất nhiều nhưng đối với an ninh truyền thống và phi truyền thống hiện nay thì vấn đề lợi dụng tôn giáo càng tinh vi hơn.
Do vậy, vấn đề này rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, hỗ trợ cho các tổ chức tôn giáo trong vấn đề cảnh giác và đấu tranh. Chúng ta phải cảnh giác trước đã, chứ đến khi vấn đề đã xảy ra rồi đấu tranh sẽ khó hơn. Cảnh giác trước để chính bản thân mỗi một tín đồ, chính bản thân mỗi chức sắc tôn giáo sẽ tạo cho mình sức đề kháng tốt nhất để cùng với cộng đồng, cùng với Nhà nước, để mà đấu tranh với các hoạt động lợi dụng đó.
Có như vậy các tôn giáo mới phát triển một cách bền vững trong lòng dân tộc và mới lan tỏa được giá trị đạo đức trong cộng đồng dân tộc. Còn nếu tôn giáo hoạt động mê tín dị đoan, lệch chuẩn hoặc lợi dụng tôn giáo để làm việc này, việc kia thì nó sẽ thành yếm thế, không còn là giá trị tôn giáo nữa.
Khi tôn giáo vào cuộc, cùng tham gia các phong trào như phong trào xây dựng đời sống văn hóa dân cư, rồi những phong trào do địa phương, Mặt trận phát động, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đặc biệt là những vùng biên giới, vùng chiến lược và kể cả bảo vệ an ninh quốc gia... thì vai trò của tôn giáo cũng sẽ được nâng lên trong cộng đồng dân tộc.
Trong rất nhiều phong trào, tôi nghĩ vấn đề bảo vệ an ninh Tổ quốc, chống các tệ nạn xã hội là một điểm sáng của các tổ chức tôn giáo. Ở đâu có đông đồng bào tôn giáo ở đó đời sống tự quản rất cao và tệ nạn xã hội cũng như tội phạm bớt đi rất nhiều so với cộng đồng khác.
Đối với vấn đề chống các hoạt động lợi dụng tôn giáo, nếu chúng ta có những hướng dẫn cụ thể, có cơ sở, bằng chứng rõ ràng, các ngành chức năng vào cuộc thì sẽ được cộng đồng tôn giáo đặc biệt các chức sắc, chức việc, các nhà tu hành rất ủng hộ.
Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở và đội ngũ cán bộ
Thưa ông Nguyễn Văn Thanh, việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa chính quyền, MTTQ và các tổ chức tôn giáo có vai trò như thế nào để có thể kịp thời giải quyết nhu cầu chính đáng cũng như những vấn đề bất cập liên quan đến tôn giáo hiện nay?
TS. Nguyễn Văn Thanh: Vấn đề đặt ra là cần phải có các cơ chế, các mô hình cụ thể. Trên tinh thần đó trong nhiều năm qua, UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng như Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ đã có chủ trương là định kỳ tổ chức tiếp xúc, đối thoại với lãnh đạo của các tổ chức tôn giáo và các tổ chức tôn giáo trực thuộc. Đây cũng là một chủ trương nhất quán của Đảng, nhằm thứ nhất là phải chăm lo đời sống của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo; thứ hai là phát huy đầy đủ được quyền làm chủ của nhân dân, trong đó có hàng chục triệu đồng bào các tôn giáo của chúng ta.
Bộ Chính trị đã có đề án tăng cường vận động đoàn kết các tôn giáo, trong đó có một quy định rất cụ thể là định kỳ giữa các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận phải chủ trì tổ chức tiếp xúc, đối thoại với lãnh đạo các tổ chức tôn giáo và các tổ chức tôn giáo trực thuộc để kịp thời lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng, các đề xuất, kiến nghị, rồi các vấn đề phát sinh từ thực tiễn dưới địa phương và từng cấp.
Như vậy các lãnh đạo trực tiếp lắng nghe thì sẽ không phải thông qua khâu trung gian nữa. Thứ hai, sau khi nghe rồi thì các lãnh đạo thấy thuộc thẩm quyền có thể quyết được hay không thì có thể trả lời giải đáp cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo, các vị lãnh đạo các tôn giáo, cái nào không thuộc thẩm quyền thì kiến nghị lên trên và giải đáp rất kịp thời cho các vị lãnh đạo tôn giáo. Nhờ đó tránh được những nghi ngờ hoặc những thông tin sai trái hiện nay đang đầy rẫy trên mạng xã hội.
Đây cũng là một cơ chế để chúng ta nghe trực tiếp và có thể kịp thời giải quyết trực tiếp các đề xuất, kiến nghị, nhu cầu hợp pháp, chính đáng của đồng bào các tôn giáo. Nhờ đó, tăng cường sự hiểu biết giữa hệ thống chính trị với các tổ chức và các vị lãnh đạo tôn giáo, cũng như giải quyết kịp thời các quyền của đồng bào và qua đó phát huy được dân chủ, trong đó có quyền làm chủ của đồng bào các tôn giáo tham gia đóng góp giải quyết các vấn đề của đất nước, của địa phương, tham gia phát huy thế mạnh của mình, đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Tiến sĩ Lê Thị Liên, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị, nhất là chính trị cơ sở ở vùng có đông đồng bào tôn giáo như thế nào?
TS. Lê Thị Liên: Tôi nghĩ rằng đây là vai trò rất quan trọng. Bởi khi chủ trương, chính sách pháp luật có rồi mà hệ thống chính trị và đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác liên quan trực tiếp đến tôn giáo không đảm bảo được thì không thể đưa chính sách pháp luật, chủ trương của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống và càng khó có thể hướng dẫn để đồng bào các tôn giáo cũng như chức sắc, chức việc, nhà tu hành thực hiện được.
Việt Nam rất đa dạng tôn giáo và hoạt động của tôn giáo đa phần nằm ở địa phương, nằm trong người dân, nằm trong hệ thống chính trị cơ sở ở dưới. Do vậy củng cố hệ thống chính trị cơ sở để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác hướng dẫn đối với hoạt động tôn giáo là cực kỳ quan trọng. Ở môi trường nào cũng thế.
Còn nếu chúng ta nghĩ rằng chỉ cần đưa ra chủ trương, chính sách thôi, chỉ cần pháp luật thôi và cứ tuyên truyền, kêu gọi để hướng dẫn thôi thì tôi cho rằng chưa đủ. Với một lĩnh vực như tôn giáo, các chức sắc, nhà tu hành chủ yếu hoạt động liên quan đến vấn đề sinh hoạt tôn giáo, tâm linh, việc tiếp cận pháp luật, hiểu biết pháp luật và tìm hiểu các chính sách họ có những hạn chế nhất định, bởi chúng không phải các lĩnh vực mà họ phải thực hiện, phải tìm hiểu nhiều.
Do vậy muốn họ hiểu, muốn họ nắm được thì bản thân mỗi cán bộ ở địa phương phải nắm rất rõ điều đó và chủ động trong công tác hướng dẫn, giải thích pháp luật để chính đồng bào và chức sắc tôn giáo người ta thực hiện theo đúng. Và khi bản thân họ hiểu được rồi, thực hiện đúng, chủ động được rồi thì chúng ta rất nhẹ nhàng trong công tác quản lý.
Thứ hai nữa là trong các mô hình, các phong trào, đồng bào các tôn giáo là người dân, là bộ phận của đại đoàn kết dân tộc, là một thành viên của tất cả các các phong trào, như Mặt trận, rồi nông dân, phụ nữ... ở đâu, lĩnh vực nào cũng đều có tín đồ tôn giáo. Chính vì thế mà Đảng, Nhà nước mới có quan điểm công tác tôn giáo là của cả hệ thống chính trị, bởi vì lĩnh vực nào cũng có tín đồ hết.
Do vậy cần quan tâm hơn trong công tác đối với phong trào của hệ thống chính trị cơ sở và các tổ chức chính trị ở cơ sở. Bản thân những cán bộ đó ngoài việc biết tổ chức các phong trào, biết pháp luật còn phải biết đến tín ngưỡng, tôn giáo, phải biết đến từng tôn giáo cơ bản để chúng ta có những hoạt động, những phương thức, xây dựng kế hoạch, những giải pháp để tập hợp, kêu gọi và vận động họ để họ tham gia.
Và khi họ tham gia thì đó là thành viên của chúng ta và họ tham gia tích cực thì sự phát triển phong trào sẽ tốt hơn. Mặt khác khi họ mang niềm tin tôn giáo và những giá trị đạo đức tôn giáo để phát triển cùng phong trào chung và có điểm tương đồng phong trào đó thì tôi nghĩ rằng nó sẽ tích cực hơn rất nhiều.
Cùng với đó đối với cán bộ làm công tác liên quan trực tiếp đến tôn giáo ở địa phương cũng rất cần quan tâm vấn đề đào tạo, bồi dưỡng kiến thức liên quan đến tôn giáo, pháp luật về tôn giáo cho đội ngũ này. Vì chúng ta là những chủ thể trong công tác quản lý, nếu chủ thể không “thuộc bài”, không nắm được tình hình tôn giáo, chủ thể chỉ biết pháp luật nhưng không biết tôn giáo, chủ thể biết tôn giáo không biết pháp luật thì chúng ta vẫn còn thiếu và sẽ khó trong vấn đề tiếp xúc, hướng dẫn thực hiện.
Có một vấn đề mà qua công tác nghiên cứu chúng tôi nhận thấy là tôn giáo ảnh hưởng rất nhiều đến các lĩnh vực khác. Tuy nhiên nhiều lĩnh vực khác thì bản thân pháp luật cán bộ rất tường minh nhưng pháp luật đó để áp dụng vào tôn giáo lại không hiểu về tôn giáo dẫn đến quá trình đối thoại nhiều khi khá cứng nhắc, có những cách vận dụng không phù hợp thì cũng dẫn đến hạn chế trong vấn đề hiệu lực, hiệu quả công tác tôn giáo.
Do vậy vấn đề xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là các phong trào và những người tham gia trực tiếp vào công tác tôn giáo địa phương rất quan trọng. Có được như thế chúng ta mới đưa các chủ trương, chính sách pháp luật vào cuộc sống được và bản thân tôn giáo, chức sắc, tín đồ tôn giáo người ta mới thấy rất rõ được các quan điểm của Đảng, Nhà nước trong vấn đề đảm bảo quyền của người ta.
Nhiều khi quyền, trách nhiệm của người ta, người ta không hiểu hết. Nếu mình không giải thích rõ, không yêu cầu thì người ta sẽ cảm thấy rằng là có gì đấy, nhận thức chưa đúng thì dẫn đến không khớp nhau trong vấn đề giữa chủ trương, chính sách và thực hiện.
Thưa TS. Nguyễn Văn Thanh, để phát huy hơn nữa sự đóng góp của tín ngưỡng, tôn giáo vào công cuộc phát triển đất nước thì chúng ta cần có lưu ý những gì đối với việc xây dựng và củng cố tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo cũng như là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác?
TS. Nguyễn Văn Thanh: Về tổ chức bộ máy, phải thiết kế các tổ chức bộ máy phù hợp. Còn tôi nhấn mạnh về việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, như lâu nay chúng ta hay nói là “có tâm, có tầm”. Tức là phải vừa có năng lực, trước hết là về mặt đạo đức, anh phải có tinh thần trách nhiệm, có sự dấn thân vì cộng đồng. Thứ hai phải có kỹ năng trong công tác, ngoài hiểu biết pháp luật anh còn phải hiểu biết về tôn giáo.
Đặc biệt nói về cái tâm đó là tinh thần dấn thân. Khi chúng ta nhắc đến quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo thì cái quản lý đây phải hiểu theo nghĩa là chúng ta phải chủ động hướng dẫn, giúp đỡ và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoàn thành thực hiện tốt các chính sách pháp luật, trong đó có việc phát huy tốt nguồn lực của mình, chứ không phải là chúng ta thụ động ngồi một chỗ và phán hay xét.
Tất cả mục tiêu vì con người và vì mục tiêu rất tốt đẹp là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì cán bộ, đảng viên như Bác nói đó là người đầy tớ, công bộc của nhân dân thì phải lấy tinh thần dấn thân phục vụ nhân dân, phục vụ cộng đồng trên cơ sở chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Và chúng ta phải quan tâm, hiểu biết, chủ động nắm bắt, tập hợp tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, cá nhân tôn giáo để chủ động giải quyết cho phù hợp.
TS. Lê Thị Liên: Từ bản thân kinh nghiệm cá nhân hơn 20 năm làm công tác liên quan trực tiếp đến tôn giáo, tôi thấy rằng làm công tác tôn giáo khó, khó vô cùng, khó hơn tất cả các lĩnh vực khác. Vì chúng ta quản lý một lĩnh vực khá nhạy cảm và là một lĩnh vực liên quan đến hoạt động tinh thần của người dân và ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, tình cảm của cộng đồng tín đồ.
Khối tín đồ là khối quần chúng khá đặc biệt, họ vừa là công dân nhưng đồng thời lại vừa là tín đồ tôn giáo, họ mang trong mình nghĩa vụ của một công dân Việt Nam nhưng cũng mang trong mình nghĩa vụ đối với tổ chức tôn giáo và họ có niềm tin tôn giáo.
Do vậy mà cộng hưởng trong sức mạnh niềm tin đấy rất đặc biệt, nếu chúng ta biết đặt để thì nó sẽ là cộng hưởng tốt, còn nếu không biết cách thì nó sẽ trở nên phản tác dụng.
Tổ chức tôn giáo thì ngày càng phát triển, cho dù ở mức độ nào thì họ đều phát triển. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy từ khi tôn giáo ra đời đến bây giờ, chưa có tôn giáo nào là lụi bại đi và chưa có tôn giáo nào mà tín đồ năm sau thấp hơn năm trước, chưa có một tôn giáo nào mà cơ sở thờ tự của năm sau hoặc là chức sắc, chức việc năm sau thấp hơn năm trước, ngược lại tất cả các chỉ số đều tăng.
Thế thì dẫn đến một điều là áp lực cho cán bộ làm công tác tôn giáo rất lớn. Trong khi chúng ta đang thực hiện tinh giản, gọn nhẹ đầu mối và tổ chức. Tuy nhiên nếu chúng ta không có một chiến lược tốt hơn cho cán bộ làm công tác tôn giáo thì tôi nghĩ rất khó có thể giữ được những cán bộ có tâm và có kinh nghiệm.
Bởi vì đối với lĩnh vực khác thì chỉ cần hiểu biết pháp luật lĩnh vực đó. Còn với công tác tôn giáo, chúng tôi phải hiểu được nhiều lĩnh vực của các luật khác nữa để khi làm thì mới có thể hướng dẫn được chức sắc, tín đồ tôn giáo, vì họ bao giờ cũng đến tìm đến các đầu mối, đó là Ban Tôn giáo Chính phủ, là MTTQ, là các cơ quan trực tiếp làm công tác tôn giáo... thì cán bộ phải toàn diện hơn.
Hiểu biết tôn giáo là đương nhiên rồi nhưng còn một cái mà như anh Thanh chia sẻ là kỹ năng. Nhiều lãnh đạo của chúng tôi nói rằng là cái nghề tôn giáo giống như nghề kim hoàn phải làm rất khéo tay, phải nhẹ nhàng, phải thế nào đó cho ra một sản phẩm giá trị và sản phẩm ấy phải đẹp thì đấy là cái khó nhất của cán bộ làm công tác tôn giáo.
Tôi nghĩ rằng tôn giáo phát triển là lẽ đương nhiên, là khách quan và sẽ tiếp tục xu thế phát triển cho dù là ở mức độ này, mức độ kia, cho dù là trong lĩnh vực này hay trong tôn giáo này có những cái chững hơn, có những cái phát triển hơn nhưng nhìn chung là phát triển. Và như vậy chúng ta cũng phải tính đến là cán bộ làm công tác tôn giáo phải tốt hơn, tinh túy hơn và phải đảm đương nhiều việc hơn. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải có một cơ chế, chính sách để giữ được những người như vậy.
Tôi nghĩ, nếu chúng ta không có một chiến lược tốt hơn thì sẽ có sự dịch chuyển nhân sự từ lĩnh vực công sang lĩnh vực tư, hiện tại điều này cũng đã bắt đầu xảy ra ở một số địa phương. Không có những người tâm huyết với nghề sẽ dẫn đến công tác tôn giáo không những khó mà còn khó phát huy được nguồn lực tôn giáo và khó có sự tham mưu chính xác, chuẩn xác cho Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan trong vấn đề thực thi và ban hành chính sách.
TS. Nguyễn Văn Thanh: Tôi cũng chia sẻ, đồng cảm với ý kiến của chị Liên và xin chia sẻ thêm. Đó là đối với đặc thù công tác tôn giáo, cần nhấn mạnh thêm yếu tố là chuyên sâu và chuyên lâu. Đối với cán bộ để trở thành một chuyên gia trong công tác tôn giáo, dù ở lĩnh vực nào thì anh ít nhất phải có độ dài và thời gian nhất định.
Như vậy mới có thể tạo lập và xây dựng các mối quan hệ gắn bó, thân thiết, tình cảm với các vị lãnh đạo, các chức sắc của các tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức tôn giáo trực thuộc. Khi hiểu biết nhau rồi thì giải quyết vấn đề hoặc phối hợp của hai bên từ góc độ hệ thống chính trị với các tổ chức tôn giáo hoặc với các vị lãnh đạo các tôn giáo sẽ rất thuận lợi.
Còn nếu không có sự hiểu biết, sự đồng cảm như vậy thì khi triển khai các công việc thậm chí rất dễ gây hiểu lầm. Hiểu lầm ở đây liên quan lĩnh vực tâm linh tín ngưỡng, tôn giáo sẽ là nhạy cảm, thậm chí có thể gây ra sự mất đoàn kết hoặc là triển khai công việc bất cập.
Muốn có chuyên gia “chuyên sâu, chuyên lâu” như vậy phải có chính sách động viên cụ thể, bởi đây là một lĩnh vực đặc biệt. Đối với những cán bộ công tác ở lĩnh vực hoặc khu vực đặc biệt thì chúng ta cần có các hình thức, chế độ chính sách phù hợp để động viên. Tôi thấy đó cũng là một điều cần quan tâm.
Kính thưa quý độc giả, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng phát huy các nguồn lực tôn giáo trong quá trình phát triển đất nước, nhờ đó nhiều giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo đã và đang được phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào việc chăm lo đời sống, an sinh xã hội, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của tôn giáo trong công cuộc xây dựng xã hội mới.
Buổi tọa đàm đến đây là kết thúc. Xin cảm ơn hai khách mời đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích. Kính chào quý vị và hẹn gặp lại.
Xuân Quý, Hồng Liên, Duy Tuấn, Xuân Long, Thu Hằng, Trần Minh