Diễn đàn hướng đến không gian khoa học để các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, học giả, doanh nghiệp, doanh nhân và tổ chức phi chính phủ trao đổi, thảo luận về vai trò của di sản văn hóa trong lộ trình thúc đẩy du lịch gắn với phát triển bền vững ở Việt Nam. Sự kiện do Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) chủ trì tổ chức, Bộ VHTT&DL bảo trợ nội dung và phối hợp tổ chức.
Việt Nam là hình mẫu về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích, trong đó có hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, 3.614 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 483 di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh và 265 bảo vật quốc gia.
Các di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng, ghi danh và được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo đã trở thành địa chỉ quan trọng trong việc thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam tháng 3 vừa qua, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới UNESCO Lazare Eloundou Assomo nói Việt Nam là hình mẫu về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Bà mong muốn kinh nghiệm của Việt Nam được chia sẻ với các quốc gia thành viên khác.
Theo đó, một trong những hoạt động cơ bản của Việt Nam trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thời gian qua là việc nhận diện giá trị, kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng, ghi danh ở trong nước và quốc tế, đặt chúng dưới sự bảo hộ của pháp luật; chú trọng bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, đưa di sản văn hóa trở thành địa chỉ đỏ trong việc thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Nuôi dưỡng tình yêu thương hiệu
GS. Aaron Ahuvia - chuyên gia hàng đầu thế giới về tình yêu thương hiệu đến từ Đại học Michigan (Mỹ) chỉ ra, du lịch Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc những năm qua, tuy nhiên sau đại dịch Covid-19, nền du lịch đã gặp nhiều khó khăn và thách thức. Tiếp tục củng cố để du lịch trở thành ngành mũi nhọn, Việt Nam cần đưa ra các biện pháp phù hợp trong bối cảnh hiện tại.
GS. Aaron Ahuvia chỉ ra cách có thể biến những khách du lịch đến 1 lần thành những người yêu quý Việt Nam, quay lại nhiều hơn và lan tỏa niềm yêu thích về văn hóa, con người Việt Nam: “Cần chú trọng tăng thêm lượng khách du lịch từ phương Tây để có thể cạnh tranh được với các nước lân cận. Trên hết, để thực hiện được tất cả những điều này, chúng ta cần thực hiện một cách bền vững”.
Ông cũng giải thích lý do việc nuôi dưỡng tình yêu thương hiệu của du khách đối với Việt Nam có thể đưa Việt Nam đi trên con đường phát triển bền vững.
“Khi xây dựng được thương hiệu, cần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế vốn có, nhất là lợi thế của các di sản. Đồng thời, cần đẩy mạnh quảng bá du lịch và có thêm nhiều dịch vụ trải nghiệm để thu hút khách tham quan”, GS. Aaron Ahuvia chia sẻ.
Theo Phó chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia Đặng Văn Bài, phát huy di sản văn hóa là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa, trong đó mô hình hợp tác công - tư được coi là điển hình tốt về phát triển bền vững, hiệu quả trong bảo tồn và lan tỏa giá trị của di sản văn hóa.
“Với mô hình này, các cơ quan quản lý nhà nước thể hiện vai trò trong xây dựng cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm cách tiếp cận cân bằng giữa phát triển du lịch với quản lý di sản; tuyên truyền, đồng hành với doanh nghiệp và người dân trong các vấn đề liên quan tới bảo tồn, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch… Từ đó, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cũng như cơ hội biết hơn về văn hóa, di sản, ứng phó tốt hơn với những thay đổi sinh kế, để có thể khai thác hiệu quả, hợp lý các giá trị di sản thành hàng hóa, các sản phẩm chất lượng”, ông Đặng Văn Bài chia sẻ.